Điểm tựa tâm hồn!

Thứ năm, 19/06/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Tôi bước chân vào làm báo khi đã ở cái độ tuổi mà ông bà ta vẫn bảo “đã toan về già”. Buổi sáng đầu tiên đi làm tôi suy nghĩ rất lâu, rồi chơi trò may rủi đếm gạch hoa lát nền nhà: đi, không đi, không đi... và cuối cùng tôi quyết định đi làm báo dù trước mắt tôi sẽ có muôn vàn  khó khăn. Tôi thấy sợ hãi như người già lần đầu tiên tập đi xe đạp, nếu ngã chưa chắc có đủ can đảm để đi tiếp. Và dường như ngay buổi đầu tiên tôi đặt bút lên trang giấy viết bắt đầu nghiệp làm báo thì tôi đã say mê nghề và biết rằng cuộc đời mình sẽ mãi gắn bó với cái nghề đầy gian nan, thử thách, nhưng cũng rất sinh động, thú vị và luôn mới mẻ này.

Từ bấy đến nay đã gần 11 năm tôi trăn trở với nghề, đã bao lần tôi mệt mỏi, muốn quỵ ngã, muốn bỏ cuộc; bao lần tôi mất lòng tin vào cuộc sống, vào những người mà mình yêu thương. Nhưng rồi tôi lại đứng lên bởi xung quanh tôi có những tấm gương, những điểm tựa để tôi neo vào, giúp tôi vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống.

Tôi muốn kể về chị, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học dân gian Đỗ Thị Tất, hiện chị là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lai Châu. Bởi sau khi gặp chị, tìm hiểu và nghe kể về cuộc đời chị, trong tôi bỗng vỡ òa, thì ra những khó khăn, vất vả, thậm chí cả khổ đau của tôi và rất nhiều người quanh tôi bấy lâu nay thật... bé nhỏ. Tôi thật sự ngưỡng mộ chị - người đàn bà có trái tim nhân hậu, có một tâm hồn thơ ngọt ngào say đắm, đầy trắc ẩn, yêu thương; một tấm lòng trải bát ngát giữa đại ngàn. Tôi thích cách mà bạn bè vẫn thường gọi chị - ngọn gió của rừng già.

Chị lớn lên trong một gia đình cũng thật đặc biệt, có một người mẹ già luôn đau ốm, một người bố bỏ mặc bầy con nheo nhóc theo thuyền qua bến khác, một người em bị bệnh tâm thần, một người em khác hy sinh khi đi bộ đội. Bao hoạn nạn đổ lên cái căn nhà nhỏ bé ấy, đè nặng tất tần tật trên đôi vai đã gầy như cò hương của chị Tất mà gầy quá, cao quá, khiến chị dễ bị nhầm  là... anh Tất. Chị bỏ học từ năm lớp 6 tần tảo, làm thuê cuốc mướn để có tiền nuôi mẹ, nuôi em. Khi các em đã trưởng thành, tự lo được thì chị tự học thêm rồi ra Hà Nội thi đại học. Những năm tháng làm nghề báo của chị sau này luôn khiến cánh làm báo chúng tôi phải kính nể; làng báo Việt Nam e chỉ có mình chị đi ròng rã trong rừng, dọc tuyến biên giới suốt 75 ngày.

Chị Đỗ Thị Tất (thứ 2 từ bên phải sang).

Chị cũng là nhà báo đặt chân được vào bản Apa Chải sau 18 ngày đi bộ đường rừng. Chị lặn lội trong rừng triền miên với chiếc camera M3000 trên vai, thú dữ, muỗi rừng, vắt suối, không làm chị nản, những vách núi cao dựng đứng - nơi chỉ có những bản người Mông, người Lự sống cheo leo, nơi những cơn gió tuyết hoành hành. Chị như con ma rừng, biết rõ từng tên con suối từng điển tích những loại hoa, chị đặt tên cho những địa danh trong rừng theo tâm thức của mình. Chị luôn tự nhủ: vất vả như vậy để biết được cái mình chưa biết, để khẳng định mình thì còn... rẻ chán!

Tuy nhiên cái giá để chị khẳng định mình, để chị hiểu biết là quá đắt: có lần chị suýt bị mất việc, rồi sốt rét rừng bao lần vật ngã chị, gió rừng tuốt sạch làn tóc mây trên mái đầu chị, chị già đi so với tuổi của chị rất nhiều. Những thiên phóng sự của chị gắn với bà mẹ núi, với bà mẹ đại ngàn, với dấu tích những dòng sông... luôn làm chúng tôi xao xuyến, thèm muốn một lần được như chị, nhưng cũng phải tự nhận với lòng mình không thể làm được. Cuộc đời chị chưa một ngày sung sướng; vất vả từ tấm bé, lớn lên làm con ma rừng. Hạnh phúc riêng tư của chị cũng thật truân chuyên. Chị yêu một lần và mãi mãi, tự sinh con một mình trong ký túc xá, chịu đựng bao khổ đau, cay đắng: “Trở dạ một lần mẹ ra ổ lá/ Mẹ oằn thân ghì đá/ Sinh con...”.

Bé Linh con chị năm nay học lớp 10, không biết bố là ai, nhưng hạnh phúc vô cùng vì có mẹ. Mẹ là tất cả... Tuy khổ cực là thế, nhưng hễ thấy ai khổ chị lại bảo vệ, giúp đỡ đến cùng. Trong những chuyến đi rừng dài, thấy những cháu bé mồ côi, khổ sở chị lại nhận làm con nuôi và gửi tiền nuôi nấng chăm lo đàng hoàng. Chị có tới 4 người con nuôi như thế. Có người đã lấy chồng, có người  vào ngành Công an.

Chị không chỉ là nhà báo giỏi, một nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian (chị là học trò cưng của GS -TS Tô Ngọc Thanh), những nghiên cứu của chị về người Lự, về những bí  ẩn sâu xa của rừng già là một công trình khá công phu, tỉ mỉ và có giá trị khoa học cao, chị còn là một nhà thơ có tiếng tăm. Thơ của chị là tiếng nói của trái tim, cũng nhân hậu, thật thà, cởi mở, da diết và đầy trăn trở. Con người chị nhìn bề ngoài ầm ào như sóng, như thể nhìn thấy tất tật ruột gan, nhưng trong thơ chị, trong đôi mắt sâu thẳm, lấp lánh của chị lại chứa đựng những tình cảm xúc động đến nao lòng, bí ẩn và câm nín.

Lần nào đọc thơ chị tôi cũng thấy cay cay trong mắt. Chị vào Đà Nẵng lần đầu cách đây 5 năm. Lần đó chị đi khám, biết mình mắc bệnh ung thư không còn sống được bao lâu, chị gọi điện vào cho cô bạn thân làm ở Đài PT-TH Đà Nẵng nói: “Tao sắp chết, muốn được thấy biển một lần rồi ra đi cho thanh thản!”. Bạn chị lúc đó cũng rất nghèo, nhưng nhất quyết bảo chị vào, đưa chị đi biển, đi thăm thú đó đây... Và như một phép lạ, một bất ngờ đến khi đi tái khám, bác sĩ lại bảo chị không bị ung thư.

 Phóng viên nữ TP Đà Nẵng
hỏi chuyện đời sống nông dân ở H. Hòa Vang.

Vậy là, người ở rừng muốn về biển một lần để chết, giờ lại về với rừng, về với nỗi đam mê cháy bỏng trong tim. Lần này chị vào Đà Nẵng muốn đi Mỹ Sơn, chị bảo thỉnh thoảng chị lại nằm mơ thấy những vũ nữ Apsara vươn cánh tay trong những điệu vũ thần kỳ. Sau chuyến đi Mỹ Sơn về chị rất hài lòng, khẳng định Mỹ Sơn giống nhiều trong giấc mơ của chị! Chị khoe với chúng tôi chiếc vòng bạc lấp lánh - lễ vật xin ra mắt mẹ vợ của các chàng trai dân tộc. Ấy là thêm một cô con gái nuôi của chị đã lập gia đình...

Kết thúc bài viết này tôi xin trích đăng bài thơ mới nhất của chị mang tựa đề là: ĐỪNG! trong đó có câu: “Đừng vứt nỗi đau đi, kẻo người ta nhặt mất”. Ôi con người ơi, cả  nỗi đau cũng cần như người ta cần sống, cần thở và cần yêu. Tôi viết cho chị mấy dòng thay lòng  gửi đến phương xa một tình yêu - chị đã cho tôi sức mạnh, cho tôi điểm tựa tâm hồn.

Thu Hương