“Điểm yếu” Chabahar

Thứ hai, 12/11/2018 09:00

Mỹ đang từng ngày gia tăng trừng phạt Iran và thậm chí cả những quốc gia có mối quan hệ làm ăn mật thiết với nước này trên nhiều lĩnh vực, để từng bước “đánh gục” quốc gia Hồi giáo này.

Tuy nhiên, trong cuộc chơi này, Mỹ vẫn còn một điểm yếu chết người, đó là cảng Chabahar. Trong tuyên bố mới nhất, Mỹ cho biết sẽ “miễn trừ” cảng Chabahar của Iran vốn do Ấn Độ hậu thuẫn khỏi các biện pháp trừng phạt mới và công nhận giá trị của dự án đối với Afghanistan. Vì sao Washington quyết định đưa ra ngoại lệ liên quan đến một số biện pháp trừng phạt chống Iran, không cản trở sự phát triển hải cảng Chabahar như vậy? 

Cuối năm 2017, Iran đã khánh thành cảng Chabahar ở Ấn Độ Dương, mở ra tuyến đường cung cấp chính cho Afghanistan và cho phép Ấn Độ vượt qua đối thủ lịch sử Pakistan. Đây là cảng có tầm quan trọng ý nghĩa đối với nền kinh tế không chỉ của Iran mà của cả quốc gia láng giềng Afghanistan. Việc biến cảng Chabahar thành một trung tâm giao thông lớn đồng thời sẽ nâng cao vai trò của Iran trong khu vực, cũng như dẫn đến sự phát triển ở các tỉnh miền đông đất nước. Khu cảng Chabahar dự kiến sẽ mở đường cho hàng triệu USD trong thương mại và đang được phát triển như một phần của hành lang giao thông mới cho Afghanistan đang bị chiến tranh tàn phá. Cả Ấn Độ và Iran đã ký một thỏa thuận trị giá 85 triệu USD để phát triển cảng chiến lược này.

Ấn Độ đã đổ 2 tỷ USD vào Afghanistan kể từ khi chính phủ Taliban bị lật đổ hồi năm năm 2001, động thái bị Iran phản đối dữ dội. New Delhi đã coi Chabahar là con đường chủ chốt để gửi nguồn cung cấp cho Afghanistan và đẩy mạnh thương mại với các quốc gia Trung Á cũng như Châu Phi. Trong khi đó, Iran có kế hoạch liên kết cảng bằng đường sắt đến Zahedan trên biên giới Pakistan đến Mashhad ở phía đông bắc. Nói vậy để thấy rõ tầm quan trọng chiến lược số 1 của cảng này của Iran trong mối quan hệ với các quốc gia ở Trung và Nam Á.

Vì vậy, việc Washington bỏ qua khu vực chiến lược này được xem là động thái khá bất ngờ. Nhưng không phải là Mỹ không thấy đòn đánh chiến lược này mà là họ có những toan tính khác. Hiện tại, sự hiện diện của Trung Quốc ở cảng Gwadar ngày càng lớn mạnh nên Mỹ buộc phải chọn cách để cho Ấn Độ tiếp tục gia tăng hoạt động tại Chabahar, trong khi quan hệ giữa Mỹ và Iran vẫn là thù địch, miễn là cảng này nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc hoặc các nước Châu Âu. Tức là, nếu nhìn từ góc độ này, thì có thể nói rằng, New Delhi đã được Washington “bật đèn xanh” để đầu tư vào Chabahar. Ấn Độ lâu nay vẫn coi cảng Chabahar là một tài sản chiến lược quan trọng, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với Afghanistan, vốn “bị khóa” trong vòng vây của Pakistan.

Ngoài ra, Chabahar có tầm quan trọng ý nghĩa đối với nền kinh tế Afghanistan, quốc gia Mỹ đang bị sa lầy trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn 15 năm qua.

THANH VĂN