Điện ảnh song hành cuộc chiến chống COVID-19

Thứ tư, 09/02/2022 17:17

Đại dịch toàn cầu thực sự tác động sâu sắc đến nhiều mặt xã hội, và giới điện ảnh cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, từ trong nỗi mất mát chung của nhân loại, những bộ phim về COVID-19 cũng được thai nghén và xuất hiện với giá trị riêng biệt.

Poster bộ phim “Bản mệnh thiên thần".

Dịch bệnh giống như thiên tai và chiến tranh, vẫn là đề tài gai góc nhưng lôi cuốn những nhà làm phim. Với tính xung kích, phim truyền hình đã nhập cuộc rất nhanh. Khi COVID-19 bắt đầu nhen nhóm tại Việt Nam, trên VTV đã có bộ phim “Những ngày không quên”, thì khi COVID-19 căng thẳng hơn lại có thêm bộ phim “Ngày mai bình yên”. Nếu như “Những ngày không quên” là sự bỡ ngỡ về COVID-19, thì “Ngày mai bình yên” là sự ứng phó với COVID-19.

Dịch bệnh giống như thiên tai và chiến tranh, vẫn là đề tài gai góc nhưng lôi cuốn những nhà làm phim. Với tính xung kích, phim truyền hình đã nhập cuộc rất nhanh. Khi COVID-19 bắt đầu nhen nhóm tại Việt Nam, trên VTV đã có bộ phim “Những ngày không quên”, thì khi COVID-19 căng thẳng hơn lại có thêm bộ phim “Ngày mai bình yên”. Nếu như “Những ngày không quên” là sự bỡ ngỡ về COVID-19, thì “Ngày mai bình yên” là sự ứng phó với COVID-19.

Bản thân ông Phát - chủ một doanh nghiệp xây dựng vừa phải chật vật, căng mình để duy trì hoạt động công ty, tìm cách lo liệu trả lương cho nhân viên, vừa làm quen với “trạng thái bình thường mới”... “Ngày mai bình yên” dàn dựng nhiều hình ảnh xúc động như câu chuyện những người phụ nữ chung tay nấu suất ăn thiện nguyện mang tới cho lực lượng chống dịch tuyến đầu; những người công nhân tình nguyện giảm lương, chậm lương để giúp công ty đang bên bờ vực phá sản; sự giúp đỡ chân tình của những người hàng xóm trong khu phố... Trong quãng thời gian khó khăn, nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề, các thành viên trong gia đình ông Phát đã mở lòng với nhau hơn, nhìn thấu được tình cảm của nhau, nhận ra giá trị của tình yêu, của tình người ấm áp.

Dù muốn dù không, phim truyền hình cũng chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách của thời sự. Muốn có một bộ phim phản ánh sâu sắc hơn về COVID-19, phải trông đợi vào điện ảnh. Ngay thời điểm cuối năm 2021, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, đạo diễn của “Phượng Khấu”… quyết định làm một bộ phim về COVID-19 có tên gọi “Bản mệnh thiên thần” với sự tham gia của các diễn viên là những gương mặt quen thuộc như Hoa hậu Khánh Vân, Á hậu Huyền My, Jenifer Phạm, NSƯT Mỹ Duyên, NSƯT Tuyết Thu, Thanh Tùng, Tiến Lộc, Băng Khuê, Hiền Ngân, Trịnh Tú Trung, Nguyễn Hồng Nhung…

Bộ phim “Bản mệnh thiên thần” là câu chuyện được kể lại thông qua hồi ức đầy kinh khủng của một nhân vật shipper chuyên ship các hũ tro cốt sau khi hỏa táng của nạn nhân đã mất trong đại dịch mà chưa được người thân kịp nhận về. Ký ức dẫn anh về những ngày khởi đầu cho trận chiến dài kỳ là chỉ thị phong tỏa các bệnh viện đang có ca nhiễm trong toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong suốt 15 ngày phong tỏa tập thể y bác sĩ lẫn bệnh nhân đột ngột bị “khóa chốt” trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và chính anh cũng là nạn nhân của vụ mắc kẹt kinh hoàng này. Bệnh viện lúc này trở thành một xã hội thu nhỏ - nơi có đầy đủ các giai tầng và xuất thân. Họ cùng đứng trên một con thuyền, cùng một số mệnh: chống chọi với virus hay khuất phục bởi bệnh tật và nỗi sợ. 

Một cảnh trong bộ phim “Ngày mai bình yên”.

Từ những vận động của giới sản xuất phim Việt Nam trước đề tài COVID-19, thử nhìn sang thị trường điện ảnh các nước xem sao. Virus Corona được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán - Trung Quốc. Vì vậy, cuộc chiến chống COVID-19 ở đô thị này cũng nhanh chóng được làm phim. Bộ phim “Chinese Doctors” phát hành đầu năm 2021, đã mang lại cho những nhà làm phim con số lợi nhuận khá lớn. “Chinese Doctors” lấy bối cảnh các bệnh viện ở Vũ Hán từ khi COVID-19 bùng phát tới khi được khống chế. Tác phẩm tái hiện số phận con người cũng như cuộc chiến giành giật sự sống của đội ngũ y bác sĩ. “Chinese Doctors” có sự tham gia của nhiều ngôi sao như Trương Hàm Dữ, Viên Tuyền, Chu Á Văn, Lý Thần, Dịch Dương Thiên Tỉ… nên thu hút được sự chú ý của công chúng không chỉ tại Trung Quốc.

Bên cạnh bộ phim “Chinese Doctors”, thì cuộc chiến chống COVID-19 ở Trung Quốc còn được thể hiện trong sê-ri phim truyền hình “Sát cánh bên nhau”. Có dung lượng 20 tập, bộ phim truyền hình “Sát cánh bên nhau” phản ánh 10 câu chuyện riêng biệt. Dành hai tập với thời gian 120 phút để kể một câu chuyện có thật, bộ phim “Sát cánh bên nhau” thực sự lấy được nước mắt khán giả. Với cách làm mỗi câu chuyện do một biên kịch và một đạo diễn thực hiện, bộ phim “Sát cánh bên nhau” gồm các phần ”Bước ngoặt cuộc đời”, “Người đưa đò”, “Người cứu hộ”, “Đồng nghiệp”, “Quyết chiến Hỏa Thần Sơn”, “Tìm kiếm 24h”, “Người Vũ Hán”, “Bệnh viện Phương Thương”, “Tôi là Đại Liên”, “Khẩu trang”. Nhiều đạo diễn nổi tiếng đã tham gia vào dự án “Sát cánh bên nhau” như Trương Lê, An Kiến, Thẩm Nghiêm, Uông Tuấn... 

Từ người thật việc thật để chuyển thành phim, “Sát cánh bên nhau” giống như những trang sử sống động về giai đoạn căng thẳng vì COVID-19 ở Vũ Hán. Sở dĩ “Sát cánh bên nhau” lôi cuốn người xem là nhờ kỹ thuật “tiêu hóa” sự kiện rất nhanh của những nhà làm phim chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, không thể không thừa nhận tài năng diễn xuất của những diễn viên thượng thặng. 

Nếu như những nhà làm phim Trung Quốc chọn chính bối cảnh Vũ Hán để sáng tạo, thì những nhà làm phim Mỹ lại đi theo con đường khác. Một trong những bộ phim được sản xuất với tốc độ chóng mặt ở Hollywood về COVID-19 là “Songbird” (tạm dịch “Giữa tâm dịch”). Nhà sản xuất Michael Bay và đạo diễn Adam Mason đã bắt tay để đưa bộ phim “Giữa tâm dịch” ra mắt cuối năm 2020 tại Mỹ và sau đó được giới thiệu ở một số nước châu Âu tạm yên ổn sau khi đẩy lùi virus Corona. “Giữa tâm dịch” lấy bối cảnh giả tưởng năm 2024, khi nước Mỹ bước vào năm đại dịch thứ tư kể từ năm 2020 lịch sử. Tại đây, mọi phương pháp chống dịch đều thất bại. Biện pháp phong tỏa và cách ly hoàn toàn xã hội được áp dụng. Chỉ 0,1% dân số miễn nhiễm với COVID-19 được phép ra khỏi nhà. Tuy nhiên, khi bị phát hiện nhiễm bệnh, bệnh nhân sẽ bị đưa vào các trại cách ly hà khắc mà không nhận được sự chăm sóc y tế. Họ chỉ có 2 sự lựa chọn: hoặc là tự khỏi bệnh, hoặc là chết.

Bên cạnh nam diễn viên K.J Apa từng lừng lẫy qua các bộ phim ”I Still Believe” (2020), ”A Dog’s Purpose” (2017) và series phim truyền hình ”Riverdale”, thì bộ phim “Giữa tâm dịch” còn quy tụ các ngôi sao đình đám như Demi Moore, Bradley Whitford, Lia McHugh, Alexandra Daddario. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hành, bộ phim “Giữa tâm dịch” đã bị chính khán giả Mỹ chỉ trích vì mô tả lực lượng y tế như những kẻ phản diện đáng sợ và ca ngợi một đôi tình nhân coi thường tính mạng cộng đồng. 

TÂM HUYỀN