Diễn biến “nóng” liên quan đến việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ lần thứ 3 liên tiếp: Cần chủ động phòng vệ
(Cadn.com.vn) - Động thái tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ lần thứ 3 với mức 1,1% vào ngày 13-8 được xem là sự kích hoạt, châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ trong khu vực. Dư luận cho rằng, với tổng mức giảm 4,6% trong vòng 3 ngày, Trung Quốc đã quyết liệt trong nỗ lực “giải cứu” hàng hóa xuất khẩu. Một câu hỏi lớn đặt ra, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trước biến động của thị trưởng tiền tệ Trung Quốc?
Trung Quốc sẽ không phá giá đến 10%?
Tỷ giá tham chiếu ngày 13-8 được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố ở mức 6,4010 nhân dân tệ (CNY) đổi một USD, thấp hơn 1,1% so với mức 6,3306 được công bố hôm 12-8. Với biên độ dao động 2%, tỷ giá giao dịch trên thị trường Trung Quốc có thể dao động trong khoảng 6,2730 - 6,5290 CNY/ USD. Trước đó, sau 2 lần phá giá, tờ StraitsTime cho biết, trên thị trường Thượng Hải tỷ giá đã có lúc giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 4 năm qua: 6,4392 CNY đổi 1 USD. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.
Có nhiều nguyên nhân khiến Chính phủ Trung Quốc phá giá CNY. Trước hết, mục đích của lần phá giá này nhằm thúc đẩy xuất khẩu, giúp hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn khi bán ra các thị trường nước ngoài. Điều này sẽ giúp các nhà máy của Trung Quốc duy trì được sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Thứ hai, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã trì hoãn đưa CNY vào rổ tiền dự trữ do Trung Quốc cứng nhắc, không linh hoạt về tỷ giá. Do vậy, đợt phá giá CNY lần này chính là bước đi của Trung Quốc nhằm thuyết phục IMF cho phép CNY lọt vào “giỏ” tiền tệ của IMF cùng với USD, EUR, bảng Anh và yen Nhật trong hệ thống tài chính toàn cầu. Thứ ba, động thái của PBoC nhắm vào Mỹ, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải trì hoãn kế hoạch nâng lãi suất vào tháng 9 sắp tới. CNY và USD là 2 đồng tiền đang tăng giá trong bối cảnh thế giới chạy đua nới lỏng tiền tệ. Mỹ và Trung Quốc đều đang cố gắng tìm kiếm lạm phát bằng mọi cách, đồng thời xuất khẩu giảm phát sang nước có đồng tiền mạnh hơn. USD tiếp tục tăng giá khiến FED “đau đầu” vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty xuất khẩu của Mỹ, làm giảm lạm phát cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Hãng tin Reuters cho biết, Chính phủ Trung Quốc dường như đang tìm cách tiếp tục phá giá đồng nội tệ của mình khoảng 10% nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Bởi lẽ, trong khi USD tăng giá 20% so với các đồng tiền khác, CNY hầu như có tỷ giá tham chiếu cố định với đồng bạc xanh. Điều này khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc sẽ mất lợi thế cạnh tranh về giá hàng hóa trong bối cảnh hàng loạt các nước hạ giá đồng tiền để thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, trước tin đồn CNY sẽ tiếp tục bị phá giá sâu, mức cao nhất có thể lên tới 10%, tại cuộc họp báo đầu giờ chiều ngày 13-8, PBoC khẳng định, không có cơ sở nào để CNY tiếp tục mất giá hơn nữa. Ông Yi Gang (Phó thống đốc PBoC) cho hay, một tỷ giá CNY cứng nhắc sẽ không thích hợp cho Trung Quốc lúc này, việc điều chỉnh CNY chỉ góp phần thúc đẩy xuất khẩu, PBoC sẽ có các biện pháp để giữ sự ổn định của đồng nội tệ, đồng thời kỳ vọng vị trí CNY sẽ cao hơn trong tương lai.
Tài chính toàn cầu đang chịu tác động mạnh từ động thái của Trung Quốc đòi hỏi mỗi nền kinh tế và các doanh nghiệp phải có biện pháp phòng vệ hiệu quả. Trong ảnh: Bảng tỷ giá ngoại tệ niêm yết tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chiều 13-8. Ảnh: Nguyễn Lê |
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng
Đến cuối tháng 7, mức thâm hụt của Việt Nam với Trung Quốc gần 20 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu lên đến 28,8 tỷ USD, xuất khẩu chỉ có 9,3 tỷ USD. Điều này cho thấy, khi CNY bị phá giá, nhập siêu có nguy cơ sẽ tăng mạnh hơn nữa do hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sẽ tràn ngập trên thị trường Việt Nam.
Một vấn đề đáng quan tâm hơn nữa, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với Trung Quốc và các nước khác sẽ giảm sút đáng kể do các đồng baht Thái, đô-la Singapore, peso Philippines, đô-la Australia, won Hàn Quốc... giảm theo đà phá giá của CNY. Do vậy, các mặt hàng gạo, thủy sản xuất khẩu đang đứng trước nguy cơ giảm giá, trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác trên thị trường Trung Quốc. Ông Trương Đình Hòe (Tổng thư ký VASEP) cho biết Trung Quốc và ASEAN là thị trường chiếm đến 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Khi Trung Quốc phá giá CNY, cá tra sẽ chịu áp lực giảm giá tại các thị trường này trong thời gian tới. Riêng giá tôm xuất khẩu sẽ bị cạnh tranh khốc liệt khi Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ,... tiếp tục phá giá đồng tiền của họ theo CNY. Đối với hàng dệt may, Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới, chiếm 39% thị phần toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 4, chiếm 4% thị phần. Các mặt hàng may mặc xuất khẩu thường có tỷ suất lợi nhuận thấp do chủ yếu làm gia công nên lợi nhuận thường thấp. Sau khi CNY bị phá giá, hàng may mặc của Trung Quốc sẽ rẻ hơn, hàng của Việt Nam khó có thể giảm giá tương ứng để cạnh tranh.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng, lợi thế về tỷ giá sẽ giúp các đơn vị Trung Quốc tiếp tục có sức cạnh tranh lớn trong lĩnh vực đấu thầu các dự án trong và ngoài nước. Điều này sẽ gây bất lợi đối với ngành xây dựng của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng,... vì khả năng cạnh tranh sẽ yếu đi. Đồng CNY yếu đi sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch do lượng khách Trung Quốc tiếp tục ưu tiên du lịch trong nước hơn du lịch nước ngoài kể cả Việt Nam. Nhóm doanh nghiệp FDI xuất khẩu đi Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị điện tử cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đối với thị trường tiền tệ, việc Trung Quốc phá giá CNY kéo theo những hiệu ứng khiến lạm phát gia tăng, gây áp lực lên tỷ giá, kích hoạt hiện tượng đầu cơ USD.
* Tại Đà Nẵng, một số doanh nghiệp đang lo lắng trước về việc CNY bị phá giá. Kế toán trưởng một đơn vị sản xuất thép có quy mô cho biết, thị trường thép sẽ bị cạnh tranh khốc liệt do thép giá rẻ Trung Quốc tràn qua. Do vậy, họ phải tìm mọi cách tiết kiệm cho phí, hạ giá thành để đối phó trước với những tác động bất lợi. Một giám đốc doanh nghiệp thủy sản cho biết, các khoản vay ngoại tệ bằng USD từ đầu năm đến nay đã chịu mức độ rủi ro khá lớn, chưa đến 8 tháng, chi phí đã “đội” lên 3%, chưa kể lãi suất vay từ 3-5%/năm, đôi khi còn đắt đỏ hơn vay bằng VND. Do vậy, các doanh nghiệp vay ngoại tệ để nhập khẩu đang khẩn trương chuyển dần qua vay VND (thay cho việc vay ngoại tệ như trước đây). Các nhà đầu tư dự kiến tỷ giá VND/USD sẽ tăng lên trong thời gian đến dưới áp lực phá giá CNY của Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng Trung Quốc của Việt Nam, khi CNY mất giá so với VND, họ sẽ có lợi vì mua được hàng hóa rẻ hơn. |
Tỷ giá VND sẽ tiếp tục điều chỉnh?
Một câu hỏi lớn được đặt ra, liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đủ sức ổn định tỷ giá trước xu thế phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Một số chuyên gia cho rằng, NHNN xử lý nhanh tình huống khi nới biên độ lên +/- 2% trước áp lực dồn đẩy phá giá lần thứ 2 của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng biên độ để ứng phó với biến động tỷ giá CNY sẽ đặt NHNN vào tình huống đầy thử thách để giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Thị trường ngoại hối tiếp tục “tăng nhiệt”. Các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tỷ giá USD kịch trần với mức bán ra là 22.106 đồng/USD. Thị trường tự do, giá bán đô-la chạm 22.300 đồng, tăng 200 đồng so với ngày trước đó. Giá vàng SJC tại Doji đã tăng vọt lên 34.100 - 34.800 triệu đồng/ lượng, tăng 600.000 đồng chiều mua vào và 1.080.000 đồng/ lượng so với ngày hôm qua.
Rõ ràng, việc phá giá CNY khiến cho tỷ giá VND chịu nhiều áp lực do nhập siêu, đồng thời, USD lên giá kéo theo VND lên giá sẽ làm giảm xuất khẩu. Phản ứng nới biên độ vừa qua của NHNN được cho là kịp thời và hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh tỷ giá mạnh sẽ làm gia tăng áp lực trả nợ, điều này không dễ dàng gì trong bối cảnh Việt Nam thâm hụt ngân sách, tăng trưởng kinh tế chậm. Trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể bán ra 5-6 tỷ USD để ổn định thị trường ngoại hối. Do vậy, tỷ giá VND được dự đoán sẽ chịu được áp lực từ nay cho đến hết năm 2015.
Nhiều người đang lo sợ có một “cuộc chiến tiền tệ” do Trung Quốc khởi xướng, tất nhiên, điều này còn phải tranh luận, nhưng nó nói lên mức độ nghiêm trọng của động thái phá giá CNY của Trung Quốc. Điều quan trọng lúc này chính là khả năng thích ứng của hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam trước diễn biến tiền tệ mang tính toàn cầu khởi nguồn từ Trung Quốc. Sự biến động CNY đặt ra nhiều khó khăn nhưng không hẳn đó là tất cả, mà còn có những thuận lợi nhất định, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhập khẩu. Có thể nói, ngay lúc này, các doanh nghiệp Việt Nam cần có các giải pháp phòng vệ tích cực và chủ động.
Văn Khoa