Điện Biên Phủ - vang mãi khúc tráng ca! (2)

Thứ bảy, 03/05/2014 11:00

* Bài 2: Điện Biên Phủ trong tôi

(Cadn.com.vn) - "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc?/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu/Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu" (Chế Lan Viên). Khi tôi lớn lên, đất nước đã im tiếng súng. Điện Biên Phủ (ĐBP)- Tây Bắc trong tôi là những trang sử, là những trang thơ, bài ca hào hùng. Qua những vần thơ, bút ký của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng..., với tôi, Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng là một vùng đất huyền sử, lãng mạn, đầy chất thơ nhưng cũng là vùng đất đầy thử thách. Cho đến khi đặt chân lên mảnh đất này, tôi càng thấm thía hơn những vần thơ của Chế Lan Viên. Ẩn sâu sau một di sản đồ sộ về di tích lịch sử, ĐBP là cả một khát vọng được khám phá...

Dưới chân Tượng đài chiến thắng ĐBP. Ảnh: P.T

Có 2 phương tiện để lên Điện Biên: đường hàng không và đường bộ qua những cung đường quanh co trập trùng đồi núi, dốc lên, dốc xuống sâu thăm thẳm. Vốn hay say xe nên lần này lên Tây Bắc tôi phải chọn cách đi máy bay. Trên đường về trung tâm TP Điện Biên, trước mắt tôi, bên kia cầu Thanh Bình bắt qua sông Nậm Rốn uốn quanh đang mùa khô hạn là Tượng đài chiến thắng ĐBP trên đồi D1- nằm vị trí trung tâm TP và cũng là vị trí trung tâm của khu di tích- cao khoảng 50 m so với cánh đồng Mường Thanh. Đứng từ vị trí này có thể nhìn bao quát cả lòng chảo Mường Thanh.

Nghe nói, trước khi chọn địa điểm đặt Tượng đài chiến thắng ĐBP, cùng với kế hoạch khảo sát, đơn vị chức năng đã tham khảo ý kiến của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 1-3-2004, sau gần một tuần vận chuyển qua nhiều cung đoạn, như từ Nam Định lên Hòa Bình bằng ô-tô, từ Hòa Bình lên Sơn La bằng đường Thủy và từ Sơn La lên Điện Biên thì bằng xe siêu trường siêu trọng do Cty vận tải đa phương thức thực hiện, quần thể tượng bằng đồng lớn nhất Việt Nam này với trọng lượng 220 tấn đã tiến vào TP Điện Biên trong tiếng reo hò  của đồng bào, giống như chào mừng chiến thắng ĐBP lần thứ 2 vậy...

Cựu chiến sĩ ĐBP về thăm lại chiến trường xưa trên đồi A1.

Trong ánh chiều tà, hình ảnh 3 anh bộ đội mặc áo trấn thủ trong tư thế đấu lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết thắng trông thật kiêu hùng. Từ Tượng đài chiến thắng ĐBP đi thêm chừng 1,5km là tới Đồi A1 nằm ngay trên đại lộ 7/5-đại lộ đẹp nhất TP Điện Biên vừa được đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp-nơi cách đây 60 năm, sau những trận chiến vô cùng ác liệt, quân đội nhân dân Việt Nam đã chiếm lĩnh được cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở ĐBP. Tại đồi A1, tôi gặp hai cựu chiến binh ĐBP là bác Phạm Đức Minh (80 tuổi) và bác Phạm Văn Hòe (88 tuổi)- chiến sĩ Đại đoàn 316, Trung đoàn 174, Tiểu đoàn 125, Đại đội 674- từ miền Trung lên thăm lại ĐBP.

Họ chỉ về phía dãy thép gai được phục dựng một phần, bảo tôi: "Ngày xưa, hàng rào thép gai nhiều lắm. Để tiến lên được chiến hào của đội quân lê dương đang trấn giữ ở đồi A1 này, phải vượt qua lớp lớp thép gai chằng chịt. Xung quanh xưa kia là đồi trọc với những họng súng đen ngòm, làm gì có nhà cửa, cây cối mọc xanh tốt như thế này. Đổi thay nhiều quá, nhưng giữ lại được ngọn đồi với những đường hào, hầm như thế này cũng là quý lắm rồi. Điều đó cho thấy, sự sống đã nảy nở và phát triển nhanh chóng trên chính chiến trường bom đạn ngày xưa các bác đã chiến đấu".

Bất chợt cụ Hòe quay sang hỏi cụ Minh: "Nè ông! Ông nhớ lúc địch thả bom Napal không? Lúc đó bọn mình đang chuẩn bị chuyển bộc phá cho đồng đội đặt vào cái hố đằng kia. Ông nhớ không? Đồng đội mình hy sinh nhiều lắm!". Nói rồi cả hai rưng rưng nước mắt. Trước khi chia tay để  đi theo đoàn, hai cụ bắt tay tôi thật chặt:   "Ngày đi chiến đấu, các bác đâu nghĩ đến ngày sống sót trở về. Giờ còn được lên thăm ĐBP thế này là quý lắm rồi, cháu ạ!". Vâng! 60 năm vật đổi sao dời, nhưng những gì mà các bác cùng đồng đội đã cống hiến, hy sinh sẽ mãi mãi không bao giờ mất... Cũng ngay tại đồi A1, tôi gặp thêm một hình ảnh xúc động khác: một người chiến sĩ quân đội đứng nghiêm giơ tay chào trước mộ tập thể 4 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) và Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) chiến đấu, hy sinh vào rạng sáng 1-4-1954...

Ngay trên miệng hố hình phễu to bằng cái "ao đình cạn"- dấu tích trận nổ khối bộc phá gần nghìn cân của quân ta được chiến sĩ Điện Biên ngày ấy ví "đào hầm để trị hầm" (trị cả hầm và cả lô cốt cố thủ của giặc)- tôi lại nhớ đến những vần thơ của Nguyễn Đình Thi: "Nước chúng ta/Nước những người chưa bao giờ khuất/Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về/Ôi những cánh đồng quê chảy máu/Dây thép gai đâm nát trời chiều"... Ở TP Điện Biên, đi đâu cũng gặp di tích lịch sử: hầm De Castries, đồi Độc Lập, Him Lam, Hồng Cúm... Hôm tôi hợp đồng với chú Bùi Thế Hải- xe ôm, nhà ở trại 2 xã Thanh Xương, H.Điện Biên- chở về Mường Phăng thăm khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch ĐBP- nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống và làm việc trong suốt chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch ĐBP) kể từ sau khi chuyển địa điểm căn cứ từ hang Thẩm Púa (Tuần Giáo) về, chú Hải hỏi tôi muốn đi đường nào?

Tác giả đang ghi âm lời cựu chiến sĩ ĐBP kể lại trận giao tranh ác liệt  trên đồi A1.

Thấy tôi ngạc nhiên, chú giải thích: "Về Mường Phăng có 2 con đường. Một đường đi rất cực và một đường đã được làm lại để du khách về thăm". Tôi nói với chú: "Vậy chú chở cháu đi con đường xấu đó để biết thế nào là đường Tây Bắc. Lúc về hãy chở cháu đi đường êm hơn, được không?". Ông cười vang bảo: "Được đó, đi để biết địa hình Tây Bắc thế nào. Chứ xe cứ chạy bon bon, đâu có cảm nhận được ngày xưa bộ đội ta gian khổ thế nào để làm nên chiến thắng ĐBP lịch sử phải không cháu? Thật ra, con đường ấy so với ngày xưa cũng chẳng thấm vào đâu. Hồi chú từ Thái Bình lên đây năm 1980, Điện Biên hoang vu lắm?".

Có mặt tại Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP trong khu rừng Mường Phăng nguyên sinh với những tán cây rừng lâu niên, lang thang đi vào trong lòng đồi với những địa đạo chằng chịt, vào lán chỉ huy tranh tre nứa lá đơn sơ..., tôi bỗng nhớ đến lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong "Điện Biên Phủ 40 năm nhìn lại": "...Chiều sâu của chiến thắng ĐBP tiềm ẩn trong truyền thống quật cường, bất khuất mấy nghìn năm của dân tộc, từ khí phách huyền thoại của em bé làng Gióng mới lên 3 tuổi đã đánh đuổi giặc giữ nước mà đã cho là muộn, giận chín tầng trời còn thấp khi bay tận mây xanh.

Chiều sâu ấy tiềm ẩn trong câu thơ: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" của Lý Thường Kiệt, từ Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo... đến lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tài mưu lược đã sáng tạo ra nghệ thuật đánh giặc của một nước nhỏ luôn thắng những đạo quân xâm lược lớn mạnh..." (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.15-22)...

Những ngày tôi đang sống đây là những ngày đẹp nhất! Tôi đang đi trên vùng đất Điện Biên chứa đầy di sản lịch sử hào hùng của dân tộc. Mỗi nơi đi qua in dấu của bao chiến tích oai hùng. Trong điệu múa xòe của những cô gái Thái, trong vòng tay "Uống khát vọng" của đồng bào Tây Bắc hiếu khách này, tôi hiểu vì sao chúng ta đã thắng được một đế quốc to trong thời kỳ đất nước còn cực khổ, khốn khó trăm bề... Như lời Đại tướng từng nói: "ĐBP là một tất yếu của lịch sử...".

Bút ký: Phan Thủy
(còn nữa)