Điện Biên Phủ - vang mãi khúc tráng ca! (3)

Thứ hai, 05/05/2014 11:47

Bài 3: Hào khí Điện Biên Phủ

(Cadn.com.vn) - Các cựu chiến binh Điện Biên mà tôi may mắn gặp được trong cuộc hành hương về Điện Biên, tuổi đều ngoài 80. Trong số đó, có người đã chọn Điện Biên làm quê hương thứ hai; có người lần đầu tiên sau 60 năm mới trở lại chiến trường xưa. Qua hồi ức của họ, tôi thêm một lần nữa nghiêng mình kính cẩn trước lịch sử dân tộc, trước anh linh những chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Điện Biên anh hùng...

Bức tượng tái hiện con đường kéo pháo và đường vào trận địa 105, trận địa pháo H6.

Trên chuyến bay từ Hà Nội lên Điện Biên, tôi chú ý đến đôi vợ chồng già ngồi cùng dãy đi cùng con trai, con gái, con dâu. Tôi hỏi người con trai ngồi ghế bên cạnh: "Nhà mình ở Điện Biên hay chỉ lên đó du lịch hả anh? Cụ già thế, liệu đi có ổn không?". Người con trai cười đáp: "Gia đình tôi hiện ở Hà Nội. Ba tôi là cựu chiến sĩ Điện Biên muốn lên thăm lại chiến trường xưa, nên cả nhà quyết định đưa cụ đi. 60 năm rồi cụ mới trở lại...". Tôi "ồ" lên, xin anh địa chỉ để khi về lại Hà Nội sẽ tìm đến nhà thăm hỏi.

Người cựu chiến sĩ Điện Biên ấy tên Nguyễn Thanh Ký (1934), quê Thanh Hóa, hiện ở phố Minh Khai (Hà Nội). Trong ngôi nhà nhỏ thuộc khu tập thể thảm len nằm sâu trong hẻm nhỏ phố Minh Khai, bác Ký hỏi tôi: "Đố cháu, khi đi chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP), bác nặng bao nhiêu ký? 34 ký. Giờ bác 43 ký!". Tôi tròn mắt, còn ông thì cười. Năm 1951, ông tình nguyện đi bộ đội, rồi được bổ sung vào Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316, hành quân từ Thanh Hóa lên Điện Biên mất nửa tháng trời.

"Mỗi người đi đem theo 10 cân gạo, 100 viên đạn, một khẩu súng, 1 cái xẻng. Đi đến đâu làm đường đến đó. Khi vào gần lòng chảo Điện Biên thì bắt đầu công việc đào giao thông hào, đào hầm chia cắt các cứ điểm Him Lam, Mường Thanh, A1, D1, D2, C1, C3... Đêm đào đến 4 giờ sáng thì nghỉ, 9 giờ sáng đi quan sát và bắn tỉa quân địch. Cháu có biết, đào giao thông hào, đào hầm gian khổ thế nào không? Mỗi người được phân công đào một đoạn đường hào. Cứ khom người, tay xẻng lầm lũi đào. Có khi đang đào thì mưa xuống, nước ngập bùn lên đến đầu gối. Mỗi lần ho phải cúi gập người xuống đất để địch khỏi phát hiện.

Trên đầu, pháo dù của chúng rực sáng cả bầu trời. Đào xong rồi lại phải tìm cách đem khối đất vừa đào đi đổ nơi khác, ngụy trang lại để địch không phát hiện. Ngày ấy, khẩu hiệu của các chiến sĩ có câu: "Người thì mệt mà cuốc xẻng không mệt". Ông chợt ho khan: "Sau nhiều trận giao tranh ác liệt ở đồi A1, đồng đội bác thương vong nhiều lắm. Đánh trận xong, đi nhặt xác đồng đội đặt lên mô đất cao để bộ phận tải thương đến đưa đi chôn cất, những người còn sống ôm nhau khóc trên chiến hào".

Kể đến đây, ông khóc. Những vần thơ Chính Hữu chợt ùa về trong tôi: "Bạn ta đó/Ngã trên dây thép ba tầng/Một bàn tay chưa rời báng súng/Chân lưng chừng nửa bước xung phong/Ôi những con người mỗi khi nằm xuống/Vẫn nằm trong tư thế tiến công/...Bạn đã lấy thân mình đo bước/Chiến hào đi, ta mới hiểu giá từng thước đất" (Giá từng thước đất)...

Bác Nguyễn Xuân Trường bên kỷ vật lưu dấu một thời chiến sĩ Điện Biên.

Hôm tôi đến, nhà bác Nguyễn Xuân Trường (82 tuổi) gần đồi A1 thuộc tổ 13, P.Mường Thanh (TP Điện Biên), mới xây xong từ đóng góp của con cháu và 15 triệu đồng tiền hỗ trợ của Hội CCB TP Điện Biên. Nghe nói, cuối năm 2013, bác ốm một trận "thập tử nhất sinh", tưởng không qua khỏi. Vậy mà, những ngày này, trông bác khỏe ra, thường lên đồi A1 với mong muốn được gặp lại đồng đội về thăm chiến trường xưa.

Biết tôi từ Đà Nẵng lên, bác Trường vui lắm. Người cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, trực tiếp chiến đấu vào đồi A1 xúc động kể: "Kỷ niệm nhớ nhất là lần ta đánh đột phá khẩu vào đồi A1 (đợt 1). Từ 21 giờ, đột phá khẩu được mở, nhưng các mũi thọc sâu lại gặp khó khăn... Hỏa lực địch chia cắt quân ta làm nhiều bộ phận. Trận đánh kéo dài trong thế bất lợi cho ta. Tảng sáng hôm sau, được pháo binh và xe tăng yểm hộ, địch đưa quân từ Mường Thanh ra phản kích, chiếm lại gần hết ngọn đồi. Khi rút quân về đồi Cháy, cả đại đội chỉ còn 12 người... Đến khi ta bắt đầu triển khai đào một đường hầm để đưa thuốc nổ nặng gần 1 tấn vào đặt dưới chân hầm ngầm của địch trên đồi A1, ta mới chiếm lĩnh được toàn bộ đồi A1. Khối bộc phá này do 3 đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt, Nguyễn Văn Bạch giật nổ lúc 20 giờ 30 phút ngày 6-5, tiêu diệt một đại đội địch. Thừa cơ, quân ta xông lên đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 lúc 4 giờ 30 phút ngày 7-5-1954. Tiếng nổ của khối bộc phá nặng gần 1 tấn ấy cũng chính là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối của chiến dịch ĐBP...".

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 1958, ông về quê ở Hưng Yên cưới vợ rồi cả hai lên Điện Biên làm TNXP cùng đồng đội làm kinh tế, xây dựng vùng đất này... Được biết, vào năm 2004, khi tôn tạo lại di tích đồi A1, người ta phát hiện tại đây 33 hài cốt của các chiến sĩ. Trong đó, có nhiều chiến sĩ hy sinh trong tư thế tay ôm súng, lựu đạn giắt quanh mình.

Chính quyền và nhân dân địa phương đã đưa hài cốt các chiến sĩ về NTLS Độc Lập. Đứng bên chiếc phù điêu màu hồng nằm phía đông, gần cuối ngọn đồi A1-nơi tranh chấp từng mét chiến hào giữa ta và địch ngày 6-5, tôi hiểu vì sao nói chiến thắng của quân ta trên đồi A1 đã trở thành một trong những chiến công huyền thoại đi vào lịch sử vẻ vang của QĐND Việt Nam...

Tác giả bên căn hầm của địch tại Đồi A1.

Nhớ lại những ngày kéo pháo bằng sức vào trận địa ĐBP, ông Phạm Đức Cư (1930), chiến sĩ pháo cao xạ Tiểu đoàn 394 Trung đoàn 367, quê Thái Bình, hiện đang sống tại H. Điện Biên, không sao quên được gương hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện "...

Muốn kéo 1 khẩu pháo phải cần từ 80 đến 100 người, trong khi đó đơn vị bác có chưa đến 100 quân, làm sao kéo hết 4 khẩu pháo nên phải bổ sung người. Có đêm chỉ kéo 1km; đường thì công binh mới làm, phải vượt qua bãi lầy, suối khe, vượt qua những dốc 40-60 độ. Thế là  nảy sinh ra sáng kiến, cách địch hơi xa thì hô "hò dô ta này", "hai ba này".

Kéo pháo lên dốc đã khó, xuống dốc lại càng khó hơn. Những ngày đó đang vào mùa mưa, đường trơn lầy, anh em vất vả, hố mắt sâu hoắm, thiếu ăn, thiếu ngủ. Sau nhiều ngày đêm ròng rã gian khổ không bút nào tả nỗi, khi pháo kéo vào đến trận địa thì... lại nhận lệnh kéo pháo ra. Đây là thời điểm "lửa thử vàng". Anh em nghe ai cũng bàng hoàng cả, nhưng vẫn chấp hành mệnh lệnh bởi "quân lệnh như sơn", "kéo pháo ra cũng như nhiệm vụ chiến đấu".

Đêm 1-2-1954, 4 khẩu pháo cao xạ của Đại đội 827 của Tô Vĩnh Diện được kéo đến dốc Chuối cao 60 độ, nằm chênh vênh trên bờ vực thì xảy ra sự cố. Tô Vĩnh Diện cùng đồng chí Chi xung phong lái pháo. Được nửa chừng thì dây tời chính bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc. Trước tình thế đó, Tô Vĩnh Diện hô to: "Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo". Nói xong, anh dùng hết sức mình đẩy mạnh càng pháo vào vách núi nhưng không được. Pháo lao nhanh, cả thân hình anh cuốn vào bánh pháo khiến pháo khựng lại, đè lên người anh...". Kể đến đây, mắt ông rưng rưng. Tôi chợt hiểu vì sao, ông chọn Điện Biên làm quê hương thứ hai của mình...

Qua hồi ức của các cựu binh, tôi hiểu thêm sự vất vả, dũng cảm không kém của bộ phận anh nuôi; về đội quân xe thồ từ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Sơn La... thồ hàng, lương thực lên tiếp viện cho bộ đội đánh giặc. Đã đọc bao nhiêu lần những câu chuyện về "Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng", thế nhưng, khi nghe các bác kể lại, tôi không khỏi khâm phục, tự hào.

Hôm đi qua cung đường tái hiện lại đường kéo pháo, trận địa 105, trận địa pháo H6, tôi mới thật sự hiểu vì sao những người lính pháo cao xạ ngày ấy ví con đường kéo pháo "mảnh như kẻ chỉ". Văng vẳng bên tai tôi lời ca hùng hồn: "Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...".

Chiến thắng ĐBP là kết tinh ý chí của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam qua hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước; cũng là chiến thắng của người nông dân chân lấm tay bùn, khi Tổ quốc cần sẵn sàng rời tay cuốc, tay cày, cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc thân yêu!

Bút ký: Phan Thủy
(còn nữa)