Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2014: Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế

Thứ ba, 29/04/2014 10:06

(Cadn.com.vn) - Trong hai ngày 28 và 29-4, tại Quảng Ninh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2014 với chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế”.

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước đã tham luận, đánh giá lại tình hình kinh tế, chính sách vĩ mô của năm 2013 và đưa ra những khuyến nghị chính sách cho năm 2014. Trong đó, các thảo luận đã đề xuất đến các nội dung như xu hướng tài chính, triển vọng nền kinh tế Việt Nam; tác động của diễn biến nền kinh tế thế giới đối với Việt Nam năm 2014; những vấn đề đặt ra cho chính sách tài khóa; những thách thức về điều hành chính sách tiền tệ; các giải pháp đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2014.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, kinh tế Việt Nam trong năm 2013, mặc dù không đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng nền kinh tế vĩ mô đã có tín hiệu phục hồi. Việt Nam đã cải thiện được tình hình kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định hơn nhờ thực hiện các chính sách điều hành đúng hướng, kiên định và đồng bộ.

Sản xuất bước đầu phục hồi, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, và mặt bằng lãi suất đã giảm. Hoạt động của hệ thống ngân hàng đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả tích cực, nền kinh tế năm 2013 còn bộc lộ những tồn tại và hạn chế như tăng trưởng thấp, dư địa chính sách không nhiều.

Nhận định năm 2014 là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, PGS – TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất: Việt Nam cần tập trung giải quyết khó khăn, phát triển sản xuất cho doanh nghiệm nội địa xử lý nợ xấu; tái cơ cấu nền kinh tế; giải tỏa nguy cơ nợ công; đột phá các khu kinh tế.

Theo các diễn giả tham dự diễn đàn cũng đã khuyến nghị, để thực hiện cải cách thể chế kinh tế trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần đổi mới tư duy và quan điểm; nâng cao nhận thức về vai trò của Nhà nước và kinh tế Nhà nước; hoàn thiện thể chế xác định giá theo cơ chế thị trường; đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực và phân bổ lợi ích; cải cách bộ máy chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế để thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản; định hướng tái cơ cấu nông nghiệp.

Thu Thủy – Nguyễn Hoàng