Điện Élysée đón chủ nhân mới
(Cadn.com.vn) - Nhiệm vụ ưu tiên số 1 của ông Emmanuel Macron trên cương vị Tổng thống trẻ nhất của Pháp là làm trẻ hóa nền kinh tế và thổi làn gió mới vào Liên minh Châu Âu (EU).
Ông Emmanuel Macron chính thức trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức long trọng vào ngày 14-5.
Ông Macron tiếp quản nước Pháp khi nền kinh tế lớn thứ 2 Châu Âu này đang đối mặt với hàng loạt vấn đề nhức nhối, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp cao, bạo lực Hồi giáo cực đoan và thống nhất đất nước vốn đang bị chia rẽ sâu sắc. Giới phân tích cho rằng, có thể do những thất bại này, ông Francois Hollande là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử cộng hòa thứ 5 của Pháp không muốn tái tranh cử.
Tân Tổng thống Emmanuel Macron (phải) được người tiền nhiệm Francois Hollande chào đón |
An ninh thắt chặt tuyệt đối
An ninh được thắt chặt tuyệt đối trong ngày được cử tri Pháp chờ đợi này.
Khoảng 1.500 nhân viên cảnh sát được triển khai gần Điện Élysée và đại lộ Champs Élysée gần đó. Các cung đường xung quanh cũng bị chặn lại. Vào cuối buổi lễ, 21 phát súng đại bác từ phía bên kia dòng sông Seine được bắn lên để đón mừng tân tổng thống. Sau khi bước trên thảm đỏ vào Cung điện Élysée, ông Macron và người tiền nhiệm Hollande có cuộc họp riêng trong văn phòng tổng thống, nơi ông Macron được cấp mã số để nắm quyền quyết định phóng vũ khí hạt nhân trong tình huống khủng hoảng hay không.
Sau bữa trưa chính thức, tân Tổng thống Macron đến thăm Tòa thị chính Paris, điểm dừng chân truyền thống cho bất kỳ vị tổng thống mới nào của nước Pháp ngay trong lòng thành phố “chủ nhà”. Ông Macron đi cùng với đệ nhất phu nhân Brigitte, người vợ hơn ông 24 tuổi vốn trở thành tâm điểm ca ngợi của truyền thông khắp thế giới trong những ngày qua.
Chọn thủ tướng, đến Berlin
AFP dẫn một nguồn tin thân cận với ông Macron cho biết, tân tổng thống sẽ bổ nhiệm thủ tướng mới vào hôm nay (15-5) và chính phủ mới sẽ được công bố một ngày sau đó.
Và ngay sau đó, tân tổng thống Pháp sẽ đến Berlin để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đây gần như là nghi thức bất thành văn cho các nhà lãnh đạo Pháp, thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Châu Âu để gặp nhà lãnh đạo của một quốc gia còn được gọi là “động cơ” của EU. Những người ủng hộ ông Macron muốn thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn để giúp liên minh này vượt qua cơn lốc Brexit của Anh, một trong những thành viên mạnh mẽ nhất trong EU. Ông dự định chú trọng việc thành lập Quốc hội và ngân sách cho khu vực đồng EUR (Eurozone). Bà Merkel hoan nghênh chiến thắng cách biệt của ông Macron, nói rằng ông mang “hy vọng cho hàng triệu người Pháp và nhiều người ở Đức và khắp Châu Âu”.
Ông Macron, nhân vật trung dung 39 tuổi, tiếp quản quyền lãnh đạo Điện Élysée từ tay Tổng thống Hollande, nhà xã hội học có 5 năm cầm quyền nhưng không thể giải quyết vấn nạn thất nghiệp và tồi tệ hơn là khiến nước Pháp trở nên nguy hiểm hơn với những vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Vào tháng 6 tới, tân Tổng thống Macron phải đối mặt với cuộc bầu cử Quốc hội mà giới phương tiện truyền thông Pháp gọi là “vòng ba của cuộc bầu cử tổng thống”. Tổng thống Macron cần đa số tuyệt đối tại Quốc hội để có thể ban hành chương trình cải cách đầy tham vọng của mình.
Đảng chính trị Tiến lên mà ông thành lập để khởi động kế hoạch tranh cử tổng thống - đã công bố 428 trong số 577 ứng viên trong tuần này, nói rằng, họ muốn đưa khuôn mặt tươi mới vào Quốc hội. Một nửa trong số họ không bao giờ giữ chức vụ được bầu trong bất kỳ cơ quan chính phủ nào, gồm cả một nữ sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, một nhà toán học nổi tiếng, và một nửa trong số họ là phụ nữ.
Khả Anh