Điệp khúc: Hè - học kỳ III

Thứ hai, 08/06/2015 11:26

(Cadn.com.vn) - 1. Trong quán ăn, tôi tình cờ nghe 2 nữ HS bậc THCS đố nhau: "Đố cậu định nghĩa đúng về kỳ nghỉ hè của chúng mình".  "Là nghỉ học ở trường, chuyển sang học... ở nhà thầy cô. Đúng không?". "Chính xác!". Nói xong, cả hai cùng đập tay vào nhau, cười khúc khích vì cái định nghĩa "thú vị" ấy. Tôi giật mình! Người lớn nghĩ gì khi nghe trẻ thơ định nghĩa về kỳ nghỉ hè của mình như thế? Riêng tôi, một cảm giác thật buồn chạy qua!

2. Trên đường phố, băng rôn giăng những câu khẩu hiệu đầy ấn tượng về tháng hành động vì trẻ em. Tất cả đều vì trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Nhưng thực tế, người lớn đã thực sự vì trẻ em hay chưa? Nhiều người khi đã trở thành ông, thành bà, nhìn lũ cháu không có được kỳ nghỉ hè đúng nghĩa đã ao ước: Làm thế nào để bỏ bớt áp lực học hành, sách vở cho trẻ trong dịp hè. Nhưng ước ao cũng chỉ để mà ao ước.

Thực tế, bố mẹ dù không muốn cho con đi học hè cũng chẳng biết gửi con ở đâu để yên tâm đi làm. Nếu để con ở nhà lại sợ con sa đà vào chuyện chơi game, xem phim hoạt hình cả ngày rất hại đến mắt, cơ thể. Đó là chưa kể, nhiều phim hoạt hình cũng như các trò chơi game có nội dung, hình ảnh bạo lực, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý con trẻ. Còn cho con đến các khu vui chơi giải trí thì không phải ai cũng có đủ điều kiện.

Các hoạt động sinh hoạt hè dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tuy có nhưng tổ chức không thường xuyên và không phải địa bàn phường, xã nào cũng tổ chức. Nhà Thiếu nhi TP cũng chỉ có sức chứa cho một bộ phận thanh thiếu niên, chủ yếu là HS có năng khiếu đến sinh hoạt hè. Nói khác đi, các hoạt động, sinh hoạt hè dành cho HS trong độ tuổi thanh thiếu niên nhi đồng dường như rất thiếu vắng... Theo đó, phần lớn học trò chỉ nghỉ hè trong vòng từ 10-15 ngày rồi lại được bố mẹ gửi đến nhà các thầy cô để học thêm hè. Đây có thể xem như là sân chơi bổ ích nhất nhằm tránh các rủi ro khi bố mẹ đi làm, ở nhà không có ai trông nom.

Nhiều người ví hè là học kỳ III của học trò thời nay. Khác chăng là chúng không bị áp lực kiểm tra, dò bài từ các thầy cô mà thôi...

Hè về, HS cần có sân chơi bổ ích để phát triển kỹ năng, năng khiếu. Ảnh: P.T

3. Mới đây, trong lúc trò chuyện, một nhà quản lý giáo dục tâm huyết với nghề đã chia sẻ ý tưởng về việc tạo sân chơi cho trẻ trong dịp hè. Theo ông,  Đà Nẵng hiện còn thiếu nhiều sân chơi cho trẻ khi mùa hè đến. Trong khi đó, các trường học có sân chơi cùng hệ thống cây xanh phủ lớn lại bỏ không khi hè về. Nếu có thể được, các tổ chức hoạt động Đoàn, Đội từ cấp phường đến cấp quận, thành phố nên liên hệ các trường học để mượn các sân trường này để tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em.

Với điều kiện phải đảm bảo việc bảo vệ tài sản, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, cơ sở vật chất cho nhà trường. Nhà giáo này nói thêm, các trường học không nên nghĩ đây là tài sản riêng của trường mình, mà phải nghĩ là tài sản của Nhà nước, sử dụng vì mục đích chung có ích cho xã hội...

Trong điều kiện đầu tư hạ tầng cơ sở, vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng mang tính tập thể cao dành cho HS trong dịp hè đang còn thiếu như hiện nay, ý tưởng mở cổng trường để HS vào đây sinh hoạt hè có thể xem là hướng đi mở.

Điều còn lại là các hoạt động, sinh hoạt hè phải phát huy được tác dụng, phải thật sự hấp dẫn, thu hút được HS hồ hởi, tích cực tham gia, bên cạnh việc  xây dựng, hình thành được các kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt tập thể, làm việc theo nhóm cùng các kỹ năng mềm khác, các hoạt động sinh hoạt hè phải hướng được các em đến được ý nghĩa đích thực của cuộc sống...

Nếu không, dù có xây dựng bao nhiêu sân chơi cho trẻ đi chăng nữa, phụ huynh cũng không thể an tâm để con đến đây sinh hoạt, vui chơi. Và như thế, cho con đến nhà thầy cô học hè vẫn sẽ là giải pháp được các bậc cha mẹ chọn lựa bởi độ an toàn của nó.

Vì trẻ em, xin đừng biến mùa hè của trẻ thành học kỳ III!

Khánh Yên