Điều gì ẩn sau hiện tượng sốt đất ở Hòa Vang?

Thứ sáu, 08/04/2022 14:53
Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, khi các “cò đất” tung tin, khu vực thôn Lệ Sơn Nam, Hòa Tiến, Hòa Vang, TP Đà Nẵng giáp ranh với xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam sắp triển khai quy hoạch dự án “Trường đua ngựa”, giá đất tại vùng nông thôn này tăng lên vùn vụt. Người dân đua nhau tự chia lô những mảnh đất nông nghiệp đang canh tác rồi rao bán, cò đất xuất hiện ở khu vực đông như đi trẩy hội, giá mỗi lô đất được đẩy tăng lên từng ngày, thậm chí từng giờ, mỗi lô đất 5 mét chiều ngang được rao bán với giá từ 1 tỷ, rồi đẩy lên 2 - 3 tỷ đồng…
Cảnh chen lấn đến làm thủ tục đất đai ở bộ phận một cửa UBND Hòa Vang ngày 4-4-2022.
Cảnh chen lấn đến làm thủ tục đất đai ở bộ phận một cửa UBND Hòa Vang ngày 4-4-2022.

Cả vùng quê dáo dác suốt ngày bàn bạc về chuyện đất đai, người tìm mua đất từ nơi khác đến, đa phần không phải mục đích để mua đất làm nhà, mà chủ yếu nuôi ý định làm một cú “áp phe” tức là mua được đất rẻ, bán được đất đắt gấp thật nhiều lần. “Tin vịt” nói trên đã được UBND huyện Hòa Vang có công văn chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.

Mới đây nhất, chủ trương của TP Đà Nẵng về mô hình làm nông nghiệp kết hợp du lịch đang được nghiên cứu, chưa thực hiện ở Hòa Vang, nhưng cũng đã có thông tin, huyện Hòa Vang sẽ “nhận hồ sơ” để các nhà đầu tư nghiên cứu…, rồi lại có thông tin, sắp triển khai khu đô thị Chợ đầu mối Hòa Phước… Tất cả khiến thị trường bất động sản trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Trong buổi làm việc của chúng tôi, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: Ngày 25-2-2022, UBND huyện đã có Công văn số 377 về việc “chấn chỉnh tình trạng chuyển nhượng, chuyển mục đích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện”. Theo nội dung công văn này, UBND 11 xã trên địa bàn huyện không được tự ý xác nhận việc chuyển quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật; Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại huyện Hòa Vang không tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích đất nông nghiệp thuần túy; UBND 11 xã trên địa bàn tuyên truyền đến từng người dân, hộ gia đình, khu dân cư về nội dung công văn nêu trên.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Phước Oanh - Phó trưởng phòng TN-MT huyện Hòa Vang cũng nhìn nhận, một vấn đề khách quan là, thời gian vừa qua, giá đất nền ở các quận nội thành Đà Nẵng cao hơn rất nhiều so với đất khu dân cư ở vùng nông thôn Hòa Vang. Từ đó đã nảy sinh ra vấn đề, nhiều người dân nội thành tìm về mua đất ở nông thôn để làm nhà ở, có người tìm mua đất để dành lâu dài, và cũng không ít người mua đất để đầu cơ chờ giá đất lên cao rồi bán kiếm lời. Trong những ngày đầu tháng 4-2022 vừa qua, dư luận vẫn đang xôn xao về hiện tượng hàng trăm người đổ xô đến bộ phận một cửa (tiếp nhận hồ sơ và trả lời kết quả) để làm thủ tục đất đai trong một ngày. Bên cạnh nguyên nhân dịch bệnh COVID-19 kéo dài phức tạp, người dân không thể đến giao dịch để làm thủ tục đất đai nên nay đến để làm thủ tục, cũng không loại trừ có người đến chỉ để làm công việc môi giới, “cò kéo” mua bán, chuyển nhượng đất đai.

Ngày 7-4-2022, Sở TN-MT TP Đà Nẵng vừa có Công văn số 1262/STNMT-VPĐKĐĐ về việc “Cảnh báo sốt đất ảo để trục lợi ở vùng nông thôn TP Đà Nẵng” gửi các sở ban ngành chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí, chính quyền địa phương quận, huyện, phường, xã. Theo nội dung Công văn này, thời gian gần đây, xuất hiện một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo, nhất là địa bàn nông thôn ở các tỉnh, thành cả nước, trong đó có huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng nhằm mục đích trục lợi bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: Tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang. Tuy nhiên qua khảo sát, tìm hiểu thì hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật sự theo nhu cầu thì không quá nhiều mà các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội có khá đông thành phần là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác, đồng thời quy định của pháp luật đất đai hiện hành về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa có sự thay đổi.

Thủ đoạn của các nhóm người nêu trên là đưa lên mạng xã hội hình ảnh phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây sốt ảo về nhu cầu nhằm làm giá mua đi bán lại giữa các nhóm người này với nhau, với chiêu trò giá ngày hôm sau tăng hơn so với ngày hôm trước nhằm đẩy giá đất lên cao qua từng ngày để trục lợi từ việc mua bán đất đai, nhưng thực tế nhu cầu sử dụng đất của người dân vào mục đích để ở hay sản xuất nông nghiệp là không nhiều, dẫn đến người cuối cùng có tham vọng đầu tư kiếm lời nhầm tưởng giá đất sẽ tăng từng ngày nên mua vào với giá đất rất cao, không đúng với giá trị thực tại thời điểm giao dịch, trong đó có không ít người dân địa phương thậm chí bán đất đi với giá thấp rồi mua lại đất khác, có khi mua lại chính lô đất mình đã bán đi với giá cao hơn vì nghĩ sẽ kiếm được tiền chênh lệch khi giá đất tăng lên từng ngày. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn bằng nhiều chiêu trò để tạo cơn sốt ảo rồi sau đó nhóm người này rút lui khỏi địa bàn thì giá đất lại trở về với giá trị thật của thị trường và theo nhu cầu thực tế; Vì vậy nhóm người này đã trục lợi thông qua tự tạo cơn sốt ảo rồi rút lui, chỉ còn người mua cuối cùng có nhu cầu bán nhưng không còn ai mua lại với giá cao như họ đã mua, thậm chí nhiều người phải chấp nhận bán cắt lỗ do dùng tiền vay để mua đất đầu cơ bán kiếm lời, dẫn đến hậu quả lặp lại là "tiền mất, tật mang", gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân vùng nông thôn vốn yên bình qua nhiều thế hệ.

Trước chiêu trò như đã nói trên của một số nhóm người gây sốt ảo giá đất để trục lợi, Văn phòng Đăng ký đất đai cũng đã tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng có văn bản thông tin rộng rãi và khuyến cáo người dân, nhất là vùng nông thôn huyện Hòa Vang cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, cảnh giác với các chiêu trò nêu trên để tránh phải gánh lấy hậu quả không mong muốn và hệ lụy cho gia đình, xã hội.

HỒNG THANH