Điều gì thực sự đang xảy ra ở Bolivia?

Thứ sáu, 22/11/2019 13:00

Bolivia đang rơi vào thế trận hỗn loạn và một tương lai bất định sau khi cựu Tổng thống Evo Morales buộc phải ra đi trong một cuộc “đảo chính” và chính phủ lâm thời của bà Jeanine Anez được quân đội hậu thuẫn lên nắm quyền.

Cảnh sát Bolivia đụng độ những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales. Ảnh: AFP

Ông Morales hiện đã tị nạn ở Mexico. Nhưng việc cựu Tổng thống Morales từ chức dường như vẫn không giúp “xoa dịu” tình hình Bolivia mà trái lại càng trở nên tồi tệ hơn khi người ủng hộ ông Morales cũng đổ xuống đường biểu tình và đụng độ với lực lượng an ninh. Sự ra đi của vị tổng thống từng giúp ổn định đất nước này cũng không thể giúp Bolivia hàn gắn dân tộc mà còn khơi ra những vết rạn cũ.

Trên thực tế, nó đang phơi bày những chia rẽ về sắc tộc và địa lý vốn được cho là đã biến mất sau 14 năm lãnh đạo của ông Morales. Trên đường phố, xung đột vẫn tiếp diễn. Những người bản địa từ các vùng nông thôn, đặc biệt là những nông dân, kéo về thủ đô La Paz để yêu cầu ông Morales trở lại. Văn phòng Thanh tra Bolivia cho biết, 30 người thiệt mạng và 775 người bị thương trong các cuộc biểu tình kể từ ngày 20-10 đến nay tại Bolivia. Tất cả trường hợp thiệt mạng này nằm trong nhóm người biểu tình kêu gọi Tổng thống lâm thời Anez từ chức và cựu Tổng thống Morales trở về nước.

Một cuộc khẩu chiến gay gắt đang bùng nổ. Trong tuyên bố hôm 21-11, chính phủ lâm thời Bolivia khẳng định sẽ kiện cựu Tổng thống Morales về tội ác chống lại loài người, cáo buộc ông tổ chức từ nơi tị nạn ở Mexico các hoạt động ngăn cản việc vận chuyển thực phẩm sản xuất tại vùng nông thôn đến nhiều thành phố của Bolivia. Trong khi đó, cựu Tổng thống Morales so sánh sự đàn áp của chính phủ lâm thời nhằm vào các cuộc biểu tình với tội diệt chủng. Nhận định này được ông đưa ra trong một cuộc họp báo tại Mexico, nơi ông đã nhận được quy chế tị nạn chính trị. Bài phát biểu của ông Morales được kênh Telesur TV truyền hình trực tiếp nêu rõ: “Đã có 30 người thiệt mạng tại Boliva sau cuộc đảo chính. Cuộc thảm sát này là một phần của tội diệt chủng vốn đang diễn ra tại Bolivia thân yêu của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi các tổ chức quốc tế và các ban ngành, cũng như Giáo hoàng Francis, LHQ và các tổ chức khác thành lập Ủy ban Sự thật để xem xét các cuộc bầu cử hôm 20-10”.

Ông Morales cũng cảnh báo quân đội không thể trốn tránh trách nhiệm trong các vụ đàn áp, bất chấp việc chính phủ tạm quyền ban hành  sắc lệnh được cho là một “bùa hộ mệnh” cho phép quân đội sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình. Tổng thống tạm quyền Anez ký sắc lệnh gây tranh cãi, qua đó miễn truy cứu mọi trách nhiệm hình sự đối với các lực lượng vũ trang để tạo điều kiện cho các hoạt động ngăn chặn biểu tình.

Cựu Tổng thống Morales để ngỏ khả năng hoàn thành nốt nhiệm kỳ tại Bolivia. Phát biểu tại một cuộc họp báo từ Mexico nơi ông đang tị nạn, cựu lãnh đạo Bolivia nhắc lại rằng, sau khi “trật tự Hiến pháp” bị gián đoạn, Quốc hội Bolivia vẫn chưa tiến hành việc xem xét có chấp nhận đề nghị từ chức của ông hay không. Do đó, ông nhấn mạnh, nếu Quốc hội chưa chấp nhận đơn từ chức, vậy ông vẫn là Tổng thống và còn là Tổng thống đắc cử trong vòng bầu cử đầu tiên. Liên quan đến tuyên bố triệu tập bầu cử bằng sắc lệnh của Tổng thống lâm thời tự xưng Anez, ông Morales cảnh báo đây là hành động trái với Hiến pháp.

Trước tình hình “nóng như lửa” ở Bolivia, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên tiếng đề nghị mở một cuộc điều tra “nhanh chóng, công bằng và kỹ lưỡng”.

KHẢ ANH