Điều gì xảy ra nếu Nga khóa van khí đốt sang châu Âu?

Thứ sáu, 01/04/2022 09:17
Đức đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí đốt do lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung nếu các nước phương Tây từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng ruble.
Nga yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble. Ảnh: FT
Nga yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble. Ảnh: FT

Ngày 31-3 là thời hạn chót mà Nga đưa ra cho các quốc gia thuộc danh sách "không thân thiện" không được thanh toán bằng đồng Eur hoặc USD khi nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, tức bắt đầu từ ngày 1-4, bên mua sẽ phải thanh toán bằng đồng ruble.

Quy tắc chuyển đổi tiền tệ mới sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Một số nước EU phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga sẽ càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Không thanh toán bằng đồng ruble, không có khí đốt

Nga cho biết châu Âu sẽ không nhận được khí đốt miễn phí nếu các nước từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

"Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí, điều này đã rõ ràng", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 29-3. Khi được hỏi liệu Nga có khóa van khí đốt nếu đối tác không trả tiền hay không, ông Peskov trả lời: "Không thanh toán, không có khí đốt".

Châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga để sưởi ấm và sản xuất điện. Khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu. Nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga trong năm nay là từ 200 triệu đến 800 triệu Eur/ngày. Vì vậy, có thể thấy châu Âu sẽ hứng hậu quả khôn lường nếu Nga khóa van đường ống khí đốt.

Trong giải pháp đối phó, Đức đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí đốt do lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung nếu các nước phương Tây từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng ruble. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này đã kích hoạt biện pháp "cảnh báo sớm" giai đoạn đầu trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm ba giai đoạn. Bộ trưởng Habeck cho biết dự trữ khí đốt của Đức hiện ở mức tương đương 25% công suất. Tuy nhiên, ông cảnh báo dù Đức vẫn đảm bảo được nguồn cung, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt sẽ gây ra những hậu quả "nghiêm trọng".

Đức, nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất tại châu Âu và phụ thuộc vào Nga để đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu khí đốt của mình, đã đặt mục tiêu tỷ lệ lấp đầy các kho dự trữ là 90% trước tháng 11. Ông Kateryna Filippenko, chuyên gia cấp cao tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, nhận định nếu nguồn cung từ Nga bị gián đoạn trong nay mai và vẫn không được nối lại vào mùa Đông tới hay hết năm nay hoặc hơn thế nữa, tỷ lệ lấp đầy các kho dự trữ sẽ không thể đạt mức 80%, mà khả năng cao nhất sẽ chỉ ở đâu đó hơn 50%, có thể là khoảng 54%.

Kế hoạch dự trữ nói trên của châu Âu còn trở nên phức tạp hơn nữa khi tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga đang nắm quyền kiểm soát nhiều cơ sở dự trữ ở phía Tây Bắc châu Âu, nơi lượng khí đốt dự trữ đang ở mức thấp nhất trong ít nhất là 5 năm qua.

Châu Âu phải làm gì?

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết họ có kế hoạch cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga trước năm 2030.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng không dễ để thay thế 1.550 terawatt-giờ khí đốt của Nga cung cấp cho EU trong năm 2021. Do chưa thể tìm được nguồn cung thay thế có quy mô tương ứng nên EU chỉ có thể hạn chế nhu cầu. EU cũng có các quy tắc bao gồm các biện pháp ngăn chặn và ứng phó với sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt. Quy định của EU cũng yêu cầu các quốc gia thành viên hỗ trợ lẫn nhau khi được đề nghị hỗ trợ. EC sẽ phối hợp hành động và chia sẻ thông tin giữa các nước.

Áo, quốc gia nhập khẩu khoảng 80% khí đốt từ Nga, cho biết nước đã kích hoạt bước đầu tiên của kế hoạch cung ứng khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn, thắt chặt giám sát thị trường khí đốt nhưng hiện tại không có biện pháp bổ sung nào để đảm bảo nguồn cung vì nhu cầu thanh toán bằng đồng ruble của Nga. Văn phòng Thủ tướng Karl Nehammer ra thông báo cho biết các biện pháp như chia định mức khí đốt sẽ chỉ có hiệu lực nếu giai đoạn thứ ba của kế hoạch khẩn cấp đó được kích hoạt, vốn đòi hỏi một "cuộc khủng hoảng ngay lập tức". Tại Pháp, trả lời Đài Europe 1 hôm 30-3, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết Pháp đang chuẩn bị cho "tất cả các kịch bản có thể xảy ra" liên quan đến nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Hy Lạp sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp giữa cơ quan quản lý năng lượng, nhà điều hành truyền dẫn khí đốt và các nhà cung cấp khí đốt và điện lớn nhất nước nhằm đánh giá các kịch bản có sẵn về an ninh nguồn cung cấp khí đốt của Hy Lạp trong trường hợp Nga ngừng dòng khí đốt đến nước này. Chính phủ Hà Lan cho biết sẽ đề nghị người dân và các doanh nghiệp sử dụng ít khí đốt hơn và chưa cần kích hoạt kế hoạch xử lý khủng hoảng khí đốt. Italia nhập khẩu khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Kế hoạch khẩn cấp khí đốt hiện tại của Italia dự kiến có ba giai đoạn, từ tình trạng báo động trước, được áp dụng vào cuối tháng 2-2022 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trước khi chuyển sang một trong những tình trạng báo động và sau đó là tình trạng khẩn cấp.

Anh, hiện không còn là thành viên của EU, nhập khẩu khoảng 3% khí đốt từ Nga. Người phát ngôn của công ty điện và khí đốt National Grid cho biết nước này có nguồn cung dầu khí có sẵn, đa dạng từ nhiều nước khác, dự kiến sẽ đủ đáp ứng trong tất cả các kịch bản cung và cầu của đất nước.

KHẢ ANH