Điều giản dị!

Thứ sáu, 29/12/2017 13:46

Món quà cuối năm

Anh là đại tá CATP Đà Nẵng đã nghỉ hưu. Một ngày gần đây, anh rủ tôi đi cùng anh tới Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố (TTBTXH TP) tại Đà Sơn, Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu  (TP Đà Nẵng) để anh tặng quà cho các cụ già neo đơn, tàn tật đang nương tựa nơi đây. Trước khi bước vào cổng, anh ghé tai tôi nói nhỏ: "Đừng đưa danh tính anh làm gì nhé. Trước đây, cứ vào dịp chuẩn bị đón năm mới dương lịch anh lại ghé lại đây gọi là có chút lòng thành với các cụ, các cháu không may mắn trong cuộc sống. Lần này cũng vậy thôi!". Trong kháng chiến chống Mỹ, anh là cán bộ trinh sát Ban An ninh đặc khu Quảng Đà, từng chiến đấu ở nhiều vùng ác liệt trên mảnh đất xứ Quảng, được các mẹ, các cụ, những người dân lương thiện đùm bọc, chở che. Có lần bị thương, giặc thù lùng sục, vây ráp nên phải chui hầm bí mật nhiều ngày, anh được một cụ già không hề quen biết đưa cơm, tiếp tế thuốc men để chữa vết thương. Sau ngày giải phóng anh và gia đình đã cất công đi tìm nhưng mãi đến giờ vẫn không một lần gặp lại cụ. Vết thương trên da thịt anh đã lành lặn từ lâu nhưng vết thương lòng luôn âm ỉ, chưa thể nguôi ngoai về bóng hình bà cụ ấy!...

Anh đến với các cụ ở TTBTXHTP bằng một suy nghĩ giản dị là muốn sẻ chia tình cảm và chút quà mọn đến với các cụ, các cháu mồ côi, lưu lạc giữa dòng đời. Anh bảo biết đâu trong số đó có những người đã từng giúp đỡ anh và đồng đội trong chiến tranh...

Các cụ được nuôi dưỡng tập trung trò chuyện vui vẻ. Ảnh Thái Mỹ 

Những mảnh đời bất hạnh

Anh Trần Công Be, Phó Giám đốc Trung tâm nói với tôi: "Đã mấy năm rồi, anh ấy đến đây tặng quà cho các cụ, các cháu. Lần nào anh cũng bảo không cần ghi tên tuổi của anh vào danh sách từ tâm làm gì, bởi anh chỉ muốn chia sẻ với Trung tâm một chút để chăm sóc các cụ tốt hơn mà thôi". Anh Be đưa tôi đi thăm các khu ăn ở, sinh hoạt, nghỉ ngơi của các cụ, các cháu. Nếu không đi thực tế, tôi khó có thể hình dung ra nơi ăn, chốn ở của các đối tượng được đưa vào đây nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo đến thế. Các gian phòng ngủ, phòng ăn, tập luyện luôn sạch đẹp, cán bộ, nhân viên phục vụ tận tình. Họ luôn coi các cháu sơ sinh bị bỏ rơi, các cháu khuyết tật như con cái, các cụ già đơn chiếc như cha mẹ mình. Chính những tình cảm ấy là sợi dây ràng buộc bền chặt giữa tình thương với trách nhiệm. Nhìn cháu bé còn đỏ hỏn nằm trong nôi, lòng tôi bỗng dâng trào bao nỗi niềm, cảm xúc. Cụ Phạm Thị Trúc (80 tuổi) ở quận Sơn Trà có chồng và 3 con đều chết trước năm 1975. Khi còn sức khoẻ, cụ làm thuê, làm mướn kiếm sống và đến lúc sức cạn kiệt, không nhà cửa, không ai nuôi dưỡng, cụ lang thang khắp nơi. Năm 2001, người em trai cụ là Phạm Đình N. làm đơn đưa cụ vào đây.

Cụ Trương Dũng (70 tuổi) bị tai biến, không nói được, chỉ trả lời bằng ký hiệu và qua "phiên dịch" của nhân viên phục vụ, ở phường An Hải Tây (Q.Sơn Trà), có 3 người con đã lập gia đình nhưng do nghèo quá không nuôi dưỡng được cụ. Thỉnh thoảng, các con cụ ghé tới thăm, gửi gắm cụ cho các cán bộ rồi ra về. Cụ Nguyễn Thị Lan (1917) người Quảng Nam, ly hương lập nghiệp tại  huyện Tánh Linh, Bình Thuận hơn 40 năm và cuối cùng lang thang trên đất Đà thành. Qua xác minh, cụ không còn ai thân thuộc nên phải ở đây hàng chục năm rồi. Mới đây, cụ được Chủ tịch nước mừng thọ tròn 100 tuổi. Cụ vẫn khoẻ mạnh, hồng hào, ăn uống đều đặn, song trí nhớ đã kém. Còn chị Vũ Thị Lành hoàn cảnh cũng bi thương. Chị kể: gia đình chị trước kia ở Nam Định, cùng chồng dắt díu 3 đứa con thơ dại vào vùng kinh tế mới tỉnh Đắc Lắc lập nghiệp, sau đó kéo nhau về Đà Nẵng sống vất vưởng trên các góc phố, ngả đường. Trong một đêm đông lạnh giá, chồng chị chẳng may bị đột tử trên đường Trần Phú, được chính quyền mai táng rồi đưa mẹ con chị vào Trung tâm. Tại đây mẹ con chị không những được nuôi dưỡng mà các con của chị đều được TTBTXHTP tạo điều kiện học hành, hai đứa lớn đã có gia đình. Khi đã vượt qua những tháng ngày giông bão, có thể tìm kiếm công việc có thu nhập cao nhưng chị đã tình nguyện ở lại Trung tâm để cùng với cán bộ, nhân viên nơi đây phục vụ những số phận éo le, hẩm hiu trong cuộc đời.

 Cụ Nguyễn Thị Lan, 100 tuổi, được nhân viên y tế Trung tâm chăm sóc sức khỏe. Ảnh Thái Mỹ

Giám đốc TTBTXHTP Hệ Thị Thanh Hương rất vui khi có người đến thăm đơn vị. Chị cũng bộc bạch những khát vọng của mình là làm sao để chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa bệnh cho các đối tượng đưa vào đây tốt hơn. Qua câu chuyện của chị, tôi càng hiểu thêm 42 viên chức, người lao động nơi đây đang ngày đêm dốc sức phục vụ 174 đối tượng hiện đang được nuôi dưỡng, trong đó có 32 người già tê liệt, không tự chăm sóc bản thân, 18 trẻ em, trong đó có 5 trẻ sơ sinh, 87 người khuyết tật, tâm thần... Anh Đặng Bá Hưng, nhân viên quản lý Khu chăm sóc đặc biệt của Trung tâm là một trong những người tận tâm với các cụ. Bộ phận của anh còn có 3 nữ, chuyên luyện tập, phục hồi chức năng cho các cụ tê liệt vì tai biến, tai nạn hàng chục năm nay. Để phục hồi người ở độ tuổi còn trẻ đã khó, đối với người già lại càng khó hơn nhưng họ vẫn kiên trì công việc để giúp các cụ dần hồi phục. Việc chăm sóc y tế cũng là khâu then chốt, bởi tuổi già lắm bệnh tật. Nhiều cụ không thể điều trị được tại chỗ, phải nhập viện và nhân viên đi theo phục vụ dài ngày. Khi có cụ qua đời, Trung tâm lo chôn cất, bia mộ đàng hoàng. Cùng với các chế độ ăn uống theo quy định, các bữa ăn thỉnh thoảng cũng có tăng thêm nguồn dinh dưỡng từ những tấm lòng của cộng đồng xã hội. Tuy nhiên cuộc sống của họ cũng còn không ít khó khăn. Tấm chăn, manh áo, bữa cơm, viên thuốc dành cho  các cụ, các cháu đã có nhưng chưa đủ nên cần lắm sự giúp đỡ nhiều hơn nữa của những tấm lòng trong xã hội!

Tạm biệt Trung tâm, người đại tá CA bảo tôi chở anh tới bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để anh gửi tiếp món quà. Đây là tấm lòng của vợ anh, một bác sĩ nha khoa. Chưa kịp nói điều gì, cô nhân viên phụ trách bếp ăn đã nhận ra anh,  người đã đến đây nhiều lần. Gió đông từ phía Tiên Sa quất vào từng đợt lạnh cóng nhưng tôi thấy ấm lòng hơn vì chợt nhận ra điều giản dị mà anh đã và đang làm là đem đến chút ấm áp tình người với những mảnh đời bất hạnh!

THÁI MỸ