Điệu hồn dân Việt nơi một miền quê

Thứ ba, 27/08/2019 10:42

Từ đường quốc lộ 1A, rẽ phải, men theo con đường ngoằn ngoèo dọc bờ sông Ô Lâu dài hơn 4km là bắt gặp một làng quê yên ả. Những ngôi nhà mái ngói cổ xưa xen các ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới quanh những rặng tre xanh, con đường xóm thôn quen thuộc. Đó là làng Phò Trạch mà người dân quen gọi là Phò Trạch đệm, ở xã Phong Hòa, H. Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi làng quê thơ mộng này còn lưu giữ những nét văn hóa dân gian mang điệu hồn dân tộc Việt mà  không phải nơi nào cũng có được.

Đường quê làng Phò Trạch.

Về Phò Trạch nghe tiếng đập bàng...

Sở dĩ gọi là Phò Trạch đệm bởi nơi đây nghề làm chiếu đệm có tự xa xưa. Chất liệu của nghề đan đệm ở Phò Trạch là cây bàng, cây cói. Cây bàng được cắt về, chọn ra từng loại, phơi khô, cột thành từng lọn, từng neo đưa ra cối. Cối giã bàng được làm bằng một khúc gỗ tròn dài. Trong làng có khoảng 4 đến 5 cái cối đập bàng. 3 hoặc 4 nhà rủ nhau đi đập bàng vì một người không thể giã nổi cối. Tiếng cối kêu cót két, tiếng đập bàng đều đặn theo nhịp đưa chân từ lâu đã trở thành âm thanh riêng của miền quê Phò Trạch.

Từ cây bàng, người dân Phò Trạch tạo ra nhiều vật phẩm phong phú: mũ đội, giỏ xách, bao đựng và nhiều nhất là chiếu đệm. Chiếu đệm được đan kết từ cây bàng  để trải nằm, ngày trước còn thay chăn để đắp. Chiếu đệm, bao đệm có khả năng hút ẩm lớn vì thế có thể dùng nó đóng gói hàng hóa chuyển đi xa. Những năm 1980 là khoảng thời gian hưng thịnh nhất của nghề đệm Phò Trạch. Sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang Liên Xô, các nước Đông Âu. Sau đó công việc bị gián đoạn, nhưng người dân trong làng vẫn gắn bó và tìm cách khôi phục...

Cuộc sống đổi thay, trải qua bao thăng trầm dù không còn "ăn nên làm ra" như xưa nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn, nhiều người con làng Phò Trạch thành đạt khắp bốn phương trời vẫn canh cánh một nỗi nhớ da diết về một làng quê nghèo, êm ả có tiếng đập bàng và đôi tay đan bàng mềm mại của các bà, các chị, các mẹ... Chị Liên, người có nghề đan bàng 25 năm chia sẻ: "Hiện nay làng vẫn còn duy trì nghề này nhưng không nhiều. Vì thế cây bàng cũng trồng ít đi. Nhớ nghề, gia đình tôi vẫn còn làm. Khi thì đan chiếc đệm nằm, khi thì cái bao đựng... Sản phẩm khi không có người đặt làm mua tại nhà thì mang ra chợ bán".

... thưởng thức lễ hội sắc bùa

Về làng Phò Trạch là về một miền quê bình dị để càng cảm nhận được chất văn hóa dân gian trở thành vẻ đẹp có tính truyền thống của làng quê Việt. Bến nước, dòng sông, cây đa, chùa miếu,... vẫn lặng lẽ qua bao thời gian.

Tính cộng đồng thể hiện rõ ở làng Phò Trạch khi đây là địa danh diễn ra các sinh hoạt mang đậm triết lý nhân văn gắn liền không gian làng xã. Các trò chơi dân gian như hát trò, tập chèo, đi cầu nước, leo cột mỡ, ù mọi, giật cờ... hay những làn điệu dân ca độc đáo như hát bát dật, sắc bùa, chèo đồng ấu... luôn được duy trì. Có một sinh hoạt độc đáo nhất ở Phò Trạch còn lưu giữ đến hôm nay là lễ hội sắc bùa với hơn 300 câu hát cổ, diễn ra vào mùa xuân. Sắc bùa là làn điệu dân gian mang nhiều yếu tố tâm linh với những lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, bày tỏ niềm hy vọng, tin tưởng vào một năm mới mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Một trò chơi dân gian khác diễn ra trong những buổi sinh hoạt tập thể, hay trong những lễ hội dân gian ở làng Phò Trạch là "bịt mắt đánh trống". Trò chơi này có ý nghĩa phê phán những ông quan không làm tròn trách nhiệm của mình... Về Phò Trạch, chúng ta còn được thưởng thức một điệu múa đặc sắc ở nơi đây, đó là múa bông, còn gọi là múa thiên hạ thái bình. Đây là điệu múa công phu diễn ra trong những lần làng có lễ hội với ước mong: thiên hạ được sống trong thái bình, không có chiến tranh...

Làm gì để níu giữ hồn quê?

Trong một thời gian dài, vì nhiều lý do khác nhau, một số sinh hoạt và lễ hội dân gian ở Phò Trạch bị mai một. Và giờ đây, các nghề truyền thống, những nét sinh hoạt lễ hội dân gian ở Phò Trạch đang dần được khôi phục và làm sống lại. Còn nhớ, trong lễ hội Festival tôn vinh nghề truyền thống Huế năm 2005, hát múa sắc bùa do các nghệ nhân của làng Phò Trạch biểu diễn tại sân khấu cộng đồng bên cạnh bến Tòa Khâm đã lôi cuốn người xem. Vậy là sau 60 năm vắng bóng, hình thức diễn xướng này của dân gian đã có dịp trở lại sân khấu.

Trân trọng trước những nét văn hóa truyền thống ở làng quê bên con sông Ô Lâu hiền hòa này nhưng vẫn còn đó bao nỗi niềm trong hiện tại. Nghề đan bàng ở làng quê Phò Trạch đang bị mai một. Điều đó là tất yếu trước xu thế thời đại khi các vật dụng hiện đại được bày bán khắp nơi. Tuy nhiên với tác dụng và sự tiện lợi của những vật dụng làm ra từ cây bàng thì không phải nghề đan bàng ở Phò Trạch đã mất hết cơ hội. Vấn đề là ở cách thức tổ chức, sự quan tâm của chính quyền địa phương nhằm tìm ra một hướng đi làm hồi sinh, vực dậy một nghề thủ công truyền thống.

Hy vọng, vào một ngày không xa,  về Phò Trạch ta lại được nghe tiếng đập bàng rộn rã, được nhìn ngắm đôi tay thoăn thoắt của các cô thôn nữ đan bàng, được nhìn thấy phiên chợ quê bày bán đủ các sản phẩm được làm ra từ cây bàng, cây cói và được thưởng thức một điệu múa đặc sắc ở nơi đây.

TRẦN VĂN TOẢN