NHÂN HỘI THẢO VỀ VAI TRÒ CỦA NGUYỄN TRI PHƯƠNG TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP NĂM 1858-1860 DO HỘI SỬ HỌC TP ĐÀ NẴNG TỔ CHỨC, HÔM NAY (28-9):

Diệu kế đánh Pháp của danh tướng Nguyễn Tri Phương

Thứ bảy, 28/09/2013 12:28

(Cadn.com.vn) - Nguyễn Tri Phương, danh tướng triều Nguyễn đã xông pha trận mạc từ Nam ra Bắc, làm nên nhiều chiến công để ngăn chặn dã tâm xâm chiếm của giặc Tây phương, trong đó chiến công đánh đuổi liên quân Pháp–Tây Ban Nha từ năm 1858 đến năm 1860 tại  Đà Nẵng đến nay vẫn được người đời nhớ mãi.

155 năm trôi qua, Nghĩa địa Pháp–Tây Ban Nha vẫn nằm lặng lẽ trên bán đảo Sơn Trà, như là chứng tích về sự thất bại của đội quân viễn chinh Tây phương và cũng là kỳ tích của quân đội triều đình Huế, sau hai lần thắng trận dưới tài chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương. Nhưng làm thế nào mà đội quân chân đất của triều đình nhà Nguyễn đánh thắng được đại bác và chiến hạm của giặc Tây?

Về vai trò của Nguyễn Tri Phương trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858-1860), Thạc sĩ Lưu Anh Rô-Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng nhìn nhận: nói đến Nguyễn Tri Phương tại cuộc chiến bảo vệ thành Đà Nẵng phải nhắc đến chủ trương "đào hào đắp lũy" và kế sách "lấy thủ làm chiến” của ông. Chính điều này đã làm phá sản ý đồ “đánh thốc ra Huế, buộc triều đình Huế đầu hàng” của liên quân Pháp–Tây Ban Nha”. Quả vậy, sau khi được vua Tự Đức giao thống lĩnh ba quân tại mặt trận Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương đã thực hiện sách lược “lấy thủ làm lợi”, xây dựng nhiều phòng tuyến để dừng bước tiến quân giặc. “Căn cứ vào những tấm bản đồ do quân Pháp vẽ, ta có thể thấy sự bố trí phòng thủ liên hoàn của Nguyễn Tri Phương.

Tại cửa sông Cu Đê, có đến 3 đồn: Cu Đê hạ đồn, Cu Đê thượng đồn và Cu Đê thủ phía thượng nguồn. Ngoài ra càng tiến về thượng nguồn Cu Đê, Nguyễn Tri Phương càng cho thiết lập một số đồn, bốt nhỏ tại các núi Trường Định, Phò Nam, Nam Yên. Như vậy, ngoài những đồn lớn, bảo, tấn đã biết trước đây, Nguyễn Tri Phương còn cho thiết lập hàng chục đồn, bảo, lũy nhỏ để bảo vệ chặt con đường quan yếu Huế; hệ thống đồn này rất hiệu dụng trong việc chặn đứng quân Pháp thực hiện ý đồ giải tỏa đèo Hải Vân, tiến quân ra Huế”-ông Rô nói. Chính nhờ hệ thống bố phòng dày đặc đó, khi quân Pháp tấn công đồn Chân Sảng thì quan quân triều Nguyễn đã "rót những phát thần công trúng đích" vào chiến hạm Némésis, ngay chỗ Đô đốc Page đang đứng chỉ huy. Y thoát chết nhưng viên chỉ huy dày dạn kinh nghiệm của y là trung tá Duppré Déroulède đã bị đại bác cắt làm đôi, mấy tên lính đứng gần đấy cũng chịu cảnh thương vong...

Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Nhìn nhận tư tưởng chiến lược và chiến thuật dụng binh của Nguyễn Tri Phương, ông Ngô Văn Minh (Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực 3) đặc biệt nhấn mạnh chiến thuật phòng thủ để tiến công của vị tướng này.  “Nguyễn Tri Phương xin vua lấy thủ làm chiến, phòng ngự để tiến công chứ không xin thủ chỉ để mà thủ. Và thực tế chiến trường chứng tỏ Nguyễn Tri Phương đã sáng suốt và dũng cảm lựa chọn phương án đúng. Quân đội Nguyễn Tri Phương đã chuyển từ cố thủ trong thành, trong đồn đắp đất, trong lũy cát trồng tre gai bên trên, hoặc chỉ phục kích trong các bụi rậm, sang cơ động trong các chiến hào và phục binh đánh giặc tại các hố chữ Phẩm”- ông Minh nói.

Với việc phòng thủ chủ động, dần dần quân đội Nguyễn Tri Phương đã xoay chuyển cục diện chiến trường, buộc quân Pháp từ thế chủ động trở thành bị động. Kinh ngạc về chiến thuật phòng thủ của Nguyễn Tri Phương, Savin de Larclause -sĩ quan trong đội quân viễn chinh Pháp thừa nhận: “Hôm nay chúng tôi chiếm đóng mảnh đất mà chúng tôi đã chinh phục trong trận đánh trước, nhưng chúng tôi chỉ đuổi quân địch được vài trăm mét và họ đã lui về ẩn mình trong một phòng tuyến mới mà họ củng cố vững chắc một cách kinh khủng. Người An Nam có thái độ vững vàng, họ bao vây chúng tôi bằng những công sự chiến đấu, ngăn cản mọi sự giao lưu của chúng tôi với nội địa của họ. Đôi ba lần người ta đã thử đẩy lui họ, nhưng để làm gì khi hôm nay làm thiệt mất của họ vài bộ đất rồi họ sẽ chiếm lại ngày mai”.

Thực tiễn chiến trường cho thấy, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh để chóng kết thúc chiến tranh trong vòng 3 tuần của liên quân Pháp–Tây Ban Nha đổ vỡ.  Sau 18 tháng chiến đấu tại mặt trận Đà Nẵng, quân của triều đình Huế do Nguyễn Tri Phương chỉ huy đã phá tan âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, buộc chúng phải rút đi. Sử gia người Pháp Taboulet nhận xét: “Việc chiếm đóng Đà Nẵng trong vòng 18 tháng, không đủ làm lay chuyển được quyết tâm của triều đình Huế, cuộc viễn chinh Đà Nẵng đã kết thúc bằng một thất bại chính trị hơn là một thất bại quân sự, tuy khá đau đớn”.

Sau 155 năm cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp- Tây Ban Nha, các sử gia đã có thể đánh giá kỹ hơn vai trò của danh tướng Nguyễn Tri Phương, dù có không ít ý kiến cho rằng ông phòng thủ một cách thụ động, không tận dụng cơ hội để đánh trận quyết chiến với quân Pháp. Thế nhưng giả như khi thống chế Lê Đình Lý hy sinh mà vua Tự Đức cử một người khác hoặc điều động Nguyễn Tri Phương không kịp thời thì tình hình có lẽ đã diễn biến theo hướng bất lợi và nếu như vua cũng không tin tưởng, không tỏ lòng tin tưởng vào Nguyễn Tri Phương với những sách lược “lấy thủ làm lợi” mà ông đưa ra thì có lẽ chúng ta sẽ khó có được chiến thắng... Chừng đó thôi cũng đủ thấy tài năng và nghệ thuật quân sự của danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Minh Hà