Điều ước dành cho Quân
(Cadn.com.vn) - Tại lễ “Vinh danh thủ khoa và tiếp sức đến trường năm 2014” do Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 19-10, tôi đặc biệt ấn tượng với Nguyễn Phúc Quân - SV năm thứ nhất khoa Công nghệ Sinh học Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đứng trong top tân SV vượt khó đạt điểm cao tại kỳ thi tuyển sinh 2014 - có hoàn cảnh khó khăn: cha mất cách đây không lâu, mẹ đang điều trị bệnh ung thư. Gặp Quân bên hành lang buổi lễ vinh danh, nghe Quân kể chuyện gia đình và hành trình vượt khó của mình, tôi thầm nhủ: “giá như có một điều ước dành cho em...”!
Giữa các bạn đồng trang lứa cùng được vinh danh, tiếp sức đến trường trong đợt này, Quân có gương mặt buồn nhất. Quân rất dè dặt và kiệm lời khi kể về mình. Những điều tôi ghi được dưới đây là thông qua rất nhiều nguồn tin... Điều khiến tôi cảm phục ở Quân không phải ở điểm số 21 điểm em đạt được trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, mà chính là ở nghị lực sống, lòng tự trọng rất cao ở em.
Tân SV Nguyễn Phúc Quân (đeo kính) tại lễ vinh danh... Ảnh: P.T |
Trước khi về ở trong khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp ở Liên Chiểu, tôi được biết, gia đình Quân đã nhiều lần chuyển nhà thuê trọ. Khi Quân đang học lớp 10 tại Trường THPT Phan Châu Trinh, cha em- nguyên là bộ đội đã nghỉ hưu- không may mắc phải căn bệnh quái ác: ung thư vòm họng. Mẹ làm công nhân quét rác của Công ty vệ sinh môi trường, thu nhập không cao. Thương mẹ cha, Quân đã có ý định nghỉ học để kiếm việc làm phụ giúp gia đình. Nhưng cha mẹ, nhà trường và nhiều bà con trong khu phố động viên; nhà trường và những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ, em tiếp tục được học.
Giữa năm lớp 11 cha Quân qua đời... Đến giờ, Quân vẫn không sao quên được ánh mắt đau đáu của cha nhìn em trước khi ra đi. Dường như, ông muốn nói với em thật nhiều điều, nhưng không nói được. Cha ra đi, em như mất đi chỗ dựa tinh thần vững chãi. Nhưng tai ương không dừng lại ở đó, trong quãng thời gian cha mắc bệnh, mẹ em cũng phát bệnh và được chẩn đoán ung thư, đã mổ 2, 3 lần để lấy khối u ở bụng.
Nhìn mẹ hàng ngày còm cõi trên những cung đường để quét rác, Quân xót xa, thương mẹ vô cùng. Con đường mẹ được phân công quét rác hàng ngày như càng xa hơn, hun hút hơn so với sức khỏe của mẹ. Chị Trần Thị Liên- mẹ Quân- kể, thương mẹ sức khỏe yếu, hàng ngày, tranh thủ vào buổi nghỉ học, em lại đi quét rác giúp mẹ.
Một thời gian sau, thấy sức khỏe của chị không thể kham nổi công việc vất vả, hơn nữa, tuổi chị cũng đã lớn, nên công ty khuyên chị nên nghỉ việc để lo chữa chạy sức khỏe. Vì thời gian công tác của chị tại công ty chỉ được 10 năm (trước đó chị phục vụ trong ngành quân đội), nên chị được nhận chế độ nghỉ việc một lần với số tiền 42 triệu đồng...
Từ ngày mẹ nghỉ việc, để chia sẻ khó khăn của gia đình, ngoài giờ học, Quân cùng mẹ đi làm thợ hồ, thợ “đụng”, ai kêu chi thì tranh thủ sắp xếp thời gian đi làm. Quân đi cạo sơn, dọn giá hạ, lắp đặt ống nước, vặn vít cửa sắt cho mấy công trình xây dựng ở khu chung cư gần nhà; lại có khi đi dọn nhà thuê... Chị Liên cứ phân vân khi kể cho tôi nghe chuyện về Quân.
Chị thổ lộ: “Cháu không thích kể về mình đâu. Thậm chí, cháu còn nhờ tôi nói lại với cô đừng viết gì về cháu cả. Cháu tâm sự rằng, còn nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình, mẹ ạ! Vì thế, tôi không biết có nên kể hay không”. Tôi phải năn nỉ mãi chị mới chia sẻ. Số là, có một lần, 2 mẹ con chị được người ta thuê dọn nhà giúp 2 căn nhà với giá 800.000 đồng/căn. Sau mấy ngày dọn dẹp mệt bã người, đến khi xong việc, người ta chỉ trả tổng cộng 500.000 đồng. Thấy chị ấm ức, Quân an ủi “thôi mẹ à, chắc người ta cũng khó”. Nghe con nói vậy, chị thôi không ấm ức nữa...
Tác giả trò chuyện với Nguyễn Phúc Quân. Ảnh: TR. NGỌC |
Quân học khá nhất môn Sinh nên em quyết định thi vào Trường ĐHSP Đà Nẵng, khoa Công nghệ sinh học. Theo Quân, Việt Nam là nước nông nghiệp, sản xuất ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp vừa ngon, vừa rẻ. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa thể cạnh tranh ra thế giới, còn sản xuất nhỏ lẻ, số lượng ít, đời sống người nông dân vất vả là thế nhưng thu nhập lại quá thấp, không tương xứng với công sức bỏ ra.
Theo học ngành công nghệ sinh học, em mong ước được góp sức mình trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp, sản xuất ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp ngon, xuất khẩu ra được thị trường thế giới ngày một nhiều hơn. Quân giản dị bộc bạch khi tôi hỏi vì sao lại không học Y mà theo ĐHSP rằng: “Vì ĐHSP gần nhà và bởi vì em mong ước sao này mình làm được điều gì đó giúp cho ngành nông nghiệp của Việt Nam phát triển theo hướng công nghiệp hóa...”.
Mong ước lớn nhất của Quân hiện nay là làm cách nào để có tiền chữa bệnh cho mẹ. Nói về mẹ, đôi mắt vốn đã rất buồn của em như càng buồn hơn... Bằng những cảm nhận của riêng mình, tôi biết, con đường Quân đang đi còn rất nhiều cam go và khó khăn. Với bài viết nhỏ này, ngoài sự sẻ chia và tình cảm mến phục dành cho em, tôi rất mong những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức xã hội, các DN, đơn vị sẽ chung tay tiếp sức để giúp Quân tiếp tục trên con đường lĩnh hội tri thức, thực hiện ước mơ và hoài bão của mình, đồng thời giúp mẹ em vượt qua bệnh tật!
Ghi chép: P.Thủy