Đing Năm - nhạc cụ huyền thoại của người Ê Đê

Thứ sáu, 26/08/2016 10:04

(Cadn.com.vn) - Người Ê Đê ở Tây Nguyên có kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú, trong đó nghệ thuật âm nhạc phát triển rất đặc sắc và độc đáo, giàu bản sắc cùng với sự đa dạng phong phú trong các hình thức biểu diễn. Nhạc cụ của người Ê Đê rất phong phú như cồng chiêng, trống, sáo, khèn, Gôc, Kni, đàn, Đinh Ktuk... trong đó Đing Năm là một loại nhạc cụ được nhiều người yêu thích. Đing Năm là nhạc cụ khá phổ biến, hầu hết các buôn làng Ê Đê đều có người biết thổi nhưng người biết hát ei rei không nhiều, vì hát ei rei không khó về giai điệu nhưng đòi hỏi người hát phải thuộc nhiều klei duê (lời nói vần) và khả năng ứng đổi nhanh.

Nghệ nhân A Ma Kim - Buôn Ko Sia, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk độc tấu Đing năm.

Sự ra đời của Đing Năm được truyền tụng ở các nhóm tộc người thuộc dân tộc Ê Đê (Kpă, Adham, M'dhur, Krung...) kể lại: xưa có đôi vợ chồng người Ê Đê đã sống với nhau qua 7 mùa rẫy mà vẫn chưa có mụn con nào. Họ ước ao có một người con để trông cậy lúc về già. Một lần đi rẫy, người vợ khát nước quá vội đi tìm nơi có nước. Vượt qua một quả đồi, ba con suối cạn, chợt bắt gặp một vũng nước trong veo trong hốc đá, chị liền uống một hơi cạn sạch. Uống xong chị cảm thấy người khoan khoái, tỉnh táo lạ thường. Từ ngày đó, người vợ có thai. Đến mùa rẫy sau chị sinh được 6 người con gồm 3 trai, 3 gái rất xinh đẹp, giống nhau như hoa plang nở cùng một lứa. Càng lớn chúng càng giống nhau như đúc khiến cả cha mẹ cũng nhầm lẫn. Người cha liền vào rừng chặt sáu ống nứa dài, ngắn rồi nói: Ống dài là chị, là anh, ống ngắn là em, là út, rồi trao cho các con. Các ống thứ nhất, thứ hai, thứ năm trao cho con gái. Các ống thứ ba, thứ tư và thứ sáu trao cho con trai. Người con trai út rất thông minh và khéo tay. Chàng lấy sáu ống nứa đẽo gọt cho đẹp, gắn lưỡi gà làm từ cật tre và các ống rồi gắn 6 ống nứa đó vào 6 quả bầu khô làm kèn để thổi tạo nên âm điệu thánh thót rộn ràng. Khi cha mẹ đột ngột qua đời, 6 anh chị em mang các ống kèn ra thổi để tỏ lòng tiếc thương cha mẹ. Thấy việc mỗi người thổi một ống quá bất tiện, người con trai út lại nghĩ ra cách lấy một quả bầu to rồi gắn cả sáu ống kèn vào. Với ý thức mẫu hệ, chàng đặt các ống của các chị ở trên, của các anh và mình ở dưới. Sau khi dùi lỗ bấm, chàng trai thổi lên khúc nhạc réo rắt, buồn thương tiễn đưa cha mẹ về với thế giới ông bà. Từ đó chiếc kèn được mọi người sử dụng và lan truyền khắp các buôn làng Ê Đê, gọi là Đing Năm.

Theo tiếng Ê Đê, đing là ống, năm là số 6 trong hệ đếm của người Ê Đê. Từ sự tích đó, Đing Năm chỉ thổi trong đám tang hoặc ngoài rẫy. Ngày nay các kiêng cữ đó không còn quá chặt chẽ, Đing Năm có thể sử dụng ở nhiều nơi, đặc biệt là trong các lễ hội, các dịp sinh nhật văn hóa cộng đồng. Bài bản đặc trưng của Đing Năm là điệu nhạc ei rei, một lối hỏi đáp mang tính chất giao duyên hoặc tự sự...

Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung - Trưởng bộ môn Ngôn ngữ Trường ĐH Tây Nguyên cho biết: Không ở đâu như ở Tây Nguyên nói chung và Đăk Lăk nói riêng lại lưu giữ được các nhạc cụ dân gian phong phú, đa dạng và độc đáo nhiều đến vậy. Các nhạc cụ dân gian là một văn hóa vật thể nhưng hơn thế nữa, nó ẩn chứa những giá trị văn hóa phi  vật thể rất cao. Thông qua các hoạt động diễn tấu nhạc cụ trong các nghi lễ, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng, ta có thể hiểu được những phong tục, tập quán, những quan niệm tín ngưỡng dân gian, tâm tư tình cảm của bà con các dân tộc Tây Nguyên.

Trí Tín