Đình làng cổ ở Huế "kêu cứu"

Thứ sáu, 08/09/2017 14:38

Đề xuất tháo dỡ, hạ cốt nền đình cổ

Cuối năm 2016, UBND tỉnh TT-Huế quyết định đầu tư dự án khu dân cư Bàu Vá 4, thuộc P. Phường Đúc (TP Huế) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (gọi tắt là BQLDA tỉnh) làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện trên diện tích hơn 4,7 ha, với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng để phân lô đất bán đấu giá. Dự án ảnh hưởng trực tiếp đến ngôi đình Đệ Cửu (đình Phú Vĩnh) được xây dựng hơn trăm năm tuổi dưới thời nhà Nguyễn, buộc phải triệt giải, hạ độ cao nơi công trình cổ tọa lạc để làm hạ tầng kỹ thuật, phân lô khu dân cư.

Đình Đệ Cửu được đánh giá là công trình văn hóa có kiến trúc độc đáo.

Theo quyết định trên, chủ đầu tư là BQLDA tỉnh cùng cơ quan chức năng phối hợp bồi thường để tháo dỡ đình làng Đệ Cửu và hạ cốt nền khu đất 1.500m2 còn lại của đình làng. Trước đó, BQLDA tỉnh tổ chức họp với UBND TP Huế, chính quyền, người dân, cùng đại diện các họ tộc P. Phường Đúc về công tác giải phóng mặt bằng liên quan khu đất đình làng nhưng hầu hết đều không đồng tình. Đến tháng 2-2017, UBND P. Phường Đúc có văn bản gửi UBND TP Huế nêu ý kiến về quy hoạch làm ảnh hưởng đến đình làng sắp bị giải tỏa, với lưu ý: "Đình với kiến trúc thời Nguyễn, dáng vẻ đẹp, kiến trúc cảnh quan còn có nhà bia, trụ biểu còn khá nguyên vẹn. Khu vực này đang quy hoạch khu dân cư, nên vị trí đình làng có ảnh hưởng, dễ xảy ra biến dạng chức năng thiết chế văn hóa cơ sở, làm mất đi nơi sinh hoạt tín ngưỡng, cũng như sinh hoạt văn hóa của nhân dân". Theo các nhà nghiên cứu Huế, đình Đệ Cửu được hình thành từ khi người Pháp dồn dân thành lập thị xã Huế và chia Huế thành 9 phường. Ngôi đình này thuộc phường thứ 9 nên có tên là đình Đệ Cửu. Trong khuôn viên đình hiện còn lưu giữ tấm bia đá bằng chữ Hán lập năm Mậu Thân, dưới thời vua Duy Tân, ghi công đức của những nhà hảo tâm trong buổi đầu mới lập ra Đệ Cửu phường.

Kiến nghị bảo tồn nguyên trạng

Trước quyết định tháo dỡ đình làng, hạ cốt nền ngôi đình để thực hiện dự án làm khu dân cư do tỉnh TT-Huế phê duyệt, cuối tháng 6-2017, UBND TP Huế có công văn gửi UBND tỉnh kiến nghị bảo tồn đình làng. Công văn nêu rõ, đình làng tuy hư hỏng, xuống cấp, nhưng nhiều kiến trúc còn lại vẫn mang giá trị rất lớn về mặt văn hóa, tâm linh và nghệ thuật. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư sẽ khai thác phần lớn đất đình làng, ở sát lưng đình làng... sẽ gây sụp đổ, không thể phục hồi, trùng tu, tôn tạo hay giữ lại kiến trúc ban đầu, chắn lối vào đình, phá vỡ kiến trúc vốn có và không phù hợp với tâm linh, tín ngưỡng của người dân xứ Huế. Do đó, UBND TP Huế đề nghị giữ lại các lô đất ở đã được quy hoạch để dùng làm đất tín ngưỡng thuộc đình làng, sử dụng trồng cây xanh tạo cảnh quan và giữ gìn các giá trị cho đình làng. Trước vấn đề này, Sở Xây dựng TT-Huế kiến nghị UBND tỉnh giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xác định cụ thể giá trị văn hóa của ngôi đình, để quyết định có nên nghiên cứu, điều chỉnh lại dự án hay không?

Liên quan đến vấn đề trên, Sở VH-TT tỉnh TT-Huế vừa có công văn đề nghị các cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng không được tháo dỡ, không hạ cốt nền di tích; cần bảo tồn nguyên trạng. Theo Sở VH-TT tỉnh, đình Đệ Cửu (về sau có tên đình Phú Vĩnh) là một công trình có giá trị văn hóa lịch sử, là kiến trúc cộng đồng, tâm linh của người dân. Đặc biệt, ngôi đình gắn liền với quá trình, lịch sử mở rộng đô thị Huế lần thứ nhất và lần thứ hai. Do vậy, đình cần được giữ nguyên trạng bao gồm đình, la thành, trụ biểu, nhà bia, bia đá... Các giá trị kiến trúc văn hóa nêu trên không được tháo dỡ, không hạ cốt nền, dựa trên các yếu tố gốc, nhằm huy động các nguồn kinh phí để kịp thời gia cố, bảo vệ. Trước mắt, cần có các giải pháp lợp mái để che chắn đình, hạn chế sự xuống cấp, hư hỏng.

Trong văn bản mới đây gửi lãnh đạo tỉnh TT-Huế và cơ quan chức năng, Sở VH-TT tỉnh đề nghị chủ đầu tư cần điều chỉnh lại quy hoạch, dành diện tích đất theo thiết kế quy hoạch phân lô trong khu vực đình Đệ Cửu phục vụ mục đích tâm linh, bảo tồn công trình lịch sử văn hóa, bảo đảm hài hòa giữa quy hoạch dân cư và cảnh quan ngôi đình. Sở VH-TT cũng đề nghị các ngành chức năng nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng đình làng Phú Vĩnh là di tích lịch sử cấp tỉnh nếu đáp ứng các tiêu chí xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản Văn hóa. Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh- người từng đi khảo sát ngôi đình này cách đây hàng chục năm cho biết: Lúc ấy, đình còn bức hoành phi sơn son thếp vàng ghi ba chữ Hán "Phú Vĩnh đình" nhưng nay không còn nữa, các cặp câu đối nói lên tâm tư nguyện vọng của bà con trong phường về tình cảm đối với ngôi đình thì nay một số cặp đối có thể đọc được. Riêng phần mái đã bị sụp đổ từ trước năm 1990. Đình Phú Vĩnh có giá trị về mặt văn hóa lịch sử trên 100 năm, đề nghị chính quyền nên giữ lại toàn bộ kiến trúc, cảnh quan không gian của đình, cốt nền vẫn giữ nguyên như cũ, trùng tu lại phần mái, đẩy lùi không gian hoang phế...

H.LAN