Đìu hiu môn sử

Thứ ba, 29/03/2016 08:31

(Cadn.com.vn) - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành phương án kỳ thi THPT quốc gia 2016, nhiều trường đã tiến hành dạy phụ đạo 3 môn thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ; đồng thời phát phiếu thăm dò môn tự chọn. Kết quả bước đầu cho thấy rất ít học sinh chọn môn sử, thậm chí có nhiều trường “sạch bóng” khi không một học sinh nào chọn môn sử để thi tốt nghiệp!

Tại Hà Nội, kết quả thăm dò cho thấy rất ít học sinh dự thi lịch sử để xét tuyển ĐH, CĐ. Cụ thể, trong số 66.000 thí sinh lớp 12 chỉ có 4.414 em chọn môn sử. Tương tự, tại Đà Nẵng, qua trao đổi với một số lãnh đạo trường THPT, tình cảnh môn sử hết sức đìu hiu khi chỉ lèo tèo mấy học sinh chọn sử làm môn thi xét tốt nghiệp. Như vậy, tình cảnh ảm đạm của môn sử tiếp tục lặp lại khiến nhiều người, đặc biệt là giáo viên dạy môn sử không khỏi chạnh lòng, xót xa.

Theo lý giải của nhiều người, vấn đề này là một câu chuyện dài kỳ, nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan và từ nhiều phía: Từ nội dung sách giáo khoa cho đến phương pháp dạy học; rồi thị hiếu của học sinh, phụ huynh chạy theo học các môn ban A để thi vào những ngành thời thượng, đảm bảo tương lai cho đầu ra.

Trước thực trạng trên, một giáo viên dạy sử ở Trường THPT Phúc Trạch (H. Hương Khê, Hà Tĩnh) tâm sự: “Học sinh không chọn môn sử thì giáo viên không bị áp lực, dạy khỏe re. Nhưng thú thật chúng tôi buồn lắm. Chúng tôi muốn được bận rộn ôn tập cho học sinh như bao đồng nghiệp ở môn học khác, chứ “rảnh rỗi” thế này chúng tôi cảm thấy lạc lõng và thừa thãi”.

Giáo viên này bày tỏ: “Có tìm hiểu lịch sử thì mới thấy hết cái hay, cái đẹp và giá trị lớn lao của môn học này. Chúng ta đừng để giá trị vật chất của xã hội hiện đại làm mai một và lãng quên cả bề dày 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc mình. Hãy yêu và trân quý nền lịch sử của nước nhà”.

Có lẽ, để cải thiện tình hình thì việc kêu gọi các bạn học sinh và người lớn đừng quay lưng với môn học này là chưa đủ. Lịch sử là môn học có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục phổ thông với mọi quốc gia, bởi “Lịch sử là bó đuốc soi đường”, là “Dựng người chết dậy vì người đang sống”. Nhà văn Liên Xô Rasul Gamzatop từng nói: “Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng một phát súng lục thì tương lai sẽ bắn chúng ta bằng một phát đại bác”.

Việt Nam là một đất nước có nền văn hiến từ lâu đời, có truyền thống lịch sử hào hùng thì cần phải biết lấy lịch sử làm “điểm tựa”, làm “bệ phóng” cho sự vươn lên của dân tộc. Bởi giáo dục lịch sử là giáo dục về văn hóa, truyền thống, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, là giáo dục cốt cách con người Việt Nam; giáo dục lòng khoan dung, vị tha, yêu nước thương nòi; biết trân quý những máu xương của cha ông... để ra sức học tập, rèn luyện góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Thiết nghĩ, đã đến lúc nhìn nhận tình trạng đìu hiu môn sử là một nguy cơ đối với những thế hệ sau. Đừng bao biện rằng giáo dục lịch sử phải bằng nhiều con đường, nhiều cách, nhiều kênh khác nhau chứ không riêng gì dạy học sử trong nhà trường. Vì vậy, cần xây dựng một đề án về việc khôi phục, phát huy vai trò, vị thế của môn lịch sử trong nhà trường.

Hoài Thuận