Độ mặn vượt đỉnh, Đà Nẵng yêu cầu thủy điện xả nước 12 giờ/ngày
Độ mặn vượt đỉnh năm 2019 với giá trị 5.863mg/lít tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ vào ngày 10-3, Đà Nẵng phải có công văn yêu cầu các thủy điện xả nước ít nhất 12 giờ/ngày trong thời gian xây dựng tuyến đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ.
Đập ngăn mặn trị giá 9 tỷ đồng vừa được xây dựng ở thượng lưu cầu Nguyễn Tri Phương. |
Số liệu đo đạc hàng ngày của Chi cục Thủy lợi và Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) qua theo dõi diễn biến độ mặn nước sông Vu Gia tại vị trí cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ từ ngày 1-3 đến 12-3 cho thấy, nguồn nước sông thường xuyên bị nhiễm mặn. Độ mặn lớn nhất đạt giá trị 6.863mg/lít vào rạng sáng ngày 10-3, vượt đỉnh mặn của năm 2019 là 5.109mg/lít. Đặc biệt, có những thời điểm độ mặn đã duy trì với giá trị lớn hơn 1.000mg/lít liên tục trên 24 giờ.
Trước diễn biến xâm nhập mặn phức tạp này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh vừa ký văn bản gửi chủ các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Dawaco yêu cầu thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt trên địa bàn. Cụ thể: hồ A Vương xả từ 18-22m3/s, Sông Bung 4 từ 25-30m3/s; thời gian yêu cầu xả nước vận hành liên tục không ít hơn 12 giờ/ngày, thời gian bắt đầu không muộn hơn 9 giờ sáng và kết thúc không sớm hơn 21 giờ. “Thời gian bắt đầu vận hành chế độ xả nước này là từ ngày 13-3 đến khi Đà Nẵng xây xong nhánh 2 của đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ tại vị trí thượng lưu cầu Nguyễn Tri Phương. Ngoài ra, sau khi đập ngăn mặn hoàn thành, hồ thủy điện A Vương tiếp tục tích nước đến ngày 1-4 để đảm bảo yêu cầu về tích nước sử dụng đến cuối mùa cạn”, công văn nêu. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Dawaco có trách nhiệm cung cấp số liệu độ mặn nước sông Vu Gia tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ cho các đơn vị liên quan theo quy định để phối hợp khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cung cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn.
Ngày 13-3, ông Hồ Minh Nam - Phó tổng Giám đốc Dawaco cho biết, dự báo những nguy cơ về thiếu nước sinh hoạt do hạn hán, xâm nhập mặn năm nay, từ trong Tết Nguyên đán, đơn vị đã triển khai thi công xây dựng một nhánh của đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ. Với kinh phí đầu tư 9 tỷ đồng, đập có chiều dài 180m hạn chế nguồn mặn từ cửa Hàn xâm nhập về phía thượng lưu. Kết cấu đập tạm bằng hàng cọc cừ Larsen loại IV; thông số cừ (400x170x15,5)mm, hai bên bờ đóng cừ 9m dài 78,54m, còn đoạn giữa 100,0m đóng cừ dài 12m, cao độ đỉnh cừ tuyến đập tạm là +1,00m. Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhất, Dawaco phải gấp rút thi công nhánh đập còn lại bằng bao cát và vật liệu mềm vì độ mặn của nguồn nước thường xuyên cao và kéo dài nhiều ngày. “Việc xây đập là cần thiết lúc này. Nhưng về lâu dài và thường xuyên thì chế độ xả nước từ các thủy điện thượng nguồn mới phát huy hiệu quả của đập ngăn mặn. Vì làm đập mà không có nước ngọt về đẩy mặn thì dòng sông cũng giống như cái ao tù, nguồn nước cấp cho sinh hoạt của thành phố sẽ rất căng thẳng”, ông Hồ Minh Nam cho hay.
Dawaco thi công xây dựng đập ngăn mặn ứng phó với nước nhiễm mặn mùa hè. |
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, lượng mưa tích lũy trên địa bàn TP Đà Nẵng từ đầu năm 2020 đến nay đạt 64,2mm, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ là 28%, chỉ bằng một nửa của năm 2019.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu các sở ngành kiểm kê, đánh giá, dự báo nguồn nước trên các sông, suối, ao hồ, hệ thống thủy lợi để tính toán cân bằng, đảm bảo an ninh nguồn nước. Sở Xây dựng tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn để đảm bảo cấp nước cho người dân. Khi xảy ra nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nhất là vùng cao, cuối nguồn, phải chủ động thực hiện các kịch bản ứng phó, không để ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Về lâu dài là xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án tích nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt trên các dòng sông, hồ thủy lợi, hồ chứa. UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở NN&PTNT căn cứ tình hình nguồn nước để điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, chuyển đổi sản xuất phù hợp.
Công Khanh