Đổ thêm dầu vào lửa
(Cadn.com.vn) - Sáng 20-4, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc, ông Keiji Furuya đã tới viếng đền Yasukuni, động thái chắc chắn chọc giận Trung-Hàn khi cả 2 nước đều coi ngôi đền này là biểu tượng của quá khứ quân phiệt Nhật.
Ông Furuya, hiện cũng giữ chức Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Nhật Bản, tỏ lòng tôn kính các chiến binh của chủ nghĩa quân phiệt Nhật được thờ tại ngôi đền này trước thềm lễ hội mùa Xuân hàng năm diễn ra từ ngày 21 đến 23-4 tới.
“Tôi đã thực hiện chuyến viếng thăm hôm nay (chủ nhật) để không làm gián đoạn công vụ của tôi”, ông Furuya cho biết trong một tuyên bố trước giới phương tiện truyền thông Nhật Bản.
Đây luôn là thời điểm nhạy cảm tại Nhật Bản vì những quan chức Nhật thường đến viếng đền Yasukuni. Vì thế, hành động này của ông Furuya được xem như “đổ thêm dầu vào lửa” mối quan hệ đang nóng bỏng giữa các bên khi ông là bộ trưởng thứ 2 trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe viếng ngôi đền này chỉ trong tuần qua.
Tuy nhiên, ông Furuya biện hộ rằng, việc một người dân Nhật ngỏ lời chia buồn và cầu nguyện cho vong linh của những người từng hy sinh mạng sống vì đất nước là điều bình thường.
Lễ hội Mùa Xuân năm nay tại Yasukuni diễn ra trùng lặp với chuyến đi của Tổng thống Obama đến Nhật Bản, một phần chuyến công du Châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Philippines và Malaysia. Nhật từng đóng chiếm liên Triều làm thuộc địa trong Thế chiến II và cũng chiếm đóng một số khu vực của Trung Quốc và các nước khác.
Ông chủ Nhà Trắng hồi cuối tháng 3 giúp Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lần đầu tiên “mặt đối mặt” kể từ khi nhậm chức hơn một năm trước. Bởi lẽ, việc thiếu đi một cuộc họp quan trọng giữa các nhà lãnh đạo của các đồng minh then chốt của Mỹ ở Châu Á là mối quan tâm sâu sắc đối với Washington.
Và trong bối cảnh căng thẳng khu vực, đặc biệt liên quan đến Triều Tiên và bất đồng lãnh thổ tại các nước Châu Á, chuyến đi của Tổng thống Obama sẽ là dịp để Mỹ khẳng định cam kết của mình đối với một trật tự dựa trên các nguyên tắc tại khu vực này. Có một nhu cầu quan trọng về vai trò lãnh đạo của Nhà Trắng trong khu vực và chiến lược tái cân bằng của Mỹ đối với châu lục đang phát triển mạnh mẽ này.
Thanh Văn