Đóa phong lan giữa núi rừng

Thứ tư, 05/11/2014 10:52

(Cadn.com.vn) - vùng biên giới khu 7 Tây Giang (gồm 4 xã Tr’Hy, Axan, Ch’Ơm, Gary), những học sinh Cơ Tu vẫn khát khao từng con chữ trong sự cách trở, nghèo khó. Trong đó chuyện em Cơ Lâu Thị Tâm, lớp 7/2 Trường PTDT Bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A xan) là một tấm gương sáng về chuyện vượt khó học tập... Cụ Pơ Long Thị Zích (76 tuổi), bà nội của Tâm kể, 13 năm trước, vừa sinh Tâm ra, mẹ em đã đi theo người đàn ông khác, ba em quá phẫn uất ăn lá ngón tự tử.

Sau đó mẹ em có về nhưng vào một ngày, mẹ để em lại nhà một người quen rồi bỏ đi. Em vĩnh viễn không cha không mẹ từ đấy. Hỏi: “Nhớ mẹ không?”, em nói: “Em không biết”. Trong căn nhà nhỏ giữa thôn A rầng 2 bên sườn núi, hai bà cháu sống bên nhau, cặm cụi làm lụng. Vậy mà cụ Zích bộc bạch: “Khổ mấy cũng lo cho nó ăn học”, bởi “Nó rất ham học, nó nói xa trường không chịu được”. Năm ngoái, cụ  Pơ Long Thị Zích được Nhà nước xây cho một căn nhà theo diện nghèo. Mỗi ngày, ngoài việc học, Tâm còn phụ nội công việc nhà. Cũng như những đứa trẻ Cơ Tu khác, em còn đi rẫy, lượm củi, mót đót... Vậy mà, từ lớp 1 tới lớp 7 Tâm luôn là học sinh giỏi. Cô Trương Thị Diễm My, giáo viên chủ nhiệm lớp Tâm, tự hào: “Tâm luôn là tấm gương sáng cho các em học sinh trong trường”. Em luôn là học sinh đại diện trường đi thi học sinh giỏi cấp huyện đạt nhiều giải thưởng.

Em Cơ Lâu Thị Tâm.

Vùng đất khu 7 Tây Giang nổi tiếng với sự cách trở, nghèo khó. Tỉ lệ học sinh hàng năm bỏ học rất cao. Trường Lý Tự Trọng đang có chương trình lớp học đêm xóa mù chữ cho các học sinh trong xã. Không có điện, trường phải dùng đèn dầu. Dù mới học lớp 7 nhưng Tâm đã tham gia dạy xóa mù cho các anh chị, các bạn. Tâm bảo ước mơ của mình là được làm cô giáo. Tâm tham gia dạy lớp xóa mù cũng vì thế. Tâm cũng hay theo các thầy cô tới từng bản vận động các bạn đi học. Tâm nói với các bạn rằng học để giúp ích bản làng.

“Việc vận động như thế rất hiệu quả, bởi những đứa trẻ Cơ Tu bỏ học sẽ nhìn Tâm là một minh chứng cho sự khó khăn nhưng biết nỗ lực vươn lên”-thầy Nguyễn Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng,  nói. Tâm còn năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, trồng cây, nuôi heo trong trường. Tâm bảo em không thích ở không, lúc rảnh rỗi phải tìm một việc gì đó để làm và “nếu xa trường lớp em không chịu được”.

Nơi bản cao biên giới này, Cơ Lâu Thị Tâm như đóa phong lan nhỏ giữa núi rừng mù sương.

Mai Thành Dũng