Đoàn kết Nhật - Hàn: Sứ mệnh lớn lao của ông Biden

Thứ bảy, 28/11/2020 12:28

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống được truyền thông tuyên bố đắc cử của Mỹ, ông Joe Biden sẽ ưu tiên xây dựng và khôi phục liên minh Đông Bắc Á để kiềm chế Trung Quốc.

Ông Biden được nhận xét là chính trị gia am hiểu Châu Á và coi trọng đồng minh.   Ảnh: Asia Times 

Văn phòng Thủ tướng và Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang lo lắng về tương lai quan hệ với Mỹ dưới thời tân chính quyền của Tổng thống Biden. Các phương tiện truyền thông bảo thủ ở nước này cho biết, các quan chức và chính trị gia Nhật Bản đang làm sống lại những tuyên bố quen thuộc rằng, đảng Dân chủ “chống Nhật Bản” và “thân Trung Quốc”, hay thậm chí tệ hơn là “thân Triều Tiên”. Giới phân tích cho rằng, ông Biden sẽ mang đến Nhà Trắng không chỉ kinh nghiệm của ông với tư cách cấp phó của cựu Tổng thống Barack Obama trong 8 năm, mà quan trọng hơn là 36 năm tại Thượng viện Mỹ, nơi ông hai lần làm chủ tịch Ủy ban Đối ngoại.

Ông Biden là một chính trị gia tài giỏi, nhạy cảm với những hạn chế trong chính sách đối ngoại nhưng cũng tự tin vào khả năng sử dụng các mối quan hệ cá nhân để định hình các mối quan hệ đối ngoại. Dựa trên kinh nghiệm của mình tại Thượng viện và với tư cách là Phó Tổng thống, trợ lý quốc hội mô tả ông là người “thông thạo ngoại giao kiểu châu Á”, “là một người thực sự tin tưởng vào các liên minh. Đó là bản chất sâu xa trong con người ông ấy”. Đối với chính quyền sắp tới, các liên minh là trọng tâm trong số các mục tiêu chính như dập tắt đại dịch, giải quyết biến đổi khí hậu và khôi phục tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của ông về vị trí trung tâm của các liên minh được hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh. Ông chủ yếu là một chính trị gia lấy Tây Âu làm trung tâm, tuy nhiên, khi nói đến Châu Á, ông bị ảnh hưởng bởi các trợ lý lâu năm, những người coi Nhật Bản là đối tác quan trọng nhất của Mỹ.

Chuyến đi định hình phong cách ngoại giao

Chuyến đi của ông Biden đến Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vào tháng 12- 2013 với tư cách là Phó Tổng thống đã giúp định hình “phong cách ngoại giao Châu Á” của ông kể từ đó. Sau chuyến đi, ông Biden đã nỗ lực thúc giục ông Obama thực hiện chính sách “xoay trục” sang Châu Á, nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hy vọng về mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Trung Quốc tắt dần khi Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong khi đó, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba (vào tháng 2), cùng với nhiều vụ thử tên lửa. Trong bối cảnh đó, Mỹ mong muốn Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia vào mối quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ hơn, thắt chặt phối hợp ba bên như một đối trọng với Trung Quốc. Ngày càng có nhiều lo ngại về việc Hàn Quốc đi vào quỹ đạo của Trung Quốc, một phần được thúc đẩy bởi việc bà Park Geun-Hye, người mong muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Bà Park vô cùng bất an với ông Abe, người trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 12-2012. Nhà lãnh đạo bảo thủ của Nhật Bản đã thể hiện ý định rút lại các tuyên bố trước đây của chính phủ Nhật Bản về lịch sử thời chiến, đặc biệt là tuyên bố về phụ nữ mua vui và tuyên bố về chiến tranh được ban hành vào năm 1995. Đến mùa thu năm 2013, mối quan hệ Hàn-Nhật gần như hoàn toàn đóng băng.

Vào tháng 11, Trung Quốc tuyên bố thành lập “Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông”, bao gồm hầu hết không phận của vùng biển này, bao gồm cả lãnh thổ do Nhật Bản, Hàn Quốc kiểm soát. Động thái khiêu khích của Bắc Kinh là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Biden khi ông đến Tokyo vào ngày 2-12, khiến nhu cầu hợp tác an ninh ba bên càng trở nên cấp thiết hơn. “Chúng tôi tin rằng Đông Bắc Á sẽ mạnh nhất khi hai nền dân chủ hàng đầu hợp tác cùng nhau để đối phó với các mối đe dọa chung và khi cả ba chúng ta–Mỹ, Nhật, Hàn - cùng hợp tác để thúc đẩy các lợi ích và giá trị chung”, ông Biden nói với tờ Asahi trước chuyến đi của mình. Ông Biden đã thúc giục ông Abe về sự cần thiết phải liên hệ với và Park và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để phá băng quan hệ.

Ông Biden sau đó đã đến Trung Quốc và dành khoảng 5 giờ để hội đàm với ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác, đẩy lùi tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không và thúc ép Trung Quốc cải thiện quan hệ với Nhật, Hàn. Họ cũng dành thời gian đáng kể để nói về Triều Tiên, với việc ông Biden hy vọng giành được sự giúp đỡ của Trung Quốc để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Điểm dừng cuối cùng là Seoul, vào ngày 6 và 7- 12, nơi ông Biden và bà Park đã có một cuộc trò chuyện khá căng thẳng. Họ dành nhiều thời gian để nói về việc chia sẻ chi phí quốc phòng. Ông Biden thúc giục Seoul phải đóng góp nhiều hơn nữa. Ông Biden nói với bà Park rằng ông Abe đã sẵn sàng gặp mặt, gây áp lực buộc bà Park phải đồng ý tham gia hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, theo bà Park, trong khi Seoul đã chuẩn bị cho việc hợp tác với Tokyo, thì các lãnh đạo Nhật Bản đã đưa ra những tuyên bố phớt lờ hoặc tìm cách sửa đổi quan điểm trước đây của Tokyo về các vấn đề lịch sử. "Một cuộc họp và đối thoại là quan trọng. Nhưng điều quan trọng nhất để hội nghị thượng đỉnh thành công, là Nhật Bản không nên bóng gió về những vấn đề này", bà Park nói. Theo Thủ tướng Hàn Quốc, mối quan hệ sẽ tệ hơn nếu ông Abe tham gia hội nghị và đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi về quá khứ hoặc thậm chí đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ tự những binh sĩ Nhật đã tử trận trong Thế chiến II.

Evan Medeiros, quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia và chuyên gia về Châu Á đã tháp tùng ông Biden trong chuyến đi này, nhấn mạnh rằng Phó Tổng thống “không cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông ấy nêu các vấn đề về lịch sử với cả bà Park và ông Abe và khuyến khích cả hai nên linh hoạt và hợp lý”.

Khủng hoảng đền Yasukuni

Vài ngày sau, ông Biden tổ chức một cuộc điện đàm với ông Abe, thông báo tóm tắt về chuyến đi và cuộc thảo luận của ông với bà Park. Ông Biden nói với ông Abe rằng ông đã ép bà Park tham gia hội nghị với Nhật Bản nhưng bà lo lắng về những gì có thể xảy ra sau đó. Ông Abe không đưa ra bất kỳ cam kết chắc chắn nào trong cuộc gọi, nhưng các quan chức Mỹ, và cả ông Biden đã ngầm nhắc nhở ông Abe rằng ông không nên đến thăm đền Yasukuni hoặc thực hiện các hành động khác có thể làm suy yếu nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Biden đã sụp đổ khi ông Abe đến thăm đền thờ Yasukuni vào ngày 26-12. Khi tin tức đến với Washington, Nhà Trắng đã ủy quyền cho Đại sứ quán Mỹ đưa ra một tuyên bố bất thường bày tỏ "sự thất vọng" đối với ông Abe. “Tôi nghĩ rằng toàn bộ chính phủ Mỹ đã tức giận với ông Abe. Người Nhật bị sốc và thực sự lo lắng", cựu quan chức trên thừa nhận. Tuy nhiên, ông Biden không hề có bất kỳ mối hận thù nào. Thay vào đó, ông Biden đã thúc đẩy một cuộc gặp gỡ khác. Vào tháng 3- 2014, Tổng thống Obama đã tiếp đón bà Park và ông Abe tại một cuộc họp ba bên bên lề hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở La Hay, cố gắng sử dụng Triều Tiên như một cách để gắn kết họ lại với nhau.

Vào tháng 4, cựu Tổng thống Obama đã đến thăm cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm sau đó, ông Abe và bà Park có những chuyến thăm riêng biệt tới Washington. Ông Abe đã cố gắng chiều lòng Mỹ bằng cách hạ giọng trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến tranh. Khi bà Park đến thăm Mỹ vào mùa hè, ông Biden đã tổ chức ăn trưa với nhà lãnh đạo Hàn Quốc tại dinh thự. Cuộc gặp đã có tác động. Bà Park sau đó đã có bài phát biểu trong đó bà tuyên bố sẵn sàng gặp ông Abe. Hai nhà lãnh đạo cuối cùng đã gặp nhau vào tháng 11, bên lề hội nghị thượng đỉnh ba bên với Trung Quốc, dẫn đến bước đột phá trong cuộc đàm phán bị đình trệ lâu nay về phụ nữ mua vui. Thỏa thuận về vấn đề này cuối cùng đã được công bố vào tháng 12 năm ngoái.

Lịch sử lặp lại?

Hiện nay, chúng ta đang ở một thời điểm tương tự. Chính quyền sắp tới của ông Biden sẽ phải đưa ra một cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc, nhưng ưu tiên hàng đầu của họ sẽ là tăng cường các liên minh. Một lần nữa, căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lại cản trở Mỹ thực hiện chính sách này. Nhưng ông Abe không còn là lãnh đạo Nhật Bản và người Hàn Quốc dường như đang tìm cách thoát khỏi bế tắc lịch sử. Điều đó có nghĩa là bản thân ông Biden sẽ tham gia vào việc hàn gắn quan hệ Hàn –Nhật? Các cố vấn của ông Biden tin rằng ông sẽ trao quyền cho những người khác hành động - có thể là ông Tony Blinken, người mà ông đã chỉ định làm Ngoại trưởng. Tuy nhiên, các cố vấn của ông Biden cho rằng, ngoại giao cá nhân cũng là điều cần thiết. “Ông Suga có khiếu hài hước, đa dạng, sắc sảo và cứng rắn. Ông ấy sẽ có một mối quan hệ tốt với ông Biden”, cựu quan chức trên nhận định.

AN BÌNH