Đoạn trường sau "cơn mê" (Kỳ 2: Đừng phí hoài tuổi trẻ)

Thứ ba, 05/11/2019 18:00

Giờ đây, khi vào cơ sở xã hội Bầu Bàng, nhìn lại quãng thời gian chìm đắm trong vòng xoáy ma túy, N.H.Ph (1979, trú TP. Hồ Chí Minh) cảm thấy vô cùng hối hận vì đã phí hoài một thời tuổi trẻ.

Ph. (giữa) cùng cộng sự (trái) và cán bộ cơ sở xã hội Bầu Bàng bên sản phẩm mô hình cầu quay sông Hàn.

Sai lầm khi vướng vào ma túy

"Từ thực tiễn bản thân, tôi thấy cuộc đời này ngắn ngủi lắm, tuổi thanh xuân chỉ có khoảng 10 năm thôi, và hy vọng rằng, các bạn trẻ hãy lấy tấm gương của tôi và những người đang ở đây để tránh xa ma túy. Bởi tuổi thanh xuân rồi sẽ qua đi, không bao giờ lấy lại được, và vì thế đừng có sống hoài, sống phí, đừng bao giờ sống với một quãng đời tuổi trẻ vô nghĩa, như tôi. Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến gia đình, người thân và hứa sẽ cố gắng rèn luyện, sớm được trở về để làm lại cuộc đời", Ph. chia sẻ.

Kể về những ngày tháng tuổi trẻ sai lầm, Ph. luôn tự trách mình quá bồng bột, ham chơi. Năm ấy, dù đã có công ăn việc làm ổn định trong lĩnh vực thủy sản, công việc nhẹ nhàng lại có thu nhập thuộc dạng khá nên Ph. thường xuyên tụ tập bạn bè chơi bời, nhậu nhẹt. Trong một lần đi nhậu, Ph. được bạn bè rủ dùng ma túy để tạo thêm niềm vui. Dù biết đó là ma túy nhưng cứ nghĩ dùng một vài lần sẽ không gây nghiện nên Ph. tặc lưỡi làm theo.

"2 năm dùng ma túy là quãng thời gian tôi trượt dài trong các cuộc vui chơi cùng bạn bè. Suốt ngày chỉ biết ăn, ngủ, tụ tập nhậu nhẹt, dùng ma túy. Công việc bỏ bê, thu nhập cũng chẳng có nên tôi tìm đủ cách moi tiền từ gia đình. Dù cha mẹ hết lời khuyên can nhưng tôi bỏ ngoài tai. Lúc đó tôi làm gì cũng bị người ngoài nhìn với ánh mắt khinh miệt và xa lánh", Ph. cho hay.

Cảm ơn "ngôi nhà ước mơ"

Trong lúc Ph. vướng vào ma túy, người thân luôn bên cạnh khuyên nhủ và giúp Ph. cai nghiện. Hành trình cai nghiện ma túy của Ph. cũng rất gian nan, nhiều lần thất bại. Cho đến khi, Ph. được đưa vào cơ sở xã hội Bầu Bàng, và qua quá trình sinh hoạt, học tập, lao động tại đây, Ph. mới thực sự thức tỉnh, hối hận về những gì đã làm và muốn chuộc lại lỗi lầm với bố mẹ, gia đình với quyết tâm cai nghiện ma túy "đến cùng". 

Tỉ mẩn chăm chút cho sản phẩm mô hình cầu sông Hàn để chuẩn bị tham dự cuộc thi do cơ sở xã hội Bầu Bàng tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 sắp tới, ít ai nghĩ rằng, trước đây Ph. chưa từng "đụng tay đụng chân" vào công việc được cho là cần sự tỉ mỉ, cẩn thận này. Với một người có "thâm niên" sử dụng ma túy, đã từng kinh qua nhiều cơ sở cai nghiện nhưng vẫn không thành công, chỉ đến khi vào cai nghiện tại cơ sở xã hội Bầu Bàng đến nay đã gần 1 năm, Ph. đã có thể tự tin khẳng định mình, quên được sự cám dỗ từ ma túy. Nói thì tưởng đơn giản, nhưng thực ra, để cắt được cơn đói thuốc là cả một quá trình đầy thử thách, gian nan. "Cảm giác thiếu thuốc khiến người nôn nao, toàn thân đau nhức ê ẩm, tưởng như có hàng ngàn mũi kim đâm vào cơ thể... Sau 1 tuần vật vã trong đau đớn, được các thầy cô động viên, chăm sóc và điều trị, tôi bắt đầu thích nghi và tỉnh táo trở lại. Khoảng nửa tháng, cắt được cơn, tôi bắt đầu được đi lao động trị liệu, tham gia sinh hoạt chung nên tinh thần thoải mái hơn", Ph. nói; đồng thời cho biết, môi trường kỷ luật tại cơ sở Bầu Bàng nghiêm ngặt, ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ, lao động học tập nghiêm túc khiến đầu óc tỉnh táo trở lại và từ đó hiểu hơn về giá trị cuộc sống.    

Đáng mừng là sau gần 1 năm ở tại cơ sở xã hội Bầu Bàng, từ một người trước đây chỉ biết đến nghề nuôi trồng thủy sản, dần dần Ph. đã trang bị thêm cho mình nghề xây dựng, thủ công mỹ nghệ... Với tinh thần cầu thị, ham học hỏi, Ph. được các thầy cô giáo tại cơ sở tin tưởng, chọn là đại diện của Phân đội 6 để làm "chủ đề tài" thực hiện mô hình cầu quay sông Hàn tham dự cuộc thi do cơ sở tổ chức trong thời gian sắp tới.  

Khi được hỏi vì sao lại chọn chủ đề cầu sông Hàn, Ph. thành thật bảo, do sông Hàn là cây cầu đầu tiên và cũng là cột mốc đánh dấu sự phát triển của TP Đà Nẵng trong 20 năm qua. "Cây cầu này thực sự rất có ý nghĩa bởi vì nó đã làm thay đổi toàn bộ bộ mặt của thành phố Đà Nẵng, cũng như đa số người dân phía bờ đông nơi đây. Và tôi liên tưởng, các thầy cô giáo tại cơ sở Bầu Bàng cũng chính là những người bắc nhịp cầu hy vọng, kết nối bờ vui cho người lầm lỡ. Với tôi, cơ sở Bầu Bàng chính là ngôi nhà ước mơ để tôi thêm tự tin đứng dậy sau vấp ngã", Ph. bộc bạch. Cũng theo Ph., những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như thế này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công và chăm chút từng khâu một. Vì vậy, Ph. cảm thấy rất vui khi tự mình thực hiện và qua mô hình này, Ph. muốn gửi gắm đến tất cả các bạn học viên, cũng là những người tham gia cuộc thi này thông điệp "đừng sống nhanh, sống ẩu" để rồi vấp ngã; qua đây, Ph. cũng muốn gửi lời tri ân đến các thầy cô giáo - những người đang rộng vòng nâng đỡ, dìu dắt, chỉnh lối cho những sai lầm.

Được biết, trước khi vào cơ sở xã hội Bầu Bàng, Ph. chưa bao giờ biết hoặc bắt tay vào công việc chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, khi vào cơ sở, được sự hướng dẫn, chỉ bảo của các thầy cô giáo, Ph. phát hiện mình có năng khiếu về lĩnh vực này. "Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, và tôi nghĩ sự kiên nhẫn rất cần thiết trong cuộc sống, bởi vì có nhiều thứ, nếu mình không kiên nhẫn thì sẽ mất hết", Ph. chiêm nghiệm.

Nói về những vấp váp đã qua, Ph. bảo, trong cuộc sống không ai không thất bại, quan trọng là sau khi thất bại mình có phát hiện ra sai ở chỗ nào, và nên đứng lên ở đâu? "Khi ở cơ sở, có thể sẽ phí thời gian nếu như ai đó thấy thời gian không hữu dụng, và sẽ không phí nếu như thời gian đó mình đã nhận ra cái gì, học được cái gì, không có gì là bỏ phí hết. Sau khi rời khỏi cơ sở xã hội Bầu Bàng, tôi sẽ làm lại từ đầu", Ph. quyết tâm nói.

Theo ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc cơ sở xã hội Bầu Bàng, hiện tại, cơ sở đang quản lý 586 người cai nghiện tập trung, trong đó có 23 nữ. Số người khi mới tiếp nhận vào cơ sở phần lớn bị rối loạn tâm thần, ảo giác, hoang tưởng, viêm gan siêu vi B, C và các bệnh xã hội khác. Sau khi được đưa đến, cơ sở sẽ tổ chức điều trị cắt cơn kết hợp với các liệu pháp tâm lý, tư vấn, vật lý trị liệu... "Sau khi cắt cơn, các học viên được chuyển về các ban để học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động lao động trị liệu. Ngoài ra còn tổ chức học văn hóa, học nghề điện dân dụng, xây dựng, sửa chữa xe máy...", ông Dũng cho biết.

D.N.H

(còn nữa)