Doanh nghiệp cùng chính quyền tìm hướng hội nhập Quốc tế

Thứ hai, 29/02/2016 07:28

(Cadn.com.vn) - Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như thực hiện nhiều chính sách mới vừa ký kết trong đó có Hiệp định TPP. Điều này đòi hỏi bản thân mỗi doanh nghiệp (DN) ngoài sự hỗ trợ của chính quyền cần phải có sự đổi mới để có thể phát triển ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới. Góp phần tìm lời giải đó, chiều 27-2, Hội DN Q. Hải Châu đã phối hợp với các Hội DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có buổi gặp mặt, tọa đàm với sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng và diễn giả, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương.

Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt.

Doanh nghiệp “kêu” về chất lượng nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là nhân tố chủ yếu tạo lợi nhuận cho DN cũng như duy trì và phát triển DN, bởi vậy được lãnh đạo các DN đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, giữa nhu cầu của DN với nguồn nhân lực thực tại trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện đang có sự chênh lệnh nhau bởi có nhiều vị trí DN  “đỏ mắt” đi tìm nhưng vẫn không có. Thậm chí có DN tại Đà Nẵng đã phải đi tuyển lao động địa phương khác hoặc lao động nước ngoài cho một số vị trí vì năng suất, chất lượng lao động của họ cao hơn hẳn so với lao động trong nước.

Ông Bùi Thiện Cảnh-Chủ tịch Hội DN Q. Ngũ Hành Sơn, Tổng Giám đốc Cty CP đô thị FPT Đà Nẵng cho rằng, số lượng sinh viên tốt nghiệp của Việt Nam nhiều, nhưng số đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, những người cực kỳ tâm huyết, tạo ra công ăn việc làm cho chúng ta thì vẫn chưa đủ. Ông Cảnh cho biết, FPT bắt đầu đầu tư tại Đà Nẵng từ năm 2004 và hiện đang có khoảng 5.000 nhân viên, trong đó có khoảng 2.000 nhân viên phần mềm... DN chúng tôi cam kết năm nào cũng tuyển ít nhất 1.000 nhân viên phần mềm.

ĐH Bách khoa rất xuất sắc nhưng mỗi năm chỉ ra trường khoảng 200 bạn trong khi đó Đà Nẵng có khoảng 200 DN phần mềm nên chúng tôi phải tranh nhau và rồi để giải quyết vấn đề chúng tôi phải đi ra các tỉnh ngoài như Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị rồi đến Phú Yên, Khánh Hòa, Tây Nguyên, ĐH Đà Lạt để tuyển người. Nhưng cả miền Trung-Tây Nguyên cũng chỉ có khoảng 2.000 SV phần mềm tốt nghiệp, cả nước cũng chỉ có 30.000 SV mỗi năm... “Như cái chăn hẹp có 10 ông cùng đắp, ông này kéo được cái đầu thì hở cái chân. Quan trọng là chúng ta phải mở rộng cái chăn ra, nâng tổng số sinh viên theo học, nhưng làm được điều này lại là vĩ mô...”-ông Cảnh ví von.

Cũng sốt ruột vì chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, ông Huỳnh Tấn Vinh-Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Resort Furama Đà Nẵng chia sẻ, TPP sẽ mang cho DN cơ hội mới với nhiều lựa chọn hơn, nhưng mặt khác TPP cũng tạo ra những thách thức cho ngành Du lịch trong đó có nguồn nhân lực. Hiện nay đã có hiệp định MRA (công nhận nghề lẫn nhau) giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Nếu không cẩn thận thì chúng ta có thể thất nghiệp ngay trên sân nhà của mình, bởi ta đã công nhận nghề lẫn nhau trong khi giá trị, chất lượng nguồn nhân lực của họ tốt hơn. Vậy thì đòi hỏi các DN và đội ngũ nhân lực thành phố Đà Nẵng cần phải có sự chuẩn bị tốt hơn. “Furama đang chuẩn bị nhân lực để phục vụ Hội nghị APEC 2017 nhưng hiện nay tìm không ra nhân lực cao cho khách sạn. Trong suốt tháng vừa qua, Furama tìm 2 đầu bếp phụ, trả lương rất hấp dẫn mà vẫn không tìm ra. Bởi vì chúng ta phát triển các phần cứng quá nhanh, các khách sạn rất hoành tráng nhưng mà nhân lực để vận hành nó chúng ta chưa chuẩn bị kịp”-ông Vinh nhấn mạnh.

Cần phải làm gì ?

DN Đà Nẵng hiện nay nhiều tuy nhiên phần lớn là DN nhỏ và siêu nhỏ vậy phải làm thế nào để hòa nhập cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như TPP là câu hỏi được các DN đặt ra và cùng nhau thảo luận vấn đề này, ông Trương Phước Ánh cho rằng, TPP sẽ diễn ra quá trình phân công lại sản xuất, cái nào có lợi thì làm và cái nào không có lợi thì điều chỉnh hoặc thu hẹp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tái cơ cấu lại lao động, đòi hỏi sự nỗ lực của cộng đồng doanh nhân cũng như sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Còn chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương-là chuyên gia tư vấn quản lý và đầu tư với hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động ở các nước Châu Á, từng phục vụ tại Quốc hội Hoa Kỳ và hiện tại đang là nhà đầu tư tại TP Đà Nẵng lại đặt câu hỏi: Mình nên làm cái gì trong thời kỳ hội nhập này? từ góc độ của một doanh nhân, chuyên gia kinh tế Chương chia sẻ, trên mặt lý thuyết hội nhập là tốt vì mọi người cùng chơi trên một sân và xóa bỏ mọi rào cản. Nếu mình không tham gia cuộc chơi này thì mình sẽ có ít cơ hội, ít bạn hàng, tuy nhiên mình đạt được bao nhiêu và giá trị đạt được là hoàn toàn phụ thuộc vào mình. Áp lực trong cuộc chơi này sẽ rất căng, nếu mình biết thuận theo thời, biết chuyển đổi thể chế một cách nhẹ nhàng thì tất cả đều có lợi. Còn nếu mình chống lại nó hoặc chỉ nói trên miệng thì giá trị nhận được cũng chẳng bao nhiêu. Ông Chương cũng cho rằng, để có thể hội nhập được tốt, cả phía doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần phải biết tự thân và chủ động hơn, xây dựng và quảng bá thương hiệu Đà Nẵng ra quốc tế cũng như có định hướng phát triển lâu dài cho thành phố ngoài bất động sản... Ông Phạm Đắc Bình-Chủ tịch Hội DN Nhỏ và vừa TP Đà Nẵng nêu quyết tâm, chúng ta phải bắt tay làm ngay, nếu nghĩ quá nhiều thì lại thấy sợ đồng thời mong mỏi chính quyền thành phố khi có thông tin về sản xuất, hợp tác thì nhanh chóng giới thiệu cho DN tiếp cận, tìm cơ hội hợp tác đầu tư.

Về phía chính quyền, ông Đặng Việt Dũng-Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, năm 2016 cũng là năm hướng ngoại của thành phố và nhu cầu về hướng ngoại trong kinh tế cũng vô cùng cấp bách. Đà Nẵng là thành phố không có nguồn tài nguyên mà chỉ có con người nên cũng giống như nhiều nơi khác, phải lấy con người làm gốc, làm trọng tâm để từ con người có thể bứt phá về mặt kinh tế. Chính vì vậy trong những năm qua, thành phố rất quan tâm đến vấn đề đầu tư cho chiến lược con người kể cả đào tạo cán bộ quản lý cho đến đào tạo nguồn cán bộ nhân lực lâu dài cho các ngành nghề khác của thành phố.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề chúng ta chưa thể bằng lòng mà có rất nhiều điều chúng phải trăn trở suy nghĩ, cải thiện cho tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu của người dân Đà Nẵng, du khách cũng như các nhà đầu tư... “Làm sao để các DN của chúng ta có thể đứng vững, có thể tồn tại và phát triển ra thế giới bên ngoài là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách, không chỉ có chính quyền mà bản thân DN cũng phải tự đổi mới cả về tư duy, cách làm để không bị tổn thương khi chúng ta hội nhập. Đồng thời mong rằng trong thời gian tới chúng ta có nhiều cuộc trao đổi hơn nữa để củng cố thêm kiến thức, năng lực, sự tự tin trong kinh doanh, dũng cảm trong đầu tư để chúng ta giành quyền, thế chủ động trên sân nhà và vươn tầm ra thế giới” - ông Dũng chia sẻ thêm.

Nguyễn Tuấn