Doanh nghiệp Đà Nẵng bắt tay nhau kích cầu du lịch

Thứ bảy, 22/02/2020 16:11

“Hơn bao giờ hết, đây là lúc du lịch Đà Nẵng phải khẳng định sức đề kháng của mình. Khó khăn đã quá rõ. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch thành phố phải nắm tay nhau, với sự tiếp sức từ chính quyền, để phục hồi sau những ảnh hưởng mạnh mẽ của “cơn bão” Covid-19”. Đó là tâm sự của chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng tại buổi gặp mặt, thông tin đến các cơ quan báo chí trên địa bàn về các giải pháp của doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng để “trở lại” sau tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 thời gian qua.

Trong những ngày qua, du khách đến từ thị trường Âu, Mỹ vẫn tương đối ổn định.

Tại sự kiện này, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, tổng lượng khách tham quan, du lịch tại thành phố trong tháng 1-2020 đã đạt con số 642.122 lượt, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 365.041 lượt, tăng 28,5%, khách nội địa đạt 277.081 lượt, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2019. Hoạt động du lịch thu về 2.563 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dự kiến trong quý 1-2020, các chỉ số về du lịch của thành phố sẽ bị suy giảm mạnh. Ước tính tổng lượng khách đến trong 3 tháng đầu năm đạt khoảng 1.288.518 lượt, giảm 31.2% so với cùng kỳ 2019, khách quốc tế giảm 17,6%, khách nội địa giảm 43,8% so với cùng kỳ.

Dù bị ảnh hưởng rất lớn vì dịch bệnh nhưng du lịch Đà Nẵng đang nỗ lực khẳng định thương hiệu của điểm đến an toàn.

Tính tới thời điểm này, công suất bình quân tháng 2-2020 chỉ đạt 25 - 30%, giảm 45 - 50% so với cùng kỳ (năm 2019 công suất bình quân toàn khối đạt 49%). Theo dự báo của Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, trong tháng 3-2020 lượng khách hủy phòng sẽ còn mạnh hơn nữa, công suất có thể chỉ còn duy trì ở mức 20%-25%.  Đối với các đơn vị lữ hành, lượng khách dự kiến phục vụ trong tháng 2 và tháng 3 chỉ đạt tối đa khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó khách quốc tế giảm khoảng 70%, khách nội địa giảm 80-85%, khách outbound giảm khoảng 55%.

Ngành du lịch đang lên kế hoạch phục hồi với nhiều sản phẩm mới, chất lượng dịch vụ cao.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, đến hiện tại, tất cả các lĩnh vực của ngành du lịch và các dịch vụ du lịch đều bị thiệt hại nặng nề. “Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng thiệt hại của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển cập nhật đến giữa tháng 2 ước tính khoảng 685 tỷ đồng. Ảnh hưởng lớn nhất là khối lưu trú với khoảng 400 tỷ, khối lữ hành, vận chuyển khoảng 285 tỷ”, bà Hạnh cho hay.

Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngày 21-2, Sở đã tổ chức cuộc họp với đại diện lãnh đạo UBND các quận, huyện, sở ngành, các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn nhằm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Kế hoạch kích cầu du lịch năm 2020. Kế hoạch này nhằm triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến TP Đà Nẵng và khu vực 3 địa phương Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam trước những ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Cạnh đó, ngành du lịch cũng khởi động việc hình thành sản phẩm du lịch kích cầu, tạo thói quen đi du lịch vào mùa thấp điểm, góp phần tăng thêm giá trị cho khách khi trải nghiệm du lịch Đà Nẵng.

Biển Đà Nẵng vẫn thu hút rất nhiều khách Tây trong những ngày qua.

Chia sẻ với các cơ quan báo chí, ông Cao Trí Dũng cho biết, sau những ngày gần như “tê liệt”, cộng đồng các doanh nghiệp du lịch đang bắt tay để phục hồi. Trong khó khăn bủa vây, ngành du lịch thành phố đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan truyền thông để Đà Nẵng vẫn tự tin là một điểm đến an toàn của du khách. Chính vì vậy, lượng khách từ các thị trường châu Âu, châu Mỹ vẫn chọn Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng làm điểm đến. “Tự thân doanh nghiệp phải có kế hoạch phục hồi trong sự liên kết cộng đồng, nhưng chúng tôi đang rất cần những thông tin chính thống, sự góp ý của các cơ quan truyền thông để cùng nhau phục hồi, khẳng định thương hiệu điểm đến Đà Nẵng”, ông Dũng trao đổi.

Công Khanh