Doanh nghiệp Đà Nẵng cần chuẩn bị gì cho TPP?

Thứ ba, 13/10/2015 07:53

(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Diễn- Phó Giám đốc Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng nói, có 3 điểm cần lưu ý về TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương): Đây là “sân chơi” ở cấp độ cao của 12 nước trong đó có những nền kinh tế lớn như Nhật, Mỹ, Australia...; khi vào TPP thì thuế suất hàng hóa xuất nhập khẩu là 0%; và, đặc biệt, qui tắc xuất xứ trong TPP rất quan trọng buộc các DN phải nắm vững.

Khi “miếng bánh” to hơn

Khi thuế suất 0% thì ngành da giày, may mặc, gỗ, nông sản có cơ hội nhiều nhất. Đơn cử, hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ chịu thuế suất 17%, khi thuế suất về 0%, các DN nhập khẩu của Mỹ sẽ chuyển sang nhập từ Việt Nam thay vì nhập chủ yếu từ Trung Quốc, Bangladet (không thuộc TPP) như trước. Rõ ràng “miếng bánh” xuất khẩu sẽ to lớn. Nhìn lại DN Đà Nẵng, giày da, may mặc, thủy sản vẫn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đem về doanh thu khoảng 140 triệu USD/năm. Nếu vào TPP rồi, cơ hội sẽ lớn hơn. Tuy vậy, phải nhìn vào “bản chất” của các mặt hàng xuất khẩu này. Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, ông Phan Hải nói, 80% nguyên liệu may mặc, giày da sản xuất ở Việt Nam phải nhập từ Trung Quốc, Đài Loan và 90% sản phẩm may mặc, giày da của Việt Nam xuất ra nước ngoài phải mang thương hiệu của nước khác. Tóm lại, DN xuất khẩu trong lĩnh vực chủ lực này của nước ta chủ yếu làm gia công, Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Cái được lớn nhất là giải quyết nhiều việc làm, về cơ bản “miếng bánh” xuất khẩu lớn hơn, nhưng phần hưởng lợi của DN Việt trong đó không nhiều.

Vấn đề đặt ra, các nước phát triển trong TPP tìm thấy lợi ích gì khi Việt Nam trở thành thành viên. Ông Nguyễn Diễn nói, Việt Nam là nước kém phát triển nhất trong 12 thành viên TPP. Mỹ cần một nước có lợi thế bổ sung cho mình, một nơi để “di chuyển” làn sóng đầu tư, có nhân công giá rẻ. Mặt khác, Mỹ cần một thị trường ở đó có nhu cầu các sản phẩm của Mỹ mà thị trường đó không tự sản xuất được. Việt Nam đáp ứng được 2 tiêu chí đó.

Vậy điều gì sẽ xảy ra? Một qui tắc rất quan trọng trong TPP là qui tắc xuất xứ. Để xuất 1 chiếc áo Made in Việt Nam sang Mỹ, Nhật, Hàn... nói chung trong nội khối TPP có thuế suất 0%, buộc nguyên liệu thấp nhất từ sợi vải, phải được sản xuất tại Việt Nam. Rõ ràng, điều này tạo cơ hội rất lớn để nền sản xuất của Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc nguyên liệu vào Trung Quốc, Đài Loan. Mặt khác, điều này thúc đẩy nền công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển, tiến tới có thể tự chủ nguyên liệu.

Tuy nhiên, nền công nghiệp phụ trợ của nước ta hiện còn mỏng, yếu. Điều dễ nhận thấy nhất là làn sóng đầu tư FDI mới vào công nghiệp phụ trợ sẽ đổ vào Việt Nam khi TPP có hiệu lực. Ông Diễn nói, trong 9 tháng đầu năm 2015, số vốn DN FDI đổ vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu dệt may đã bằng 10 năm trở lại đây cộng lại. Cũng từ làn sóng FDI này, ông Phan Hải nói rằng, DN Việt cần nhanh chóng tìm cho mình một phân khúc trong chuỗi giá trị toàn cầu, dù là một khâu rất nhỏ để từ bỏ dần phương thức gia công. Ông Nguyễn Diễn thì cho biết, ở Nhật có nhiều Cty qui mô nhỏ nhưng chuyên sâu về công nghiệp phụ trợ có khi chỉ sản xuất một ốc vít, 1 dây roang, 1 thanh ram... Thế hệ những người Nhật này đã già, con cái họ không muốn làm theo và họ rất muốn chuyển giao cho DN Việt Nam. Mặt khác, chính sách của Việt Nam đang đặc biệt ưu tiên cho công nghiệp phụ trợ, vì thế hơn lúc nào, các DN cần tiếp cận, nắm cơ hội, tìm đường đi riêng cho mình.

Tham gia TPP với thuế suất 0%, cơ hội lớn cho hàng may mặc, da giày Việt Nam
vào Mỹ, Nhật, Hàn...

Phải biết lăn vào… lửa

TPP là cơ hội và thách thức, khoảng 2 năm nữa nó sẽ có hiệu lực, việc chuẩn bị của DN từ bây giờ là phù hợp. Ông Nguyễn Diễn nói, quan trọng là DN phải lăn vào... lửa để biết ngành mình đang làm sẽ bị tác động thế nào để mở rộng đầu tư hay thu hẹp, hay chuyển hướng. “Đừng lo vào TPP thịt gà Mỹ giá rẻ tràn vào, nghề nuôi gà hết cửa. Nếu trình độ nuôi gà công nghiệp ở mình không hiện đại bằng Mỹ, Australia thì chuyển sang nuôi gà đi bộ. Đồi, ruộng mình rộng hơn, mình ở gần thị trường hơn, làm sao họ cạnh tranh nổi” – ông Diễn nói. Cũng theo ông Diễn, trước đây mình nhập hàng Trung Quốc bán, bây giờ mình nhập hàng Mỹ, Nhật, Hàn Quốc chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn (vì thuế suất 0%) thì cũng mở ra cho DN mình cơ hội kinh doanh. Cái chính vẫn là xem chỗ nào mình nhắm làm ăn được, có lợi thế và chuẩn bị kỹ ngay từ bây giờ.

Theo phân tích, cơ hội TPP mang lại cho các DN ở Đà Nẵng sẽ lớn hơn nhiều địa phương miền Trung. Ông Phan Hải nói, thực chất TPP thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu mạnh mẽ tạo cơ hội rất lớn để Đà Nẵng phát triển logistic, vì Đà Nẵng là đầu mối nhập, xuất khẩu của cả khu vực miền Trung. Tương tự thế là các ngành dịch vụ, từ du lịch, viễn thông, bất động sản, y tế... Một khi làn sóng FDI mới tràn vào, nền công nghiệp phụ trợ phát triển, nhu cầu từ các ngành dịch vụ trên trở lên bức thiết.

Ông Lữ Bằng- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, TPP có tác động lớn với các DN sản xuất và xuất nhập khẩu. Vì thế, Sở cũng có kế hoạch tập huấn chuyên sâu cho các DN để chủ động tránh bị tổn thương đồng thời có các bước thích nghi phù hợp. Còn theo Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, đầu tháng 11-2015, Hội sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về TPP để trang bị cho các DN có chiến lược hoạch định phù hợp.

Hải Hậu