Doanh nghiệp và người dân rất cần cải cách
Cải cách thủ tục hành chính phải “làm liên tục, làm cương quyết” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ với báo giới nhân dịp năm mới 2019 về chặng đường 3 năm làm cải cách, đối mặt, đương đầu với lợi ích nhóm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, khảo sát thực tế hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cảng Hải Phòng. |
Cải cách phải thực chất, làm quyết liệt
P.V: Sát cánh cùng Thủ tướng trong rất nhiều hoạt động, có khi nào Bộ trưởng cảm thấy quá tải và áp lực?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tôi cho là được làm việc là quý lắm rồi. Bảo không áp lực, không vất vả là nói dối, thực sự rất áp lực. Trước hết tôi cho là phải tận tụy, trung thành. Cả Văn phòng Chính phủ đều được quán triệt tư tưởng này, phải cởi mở, chịu học, chịu lắng nghe, quyết tâm thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng, đó là Chính phủ phục vụ, chuyển từ quản lý hành chính sang phục vụ, chủ động tất cả công việc.
Không riêng tôi mà tất cả các Bộ trưởng đều phải chịu áp lực như vậy. Với sự chỉ đạo quyết tâm, đầy nhiệt huyết, sự lăn lộn, quyết liệt của Thủ tướng, không thể nào các bộ trưởng, tư lệnh ngành đứng ngoài cuộc được.
Áp lực vì đòi hỏi về điều kiện, năng lực chuyên môn, về bản lĩnh, trí tuệ phải cao hơn, đòi hỏi nhiều hơn, tốt hơn mới đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng. Cho nên dù vất vả, mình phải gồng lên, cố lên, lăn vào. Yêu cầu của Thủ tướng quyết liệt như thế, Văn phòng Chính phủ phải cải cách, luôn hướng tới hiện đại và chuyên nghiệp. Một văn bản được ban hành phải đọc được và thực hiện được. Một văn bản đề xuất rất nhiều vấn đề, tham mưu phải xác định đúng thẩm quyền, xử lý đúng luật định, làm rõ các nội dung được xin ý kiến.
P.V: Vậy ông có thấy nản, khi những rào cản cải cách tầng tầng, lớp lớp?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Không! Tôi cho là không nản, vì xã hội, doanh nghiệp, người dân cần lắm. Nhưng tôi cho rằng làm là khó. Vừa rồi, chúng ta đã làm rất quyết liệt, đã cắt giảm 6.776/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, vượt 36,5% chỉ tiêu Nghị quyết 19 đề ra, tiết kiệm hơn 11,6 triệu ngày công, tương đương khoảng hơn 5.407 tỷ đồng. Cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm trên 5,9 triệu ngày công/năm, tương đương 889,5 tỷ đồng/năm. Như vậy, cộng hai khoản lại, chúng ta đã tiết kiệm hơn 6.300 tỷ đồng.
Doanh nghiệp và người dân rất cần cải cách. Có trường hợp, tai nạn giao thông mà khai tử không được. Có trường hợp mất 4 năm rồi mà không nhận được mai táng phí. Phải cải cách vì yêu cầu của doanh nghiệp, người dân rất cần, nhưng cải cách bây giờ phải đi vào thực chất...
Đương đầu với lợi ích nhóm
P.V: Bộ trưởng từng nói, cán bộ làm cải cách phải dám đối mặt, đương đầu với lợi ích nhóm. Vậy Bộ trưởng đã phải đối mặt với vấn đề này chưa?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Có chứ! Cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh, chính là đối mặt với lợi ích nhóm. Họp Chính phủ, tôi trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là phí đương nhiên phải thu, vì đầu tư thông qua cơ chế chính sách, phải thu phí lại để hoàn vốn. Nhưng lệ phí phải xem xét điều chỉnh, cần thiết phải bãi bỏ. Quan trọng nhất, nếu doanh nghiệp, người dân ủng hộ là phải làm, không khác được. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng mạnh mẽ như thế mà mình không làm là mình có tội, thấy những việc chướng tai, gai mắt mà cứ lờ đi là không được. Tổ Công tác là cơ quan tham mưu, cơ quan phát hiện để ngăn ngừa.
P.V: Vậy Bộ trưởng muốn xây dựng cho mình tác phong thế nào?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tổ Công tác của chúng tôi phải dựa vào tất cả các thành viên, cả các chuyên gia. Chúng tôi đồng tâm tất cả mọi việc. Hơn nữa, mình phải cố gắng khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng yêu cầu, cải cách phải thực chất, để thấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Tôi quan niệm, cải cách như thế nào đi nữa, quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu chúng ta không thay đổi tư tưởng, cách làm, vẫn bảo thủ, sẽ rất khó, nhưng nếu để họ tự giác sẽ không bao giờ có. Trực tiếp tham gia giúp cho Thủ tướng về cải cách, chúng tôi phải gương mẫu.
P.V: Theo quy định của T.Ư, không để người thân, vợ, con sống xa hoa, lãng phí. Quy định này có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay, nhất là trong thời điểm Trung ương đang quy hoạch cán bộ vào Ban Chấp hành T.Ư khóa mới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Quy định này rất đúng. Xa hoa lãng phí là không tiết kiệm, phô trương, lợi dụng. Chính phủ nhiệm kỳ này ban hành nhiều chương trình hành động để thực hiện các Nghị quyết T.Ư, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XI, XII, chống các tư tưởng thoái hóa, biến chất. Trong vấn đề chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức của cả hệ thống chính trị, quy định nêu gương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Nhiệm kỳ này ban hành rất nhiều quy định của Đảng, tính rất dài hơi. Quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ này làm bài bản hơn, rõ nét hơn, minh bạch hơn, đặc biệt là việc nghiêm cấm chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch được thực hiện rất nghiêm. Quy định nêu gương trong thời điểm quy hoạch cấp chiến lược rất quan trọng vì nó tạo ra sự tự giác và sự giám sát của người dân.
CHU THANH VÂN – TTXVN
(thực hiện)
P.V: Vừa rồi, Trung ương ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo Bộ trưởng, một Chính phủ nêu gương cần phải làm gì? Bộ trưởng sẽ thực hiện quy định này như thế nào? Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tôi cho là trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương rất quan trọng, nó mang tính giáo dục, tính tự giác. Nêu gương mang tính tự giác, mỗi người phải tự soi xét mình. Đây là điều rất quan trọng. Vị trí càng cao, tính nêu gương càng phải tốt hơn, sáng hơn, tự giác hơn. Với trách nhiệm của Chính phủ, thành viên Chính phủ, tôi cho là đầu tiên phải làm theo chức trách được giao và phải làm tốt, phải rèn luyện bản thân. Việc gì được giao phải làm đàng hoàng, làm tốt để cùng nhau xây dựng một tập thể Chính phủ tốt. Ví dụ, tham mưu ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg 2018 (về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm), tất cả những gì liên quan đến chỉ đạo phải gương mẫu, không đi xe công vào chùa chiền, miếu mạo là không được đi. Nếu mình không gương mẫu, báo chí, người dân sẽ phản ánh. Mỗi người dân là một phóng viên báo chí, đi đâu cũng có người dân giám sát. Nhưng ở đây, nếu co mình lại, không dám làm gì, cũng không được. Yêu cầu là phải quyết liệt, phải hành động, cơ quan tham mưu phải dám đề xuất hành động, dám chịu trách nhiệm. Rất nhiều trường hợp, tôi phải báo cáo Thủ tướng, nếu sai tôi chịu trách nhiệm. Có những việc Thủ tướng băn khoăn, yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho ý kiến, tôi phải có báo cáo riêng. Cách làm của Thủ tướng chặt chẽ, cái gì là cá nhân, cái gì là tập thể, Thủ tướng nêu đích danh luôn, tôi cũng phải ký mang tư cách cá nhân Bộ trưởng để Thủ tướng quyết định trên cơ sở pháp luật. |