Doanh nhân Đà Nẵng thời Covid-19
Đầu năm 2020, khi cộng đồng doanh nghiệp đang phấn chấn vì những thành tựu của năm cũ và đề ra những kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, chiến lược phát triển cho năm mới đầy hứa hẹn thì cơn bão Covid-19 quét qua. Dù đất nước đã dành chiến thắng trong giai đoạn đầu chống dịch nhưng cách ly xã hội, tạm ngưng sản xuất kinh doanh đã khiến nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực. Để tồn tại, họ phải cắt giảm nhân sự, chi phí, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, từng bước phục hồi, dựa nhau mà sống.
Tưởng rằng cơn bão đã qua, với sự quan tâm của Chính phủ, các cấp chính quyền, làn sóng hồi phục bắt đầu rục rịch thì cú “đánh úp” của con virus vô hình quái ác vào Đà Nẵng khiến mọi toan tính, dự định bị “phong tỏa” như chính những bệnh viện, những khu phố có người nhiễm dịch. “Cú sốc” liên hoàn này khiến người Đà Nẵng liên tưởng đến hai cơn bão Chanchu, Xangsane nối tiếp nhau đổ bộ lên mảnh đất quê hương mình vào 14 năm về trước. Một lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020” như là cú đề pa để doanh nghiệp du lịch tái khởi động sau nhiều tháng ngủ đông bị phá sản vào phút chót; bao nhiêu dự án quy mô đang chạy trơn tru bù tiến độ bỗng dưng khựng lại; bao nhiêu hợp đồng kinh tế trăm tỷ bị “cách ly”; lĩnh vực đầu tư xây dựng, giao thông, bất động sản đang trên đà hâm nóng để vớt vát cho một năm khó khăn đứng khựng vì giãn cách. Sức khỏe, con người vẫn là trên hết!
Với các doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn, chi phí cao, người lao động nhiều, hẳn những người đứng đầu đã thêm một phen mất thăng bằng cho dù họ đã bao lần lên bờ xuống ruộng trên thương trường. Điều này chẳng phải nói ra thì ai cũng biết; và tâm trạng lo lắng, áp lực, rối bời của doanh nhân là điều khó tránh khỏi. Trước mặt họ là dịch bệnh, sau lưng họ là hàng trăm, hàng nghìn con người, bao nhiêu cuộc sống, bao nhiêu số phận.
Nhưng lo lắng, rối bời liệu có được gì? Như những người không may bị dương tính, người ta còn khổ hơn, sợ hãi hơn, nhưng không còn cách nào khác là sớm bình tĩnh đối mặt, điều trị và cùng cộng đồng vượt qua đại dịch. Thay cho cảm giác âu lo, nhiều doanh nhân đã ứng phó với dịch bằng những hành động chia sẻ.
Từ một ông chủ khu du lịch sinh thái rảnh tay vì doanh nghiệp của mình ngưng hoạt động, gần một tuần qua, anh Diện bị cuốn vào lịch mua sắm, vận chuyển hàng hỗ trợ tới bệnh viện cách ly, các khu phố, làng quê bị phong tỏa. Ban đầu anh quyết định trích 200 triệu đồng từ quỹ an sinh xã hội của Cty để đồng hành cùng cuộc chiến chống dịch kèm lời kêu gọi tới bạn bè, người quen, đồng nghiệp. Thấy anh nói xong làm luôn, các mạnh thường quân lập tức hưởng ứng gửi tiền, gửi hàng liên tục để mong tấm lòng của mình sớm đến tay người cần, chủ động trong thời gian vàng dập dịch. Chỉ sau chưa tới một tuần lễ, tài khoản lập riêng cho chiến dịch từ thiện này đã vượt con số 3 tỷ đồng. “Của cá nhân tôi không bao nhiêu, và cũng chỉ là một kênh vận động theo kiểu hữu hảo thôi, nhưng mình có kế hoạch nhanh chóng, hiệu quả nên anh em, bạn bè đồng hành. Nhiều người gửi tiền không nêu danh tính nữa. Dù doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh nhưng lao vào việc này mình học thêm được nhiều điều bổ ích trong quản trị, điều phối nguồn lực. Đặc biệt là tâm mình rất an”, anh Diện chia sẻ.
Tùy vào quy mô, tiềm lực của bản thân và doanh nghiệp, người ta thấy những doanh nhân như Phạm Thanh, Trần Quốc Bảo, nhiều ông chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa bỏ tiền ra, xắn tay áo đi mua hàng hóa, vật dụng thiết yếu gửi vào tâm dịch. Nhiều doanh nhân khắp cả nước cũng hướng về Đà Nẵng bằng lừng lô hàng khẩu trang, áo bảo hộ, dung dịch sát khuẩn, lương thực thực phẩm, nước uống và cả tiền mặt để tiếp sức cùng chính quyền, người dân bên bờ sông Hàn kèm lời nhắn: “Đà Nẵng còn nợ chúng tôi một chuyến du lịch”, “Mong Đà Nẵng sớm bình yên để đón chúng tôi vào chơi”, hay đơn giản chỉ là “Cố lên, Đà Nẵng nhất định chiến thắng dịch”...
Trong những lúc này, các tập đoàn lớn tầm cỡ như VinGroup, SunGroup... cũng đã không đứng ngoài cuộc mà nhanh chóng thực hiện những cam kết xã hội vốn của mình. Họ tặng máy thở, thu dung cách ly điều trị cho bệnh nhân, tài trợ xây dựng bệnh viện dã chiến quy mô, dù bản thân vẫn đang trải qua vô vàn khó khăn vì dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn âm thầm đến UBMTTQ thành phố Đà Nẵng để đóng góp nguồn lực hoặc tự mình tìm đến những con người, những gia đình, những khu phố cụ thể để tặng quà, tiếp thêm động lực cho người dân trong “cuộc chiến” được dự báo là không phải ngày một ngày hai.
Doanh nhân thời Covid-19, phía sau vai trò của những chiến sĩ trên mặt trận phát triển KT-XH, hơn lúc nào hết, họ đang thể hiện trách nhiệm rõ ràng với cộng đồng. Suy cho cùng, cộng đồng có an toàn, người dân có khỏe mạnh, đất nước có bình yên thì doanh nghiệp mới yên tâm sản xuất kinh doanh và phát triển được. Và khi tích lũy được giá trị đối với cộng đồng, chia sẻ những gì mình có, để tâm mình an hơn thì chắc chắn họ sẽ lãi nhiều hơn khi khó khăn qua đi.
CÔNG KHANH