Đọc Chó hoang của Nhà văn Bùi Tự Lực
(Cadn.com.vn) - Trong những ngày đất trời còn nồng ấm hơi xuân này, văn học Đà Nẵng đón thêm một tin vui: Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi cả nước tập tiểu thuyết Chó hoang của Nhà văn Bùi Tự Lực. Tập truyện gồm 14 chương, dày 158 trang, khổ 13X19 cm, được in trên giấy tốt, bìa sách và minh họa trình bày đẹp, ấn tượng. Có thể nói, đây một thành công mới của nhà văn Bùi Tự Lực, tiếp theo tập truyện vừa Nội tôi đã được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải B trong cuộc vận động sáng tác truyện, tranh truyện thiếu nhi 1999-2000 và được in đến lần thứ 7...
![]() |
Nhân vật chính trong Chó hoang là con Vằn, thuộc một giống chó quý, một "hoa khôi" sống lẩn quất tại một bãi cỏ hoang ở một khu dân cư mới. Chính ở cái bãi cỏ hoang ấy, con Vằn đã sống kiếp nạn của một con chó hoang, cả hai lần sinh nở của nó đều được vợ chồng ông giáo già lo lắng, thương yêu, che chở và thuần hóa. Song khác hẳn với bản năng của loài chó, con Vằn đã tỏ rõ thái độ xa lánh con người. Mặc dù rất biết ơn ông bà giáo, rất hiểu sự thương yêu họ đã dành cho nó, nhưng cả sau khi ra đòn sát thủ, bằng một tuyệt chiêu "con Vằn co cong người như cánh cung, rút bốn chân chụm lại, dồn công lực bằng một cú giẫy đạp phá bung ra cực mạnh", cắt đứt đầu của con rắn độc cứu ông giáo già, thì nó vẫn không ở lại với vợ chồng ông giáo để được sống trong thương yêu bên cạnh những đứa con nhỏ của mình mà vợ chồng ông giáo đang nuôi nấng: "Con Vằn bật dậy xé vòng người lao vọt ra bãi cỏ. Ông giáo chạy đuổi theo nhưng con Vằn đã mất bóng"... Tại sao con Vằn lại có những hành xử khác lạ như vậy? Đọc suốt cả 10 chương đầu tập truyện, người đọc vẫn chưa thể biết vì đâu con Vằn lại xa lánh con người, chỉ đến chương 11, khi một cô gái xuất hiện cùng ông giáo xác định Vằn chính là My, từng là một con chó nhà, được sống yên ấm trong gia đình của một ông tiến sĩ và là bạn của cu Phước, con trai của vợ chồng vị tiến sĩ ấy. Thế nhưng, một tai nạn, hay nói đúng hơn là một tai họa, đã đến với My: một lần cu Phước muốn chạy qua đường, My đã níu cu cậu lại, vô tình làm cu Phước té, mặt bị trầy xước, mũi chảy máu. Ông tiến sĩ vì thương con, cầm chiếc bơm xe đạp đánh My túi bụi, và khi ngỡ My đã chết, ông đã đem xác My quẳng vào một bãi rác. Nhưng, nhờ hơi đất, hơi gió, My đã tỉnh dậy, từ đó đi hoang và xa lánh con người... Những bước chân của My- tức con Vằn của ông bà giáo-chạy vù ra bãi cỏ hoang như gõ vào nội tâm của chúng ta về sự vô cảm, kêu gọi tình thương của con người trước muôn loài...
![]() |
Ngày còn bé, tôi có đọc truyện Chó mèo hoang trong tập truyện ngắn Phấn thông vàng của Nhà thơ Xuân Diệu. Nhân vật Sơn trong truyện đã có những nhận xét tinh tế về tính cách của loài mèo, đại ý, rằng mèo hoang chấp nhận cuộc sống hoang dã nhẹ nhàng hơn chó hoang, bởi loài chó thích gần gũi với con người và trung thành với chủ hơn những con vật nuôi khác. "Bọn chó hoang mới thực khổ. Bọn nó trung thành quá nên cứ luẩn quẩn chung quanh người". Bằng sự chịu khó quan sát trong nhiều năm về những chú chó hoang, trong từng chương sách của mình, Bùi Tự Lực đã có những nét khắc tinh tế về tính cách của con Vằn, vừa yêu thương con người lại vừa sợ con người, vừa muốn quấn quýt bên con người, lại vừa phải trốn chạy con người, bởi vì: "Dù con Vằn nhận biết rằng, ông bà giáo là những người có nhiều tình cảm yêu thương, từng chăm lo cưu mang mẹ con nó như người chủ. Nhưng dù sao nó vẫn sợ thế giới loài người. Vẫy nó không đến. Níu kéo nó buông tay. Mở lòng bao dung nó hoài nghi soi xét... Đôi bờ ngăn cách giữa con Vằn với người còn khá xa". Giá như con Vằn được sống trong một thế giới yêu thương hơn, không bị ông tiến sĩ nọ đánh trối sống trối chết, thì chắc chắn Vằn không phải sống đời chó hoang, không phải cứu người, báo ân rồi lại chạy trốn... con người. Đó chính là lời gửi gắm sâu sắc nhất của tác giả đến với độc giả nhỏ tuổi. Hãy yêu thương con người, yêu thương loài vật, bởi khi sống có tình yêu thương chúng ta mới hạnh phúc.
Chó hoang là tác phẩm văn học thứ 9 của nhà văn Bùi Tự Lực. Hiện nay Nhà xuất bản Đà Nẵng cũng sắp in ấn và phát hành một lúc hai tác phẩm mới của anh: Nơi những phận đời hao khuyết, bút ký, viết về những con người mắc chứng tâm thần, và Tuyển thơ Bùi Tự Lực. Bút lực của Bùi Tự Lực đang dồi dào. Danh mục tác phẩm văn học của anh chắc chắn sẽ không dừng ở con số hiện có.
Bùi Xuân