Độc đáo di tích Chăm Quá Giáng

Thứ sáu, 05/09/2014 09:40

(Cadn.com.vn) - Ngày 4-9, Bảo tàng Điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng đã có buổi báo cáo kết quả khai quật di tích Chăm ở thôn Quá Giáng 2 (xã Hòa Phước, H. Hòa Vang). Nhiều điều thú vị về tháp Chăm nghìn năm đã được phát hiện qua lần khai quật này.

Di tích Chăm ở thôn Quá Giáng được khai quật.

Hơn 100 năm trước, học giả người Pháp là Parmemlier đã phát hiện sự tồn tại của di tích Chăm tại Quá Giáng khi ông thống kê và khảo tả các di tích Chăm ở Trung kỳ. Đến sau năm 1975 Bảo tàng Quảng Nam – Đà Nẵng cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát và đã đưa về bảo tàng 33 đầu tượng, 9 chóp tháp góc, một bệ sa thạch, 3 tượng thần phương hướng ngồi trên các vật cưỡi và tượng rắn naga. Vì lẽ đó nhiều người lo ngại việc khai quật lần này sẽ không mang lại nhiều kết quả. Tuy nhiên kết quả lại gợi mở nhiều điều thú vị về di tích Chăm này.

Ông Nguyễn Chiều – Giảng viên Trường Đại học KHXH và NV Hà Nội, người trực tiếp khai quật di tích Chăm tại thôn Quá Giáng 2 cho biết, sau 2 tháng khai quật đã thu về được 161 hiện vật và mảnh hiện vật, trong đó có 48 hiện vật đất nung, 25 hiện vật đá, 48 mảnh ngói và 40 mảnh gốm. Trong số đó có những hiện vật đáng kể  là 21 hiện vật bằng đá sa thạch, với 1 bậc tam cấp, tượng đầu thần Siva, 2 đầu tượng người cầu nguyện, đế bệ thờ có kích thước lớn... Ngoài ra, có 29 viên và mảnh gạch có điêu khắc trang trí, nhiều mảnh gốm có nguồn gốc và niên đại khác nhau.

Bậc tam cấp bằng đá nguyên khối lớn nhất của nghệ thuật điêu khắc Chăm
được tìm thấy tại Quá Giáng.

Do di tích Chăm tại thôn Quá Giáng 2 phần lớn đều nằm dưới nhà ở của dân, nên công tác khai quật gặp nhiều khó khăn. Đoàn đã mở 4 hố khai quật với tổng diện tích là 179 m2. Ông Chiều nói: “Có thể nhận thấy, tại thôn Quá Giáng 2 từng tồn tại một cụm tháp Chăm lớn, có quan hệ gần gũi với các di tích Chăm khác như Phong Lệ hay Cấm Mít, điều này được chứng minh qua những móng tháp mà chúng tôi khai quật được. Chúng tôi phát hiện một bậc tam cấp bằng đá nguyên khối có kích thước lớn, với hai bên bậc cấp được trang trí hình thủy quái Makara. Đây là bậc tam cấp bằng đá nguyên khối lớn nhất và duy nhất được biết đến từ trước tới nay trong nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa.

Đặc biệt, chúng tôi còn phát hiện hiện tượng tái sử dụng gạch điêu khắc trang trí của công trình kiến trúc đã bị đổ vỡ để xây dựng lại ở di tích Chăm Quá Giáng. Đây là một hiện tượng độc đáo gợi mở tư duy nghiên cứu về niên đại và phong cách nghệ thuật của di tích này. Ngoài ra chúng tôi còn phát hiện một lưỡi thuổng bằng sắt, không rõ có phải do người Chăm chế tạo không. Gạch lát có hoa văn in nổi, khác xa với những gạch Chăm từng được tìm thấy. Rồi một bình gốm lạ, mà có ý kiến nói là gốm sứ Trung Quốc đời Tống – Nguyên. Những điều đó là hiện tượng đáng lưu ý, cần tiếp tục nghiên cứu ở di tích Chăm ở thôn Quá Giáng 2”.

Người Chăm xưa đã tái sử dụng điêu khắc trang trí để xây dựng di tích Chăm
ở thôn Quá Giáng 2.

Với những phát hiện các tượng thần Isana (Đấng tự tại), thần sấm sét (Indra), thần lửa (Agni), phải chăng di tích Quá Giáng đã từng tồn tại một tổ hợp đền thờ các vị thần phương hướng (Dikpalakas) giống với nhóm tháp A tại di tích Mỹ Sơn? Không những thế, với số lượng hiện vật đầu tượng thu được tại đây, các hiện vật nguyên khối có kích thước lớn đã đặt ra dấu hỏi lớn về quy mô, vị trí của di tích Chăm Quá Giáng trong sự tồn tại và phát triển của các di tích Chăm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Những câu hỏi trên vẫn chưa có lời giải trong cuộc khai quật này, bởi do bó hẹp không gian khai quật và cả kinh phí nên chưa thể có cái nhìn tổng thể về cụm di tích Chăm tại thôn Quá Giáng 2. “Được biết, sắp đến con đường vành đai của thành phố Đà Nẵng sẽ đi qua khu vực thôn Quá Giáng 2, nếu không nhanh chóng có phương án tối ưu để tiếp tục khai quật, nghiên cứu thì có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của di tích Chăm tại đây”, ông Chiều lo lắng. Về vấn đề này, ông Trần Quang Thanh, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố cho biết sẽ tiếp tục có phương án nghiên cứu, sưu tầm, khai quật không chỉ di tích Chăm ở Quá Giáng mà nhiều di tích Chăm khác. Qua đó phát huy và giữ gìn những giá trị văn hóa, kiến trúc Chăm trên địa bàn thành phố.

Sau các cuộc khai quật di tích Chăm Phong Lệ, Cấm Mít và nay là Quá Giáng, thành phố Đà Nẵng đã thu thập được hơn 700 hiện vật Chăm các loại. Và sắp đến, cùng với các gian trưng bày khác như Trà Kiệu, Đồng Dương, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng sẽ mở gian trưng bày hiện vật di tích Chăm Đà Nẵng để phục vụ du khách. Thế mới biết, di tích và hiện vật Chăm ở Đà Nẵng chẳng kém so với các địa phương khác, chỉ có điều ta ứng xử, gìn giữ và phát huy nó ra sao?

Hoàng Anh