Độc đáo di tích lăng Ông ở làng Nam Ô

Thứ bảy, 24/09/2016 10:46

(Cadn.com.vn) - Trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của ngư dân làng Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) thì tục thờ cá Ông (còn gọi là cá voi) đã ăn sâu vào tâm thức qua nhiều thế hệ. Minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất đó là việc cư dân của làng đã xây dựng di tích lăng Ông và xem đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Toàn cảnh lăng Ông ở làng Nam Ô, nơi đang lưu giữ gần 60 bộ cốt cá Ông lụy vào bờ.

Làng di tích

Ông Trần Ngọc Vinh, một lão ngư của làng Nam Ô cho biết: là một làng chài thuộc P.Hòa Hiệp Nam, nằm cạnh Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam, cách trung tâm thành phố hơn 10 km về phía Tây Bắc, làng Nam Ô hình thành song song với quá trình Nam tiến của nước Đại Việt. "Tên gọi Nam Ô chính là cửa ô phía Nam của Đại Việt thời ấy, vì vậy Nam Ô có giá trị lịch sử của quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là một tên làng. Nơi đây chứa đựng một đời sống tinh thần và tâm linh khá phong phú. Đó là hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh có giá trị. Trong khu vực này có các di tích mà dân làng Nam Ô đang giữ gìn như Dinh Âm hồn, Lăng Cá Ông, Miếu Bà Liễu Hạnh"..., ông Vinh nói. Ông Vinh cho rằng, đến với Nam Ô là đến với lễ hội. Những lễ hội ở Nam Ô là biểu hiện phong phú mang tính đặc trưng văn hóa tín ngưỡng ngành nghề rất rõ nét. Ngoài chuyện tế đình làng Kỳ Yên - xóm trong thuận đường buôn bán thì còn có Lễ vía Bà Phường Buôn 24 tháng Giêng - cầu mua may bán đắt. Xóm ngoài chuyên nghề sông nước thì vía Bà Dòng - lạch 20 tháng Hai, cầu bình yên trong giờ phong ba võ lộng. Khi trước nghề pháo truyền thống còn thịnh đạt, đến ngày giỗ Tổ cũng lễ hội linh đình, nay chỉ còn là một hoài niệm...

Đặc biệt phải kể đến hai lễ hội lớn, có lịch sử hàng trăm năm qua, đó là lễ tế cô hồn và lễ hội cầu ngư. Ông Vinh cho biết, theo các cụ cao niên kể lại thì trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô, Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều nên triều đình vua Tự Đức sau đó đã có sắc dụ cho dân các xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Vua Thành Thái khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô 1885. Miếu Âm Linh sau này dân làng mở rộng thờ thập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phương và các âm hồn xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng. Điều đó thể hiện tính nhân văn sâu sắc của di tích, phù hợp với tinh thần uống nước nhớ nguồn và tinh thần nhân đạo của dân tộc.

"Vốn là một địa phương theo nghề đánh bắt cá biển lâu đời, nên Lễ cầu ngư được ngư dân xem trọng và tổ chức khá quy mô. Lễ được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng Hai âm lịch. Đó là ngày mà tất cả các phương tiện ra khơi đã được sửa chữa tu bổ, chuẩn bị sẵn sàng xuất bến", ông Vinh cho biết. Lễ hội cầu ngư được tổ chức tại lăng Ông thuộc làng Nam Ô. Đây là lăng thờ cá voi được xem là cổ nhất dọc ven biển từ đèo Hải Vân đến Nam Bộ còn giữ được những dấu ấn xưa. Lăng tọa lạc trên một khoảnh đất rộng, giữa làng, sát bờ biển. Theo hàng chữ lưu ký trên đòn tay ở chánh điện thì lăng được xây dựng quy mô từ thời Tự Đức nguyên niên (1848). Được ban biển sắc "Long ngự chính trung" trước tiền đình. Ở đây còn thờ một bài vị cổ ghi danh hiệu "Nam Hải cư tộc đại tướng quân chi thần" mà theo các cụ có từ thời Gia Long lên ngôi (?). Và Lễ cầu ngư có từ thời ấy.

Theo truyền thống, lễ cầu ngư nhằm cầu mong được mùa đắc biển, còn là dịp để mọi người vui chơi, thưởng thức các trò vui như bơi đua, đẩy sào, kéo dây, hát bội, hò bả trạo... và các trò chơi hội chợ trong dịp lễ, trước khi ra khơi chống chọi với sóng gió biển cả.

Ông Trần Ngọc Vinh và "cuốn gia phả" bằng chữ Nho của làng Nam Ô.

Lăng Ông "cầu cứu"!

Anh Phan Công Quang, một trong những truyền nhân của làng nghề nước mắm Nam Ô, cũng là người được tin tưởng giao trọng trách trông nom, quản lý lăng Ông dẫn chúng tôi đến tham quan lăng vào một ngày giữa tháng 9. Trong khuôn viên lăng, hiện vẫn còn một nấm mộ cá Ông được chôn cất khá cẩn thận, mà theo lời anh Quang thì ít lâu nữa, dân làng sẽ đưa cốt Ông vào thờ trong lăng. Quang kể, theo lệ thì dân chài ai phát hiện được cá Ông mắc cạn, tục gọi là "ông lụy" thì người đó có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Theo ông bà kể lại, người phát hiện ra cá Ông mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng và dưới triều nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.

Hàng năm dân làng chọn ngày "Ông lụy" làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông. Người địa phương có câu: "Thấy ông vào làng như vàng vào tủ" vì theo tín ngưỡng này, Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. "Một thời gian sau khi chôn thì dân làng phải cải táng, thường làm vào mùa xuân sang hè rồi đem cốt cho nhập lăng và tế chung. Đối với xương cá Ông to lớn thì dân làng sẽ chờ đủ 3 năm cho xương cốt rã ra rồi mới đem vào hòm để đưa về lăng thờ. Trong di tích lăng Ông ở Nam Ô hiện đang thờ cúng 58 cốt Ông. Vì thế, nơi đây được người dân tôn kính và trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa, tâm linh đặc biệt quan trọng, thậm chí mỗi khi dân chài ra khơi, họ thường đến thắp nhang vái Ông phù trợ", anh Quang cho biết.

Mặc dù là nơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của không chỉ người dân làng Nam Ô, mà có thể còn là của cư dân vùng biển Đà Nẵng, tuy nhiên, thực trạng xuống cấp trầm trọng của lăng Ông đã, đang khiến người dân nơi đây hết sức lo lắng, bất an. "Mặc dù nằm trong khu vực giải tỏa, di dời phục vụ dự án khu du lịch sinh thái nhưng xét thấy tầm quan trọng của lăng Ông, Miếu Âm linh nên địa phương đã quyết định giữ nguyên trạng, đồng thời có phương án di chuyển miếu bà Liễu Hạnh về khu vực này để xây dựng thành một quần thể di tích văn hóa, tâm linh của làng", ông Trần Ngọc Vinh cho biết. Theo ông Vinh, nguyện vọng, khát khao lớn nhất của người dân là Nhà nước có phương án đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo lại di tích có ý nghĩa đặc biệt này. "Về lâu dài, người dân mong muốn làm sao di tích lăng Ông được xếp hạng, để từ đó có điều kiện nhằm lưu giữ, duy trì và phát huy hơn nữa những giá trị mà di tích lăng Ông cũng như quần thể di tích trên địa bàn mang lại", ông Vinh mong  muốn.

D.Hùng