Độc đáo “Làng thương vợ”
(Cadn.com.vn) - Chúng tôi tìm về làng Công Lương, xã Thủy Vân, H. Phú Vang, TT-Huế, một ngôi làng nhỏ nằm ẩn mình sau những cánh đồng bạt ngàn, thẳng cánh cò bay, nơi mà từ cổ chí kim chuyện làm đồng đều do cánh mày râu đảm trách. Mọi người vẫn gọi đây là “làng thương vợ” vì phần lớn công việc nặng nhọc đều do người đàn ông đảm nhận chu tất, từ khâu làm đất, cày bừa, ủ giống, làm đồng...Ít ai biết rằng đồng lúa canh mơn mởn ở Thủy Vân chủ yếu do bàn tay những người đàn ông tạo nên.
Khi chúng tôi hỏi về những điều kỳ lạ ở “làng thương vợ” này, bà Hồ Thị Dỏ (66 tuổi) nói: “Ở làng này, người phụ nữ ngoài sinh con cái ra thì ít đụng vào bất cứ việc gì nặng nhọc trong gia đình. Từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên, chưa bao giờ chân lấm tay bùn”. Theo nhiều người trong làng, phụ nữ làng Công Lương ít khi ra đồng làm những công việc chân lấm tay bùn, không phải vì họ lười nhác không muốn phụ giúp chồng mà vì đàn ông trong làng rất thương yêu vợ, họ không muốn vợ mình phải làm những công việc đồng áng nặng nhọc. Từ khi khai sinh lập làng, đàn ông trong làng thường hay được các cụ cao niên kể về những khó khăn gian khổ người phụ nữ. Từ đó, khuyên dạy các con cháu trong làng phải thương yêu, giúp đỡ người vợ, người mẹ của mình.
Vào thời gian rảnh thì những người đàn ông lại phụ công việc bếp núc. |
Bà Nguyễn Thi Thái (53 tuổi) cho biết: “Tôi về làm dâu làng Công Lương cũng được hơn 30 năm rồi, trước ở nhà bố mẹ đẻ vừa học vừa làm nhưng từ khi cưới ít khi đụng chân đụng tay vào việc đồng áng, chỉ chăm lo cho con cái. Giúp chồng thì học thêm nghề may để có đồng ra đồng vô cho gia đình”. Phụ nữ làng Công Lương ngoài chuyện sinh con thì chỉ việc ở nhà lo cơm nước, chăn nuôi lợn gà, nuôi dạy con cái và làm những công việc nhẹ. Hỏi về những trai làng Công Lương thì hầu hết phụ nữ nơi đây đều có chung nhận xét, đó đều là những người chồng, người cha hết sức mẫu mực. Họ ít khi rượu chè, rất chăm chỉ làm ăn và đặc biệt là có truyền thống thương vợ. Không chỉ những việc đồng mà những lúc rảnh rỗi là giúp vợ giặt giũ, cùng vợ nấu ăn, chăm dạy con cái. Ai về làng Công Lương thường thấy trên cánh đồng những người đàn ông đang làm ruộng, hiếm lắm mới gặp được người phụ nữ. Đa số phụ nữ tìm những việc như may vá, đi chợ, buôn bán nhỏ giúp gia đình.
Anh Trương Viết Nhân (40 tuổi) tâm sự: “Phụ nữ họ mang nặng đẻ đau sinh con cho mình rồi, giờ ở nhà giúp mấy việc vặt, nuôi dạy con cái là tốt rồi. Mấy việc vặt này cánh đàn ông làm tí là xong mà”. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Hữu Chi, Trưởng làng Công Lương chia sẻ: “Từ xa xưa, mỗi khi hội làng các cụ cao niên lại giáo dục cho con cháu về những truyền thống tốt đẹp của làng, trong đó thương yêu vợ con, không được có hành vi bạo lực gia đình, điều đó là tối kị của làng. Còn tùy vào mỗi người, nhưng đa số là công việc đồng áng đều do người đàn ông đảm nhiệm, phụ nữ làm mấy việc nhẹ giúp chồng. Đây là nét truyền thống, là “thương hiệu” có cả trăm năm nay rồi, chẳng ai muốn thay đổi cả”.
Những thanh niên trong làng rảnh lại đi mò tôm, bắt ốc cho vợ đi chợ bán. |
Làng Công Lương có hơn 300 hộ. Từ trước đến nay các cặp vợ chồng trong làng đều sống với nhau hạnh phúc, hết mực yêu thương. Điều đặc biệt hơn nữa, từ khi thành lập làng đến nay chưa có đôi vợ chồng nào ly hôn. Nhìn cánh đồng mênh mông bát ngát, chúng tôi nghĩ chuyện cánh đàn ông làng Công Lương không cho vợ ra đồng có lẽ luôn khiến họ cảm thấy tự hào và hãnh diện với cái tên tự phong “làng thương vợ”.
Văn Cường