Độc đáo rước cộ trong lễ hội Bà Chợ Được

Thứ ba, 11/02/2014 10:46

(Cadn.com.vn) - Lễ hội Bà Chợ Được, xã Bình Triều, H. Thăng Bình, Quảng Nam được tổ chức từ ngày 9 đến 11-2-2014,  (mồng 10 đến mồng 12 tháng Giêng Tết Giáp Ngọ)  là một lễ hội chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Trong lễ hội này, rước Cộ là phần hội rất đặc sắc, không những người dân địa phương mà được cả nước biết đến...

Rước Cộ trong lễ hội Bà Chợ Được, Bình Triều, Thăng Bình, Quảng Nam.

Theo truyền thuyết, Bà  là người họ Nguyễn, húy là Của, vốn là con gái nhà khuê các, sinh năm Canh Thân triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 39 (năm 1800) tại phiếm (xứ) Ái Châu, làng Phường Chào (nên còn gọi là Bà Phường Chào), tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, nay thuộc thôn 10, xã Đại Cường,  Đại Lộc, Quảng Nam. Bà mất năm Đinh Sửu (1817).  Tự Đức thứ 5, năm Nhâm Tý (1852) Bà hiển linh tại làng Phước Ấm. Trước cảnh "sa thủy hữu tình", ý định của Bà muốn tụ tập, xây dựng nơi đây thành chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa. Bà hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp làm nghề bán nước, đổi trầu, mách bảo dân chúng lập chợ,  lúc đầu có tên là "Phước Ấm thị hà" (chợ Phước Ấm bên sông).

Không lâu sau, nơi đây mau chóng trở nên sầm uất, làm ăn phát đạt nên có tên gọi là Chợ Được.   Để tri ân công đức Bà, nhân dân lập miếu thờ (1857), ngày đêm hương khói và đệ đơn xin phong sắc. Ngày  1 tháng 3 năm Giáp Ngọ (1894), triều đình Huế ban sắc. Đời Thành Thái thứ 10, năm Mậu Tuất (1898) sắc phong "Tề Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần". Đời vua Khải Định cửu niên (1924) đã lệnh tặng cho Bà: "Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần". Bảo Đại năm thứ 2, Đinh Mẹo (1927) đã gia tặng "Tề Thục Dực Bảo Trang Huy Thượng Đẳng Thần".  Hằng năm,  dân chúng địa phương tổ chức lễ tế và "Khoe sắc" vào ngày 11 tháng giêng, để tỏ lòng tri ân công đức của người đã khai sinh Chợ Được,  các nghệ nhân đã đem hết tài nghệ của mình thể hiện trên những bàn Cộ với tâm thức là cầu mong mọi điều an lành cho một năm mới...

Lễ hội Bà Chợ Được năm nay diễn ra nhiều hoạt động vui chơi giải trí như: Giao lưu bóng đá, đua thuyền, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, thả hoa đăng tại bến sông Chợ Được... và đặc biệt là trình diễn Cộ tại trung tâm xã Bình Triều cũng như trung tâm UBND H. Thăng Bình. Rước cộ trong lễ hội Bà Chợ Được là một hình thức nghệ thuật thông qua các trò diễn xướng dân gian ẩn chứa các giá trị về tâm linh, văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc, tạo hình, sân khấu, luật tục, lễ nghi... Lễ có tính cộng đồng xã hội, là cầu nối tâm thức giữa con người với đấng thần thánh siêu nhiên, kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa làng xã. Hội rước Cộ năm nay thể hiện 4 sự kiện lịch sử trọng đại: Truyền thuyết Sơn Tinh, Thánh Gióng, nhân vật Quang Trung và trận đánh Điện Biên Phủ.

Từ nội dung, hình thức ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này, nếu như bỏ qua những yếu tố về nghi thức tín ngưỡng hàm chứa trong nội dung của nó mà dựa theo quan niệm dịch lý "tam tài" của nho gia "Thuận đạo trời, an đạo đất, hòa đạo người" chúng ta cảm nhận được ở đó tinh thần lạc quan, yêu nghề nghiệp, yêu cuộc sống và nguyện vọng của họ qua các tác phẩm nghệ thuật đặc hữu này. Cộ được rước quanh chợ rồi sau đó diễu hành theo những con đường chính của xã để bà con chiêm ngưỡng. Đám rước đi đến đâu, đám đông hàng ngàn người rùng rùng chuyển động đi đến đó hòa cùng tiếng trống múa lân ầm ầm náo nhiệt và ánh đuốc sáng rực. Bởi vì "mê Cộ" mà nhiều người ở cách xa hàng trăm cây số cùng rủ nhau tụ về Chợ Được trước đó vài ngày...

Theo ông Nguyến Tấn Vinh - Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: "Lễ hội Chợ Được luôn đem lại niềm tự hào rất sâu sắc cho người dân. Mong muốn thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân, đồng thời mong ước về một cuộc sống an lành, no đủ". Cũng theo ông Vinh, kinh phí năm nay tuy có hạn chế nhưng người dân vẫn chuẩn bị khá chu đáo để có một mùa lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp. Và việc tổ chức lễ hội Bà Chợ Được hằng năm sẽ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại.

Hồng Thanh-Tấn Việt