Đọc truyện ngắn trên Báo xuân

Thứ tư, 13/02/2019 08:17

Sau một năm bộn bề với biết bao công việc, lo toan, những ngày nghỉ Tết có lẽ là thời gian thuận lợi nhất để nhiều người lần giở những trang báo xuân, đọc vài truyện ngắn, hầu tìm thấy chút niềm vui, thi vị trong cái thú thưởng ngoạn văn chương. Bởi dù văn cũ hay mới, nhà văn xưa hay nay cũng đều gặp nhau ở một điểm trong văn học Tết là tâm thức hướng về cộng đồng, nguồn cội, chuyển tải những vấn đề văn học của quá khứ, đương đại vào cuộc sống hôm nay...

Khách tham quan gian trưng bày báo Xuân tại Hội báo Xuân Kỷ Hợi TP Đà Nẵng 2019.

Lướt qua một loạt trên các tờ báo Xuân Kỷ Hợi 2019  từ Trung ương đến địa phương, chúng ta "gặp" khá đông đảo các cây bút quen thuộc góp mặt với những truyện ngắn gắn liền cùng không gian, hương vị ngày Tết, với nhiều đề tài phong phú về tình yêu, quê hương, cuộc sống cùng những khát vọng hướng đến tương lai... Truyện ngắn Chồi non của Phan Thị Quế Mai (báo Tuổi Trẻ), là một trong những sáng tác khá ấn tượng, lấy bối cảnh của hai thành phố lớn là Melbourne và Sài Gòn, với những cảm xúc len lỏi vào những ngóc ngách của tâm hồn con người. Ở đó sự day dứt giữa quá khứ và hiện tại, sự cám dỗ của những điều mới lạ luôn rình rập bên bờ vực hạnh phúc. Và hạnh phúc thực sự chỉ ở lại với những ai biết trân trọng những gì mình đang nắm trong tay, dẫu đó chỉ là những điều bình thường, giản dị nhất. Truyện ngắn cũng gửi gắm một ước nguyện cháy bỏng của tác giả: được trở về sống và làm việc trên quê hương và nỗi nhớ thương một cái Tết đoàn tụ của người Việt.

Hành lang, truyện ngắn của Lê Minh Khuê (báo Thanh Niên) là câu chuyện xảy ra ở không gian bệnh viện vào những ngày cận Tết. "Căn phòng bệnh viện giá cao có hai giường. Anh ấy nằm đó. Người vợ vẫn đứng trân trân cuối chân giường". Người vợ  lẩm bẩm: "Lạy trời cho chồng con tỉnh lại. Con sẽ không để anh ấy phải một thân một mình khi ở cạnh con nữa. Ngày cuối năm này ai nỡ bỏ vợ mà đi?". Cuối cùng tình yêu và sự ăn năn như một phép mầu kỳ diệu của mùa xuân, đã trả lại sự sống cho người chồng, tỉnh dậy trong niềm hạnh phúc vô biên bên người vợ trẻ. Nguyễn Nhã Tiên có hai truyện ngắn tham gia trên các báo Tết là Tráng sĩ (Đất Quảng) và Dưới bóng cờ Tây Sơn (Người Lao Động), viết về chuyện mùa xuân Kỷ Dậu cách nay 230 năm,  đại quân vua Quang Trung tiến công thần tốc các đồn lũy Hà Hồi, Ngọc Hồi... mở ra chiến thắng vĩ đại Ngọc Hồi - Đống Đa vang danh trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Pizza chiều thứ 6 của Di Li (Thời báo Ngân hàng) viết về tình yêu mang phong cách hiện đại, hóm hỉnh, đúng chất thời công nghệ 4.0. Một số truyện ngắn khác mang đậm phong vị ngày Tết quê hương như Cố nhân của Cao Duy Sơn (báo Nhân dân); Mùi quê của Mẫn Nhi (báo Quảng Nam); Những chiếc lông công trên phố bụi mù của Trần Nhã Thụy (báo Người Lao động; Nghe mưa chờ Tết của Phan Trang Hy (tạp chí Non Nước); Bức ký họa mùa xuân của Trần Trung Sáng (tạp chí Người làm báo);  Thần sông báo mộng của Nguyễn Tam Mỹ, Tháng chạp qua cửa của Tống Ngọc Hân, Mùa trứng kiến của Hoàng Đình Quang, Thổ thần của Nguyễn Xuân Hưng (báo Văn nghệ)...    

Thú vị nhất có lẽ là truyện ngắn Ngày cùng tháng tận của nhà văn trẻ Hoàng Công Danh (Báo Tuổi Trẻ cuối tuần). Truyện kể lại cuộc chạm trán của Tễu - một anh thợ hớt tóc với một gã giang hồ đòi nợ thuê vào ngày cận Tết. 20 năm trước khi còn là đứa trẻ 10 tuổi, Tễu đã từng mang nỗi hận khi những ngày cuối năm phải chứng kiến gã đòi nợ thuê này đến sạp hàng bán rau cải ở chợ làng vừa đòi nợ vừa sàm sỡ mẹ mình. Lúc đó, Tễu đứng nép sau tấm phên tre, chờ gã đi ra tít ngoài ngõ mới chửi một câu học được từ mấy người đàn bà quê: "Có ngày tao cạo trọc đầu mày". Và giờ thì Tễu đang có cơ hội rất lớn để giải quyết ân oán, nhất là khi chính gã khách hàng này tự đề nghị cạo trọc. Thế nhưng, khi chính thức thực hiện được lời thề với kẻ thù xưa, Tễu vừa cạo đầu gã vừa run, bởi lại lo lắng, nghi ngờ gã này sẽ tước đoạt số tiền trong bóp mà Tễu lao động cả ngày giáp Tết như chơi! Với lời văn tưng tửng, hóm hỉnh, Hoàng Công Danh khiến gợi nhớ đến phong cách những truyện ngắn dễ thương của O' Henry khi viết về những tâm hồn lương thiện lỡ sa bước vào chốn giang hồ (như các truyện ngắn: Tên cớm và bản thánh ca, 20 năm sau...).

Ngoài những truyện ngắn trên các tờ báo nói trên, sau thời gian gián đoạn, xuân năm nay, Nhà xuất bản Văn học cũng cho ra mắt  ấn phẩm Sách Tết Kỷ Hợi 2019, giới thiệu nhiều truyện ngắn chọn lọc hấp dẫn như: Tiếng lách cách của trái hồ đào (Phạm Thị Thanh Mai), Nhớ một Tết xa (Ma Văn Kháng), Về phủ chiều cuối năm (Trần Thùy Mai), Không về lối cũ (Phan Triều Hải), Chào nhau trong sương đêm (Hoàng Công Danh), Thằng heo trên tàu (Trương Anh Quốc), Ở đâu Tết đến cũng vui  (Nguyễn Trí), Chợ Tết xóm núi (Đoàn Lê)...

TRẦN TRUNG SÁNG