Đội Biệt động thành Hội An (Quảng Nam): Vì sao chưa được phong tặng danh hiệu anh hùng?
Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, người dân thành phố Hội An, Quảng Nam vẫn không quên hình ảnh những chiến sĩ lực lượng Biệt động thành trong những năm đánh Mỹ, với cách đánh mưu trí, gan dạ, đã gây cho kẻ thù bao phen bạt vía kinh hồn.
Ông Đinh Văn Lời (thứ 2, phải sang) tại đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Nam năm 2005. |
Thành tích to lớn ấy được ghi trong Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (giai đoạn 1930 – 1975), Lịch sử Biệt động thành Quân Khu 5 (1945 – 1975), Lịch sử tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957 – 1975)…
Nhiều chiến công vang dội
Dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Hội An, tháng 3-1964, Đội Vũ trang tuyên truyền Hội An ra đời, ban đầu chỉ có 9 đồng chí và 3 cơ sở, đến năm 1967, có trên 50 người và 9 cơ sở tham gia, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở nội ô phát triển mạnh. Tháng 4-1966, Đội Vũ trang tuyên truyền đổi thành Đội Biệt động thành với 59 cán bộ, chiến sỹ. Vừa ra đời, Đội huy động và tổ chức nhiều đội thanh niên quyết tử tấn công và tiêu diệt bọn ác ôn, vận động và kêu gọi binh lính địch phản chiến cùng đồng bào xuống đường biểu tình chống Mỹ, ngụy. Nhiều trận đánh gan dạ, bất ngờ làm cho địch bao phen bạt vía kinh hoàng.
Điển hình như: Rạng sáng ngày 2-9-1966, một tổ biệt động bí mật đột nhập vào Đình Ông Voi treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trên nóc Đình. Lá cờ tung bay phất phới trước sự phấn khởi của người dân vì lần đầu tiên được nhìn thấy cờ cách mạng bay giữa lòng địch. Tháng 5-1967, ba chiến sỹ biệt động làm thợ trang trí nội thất trong Sở Mỹ, lợi dụng thời cơ đột nhập vào phòng viên đại tá cố vấn tình báo Mỹ đặt mìn tự tạo, tiêu diệt 2 tên tình báo Mỹ, 5 tên Mỹ khác bị thương, Sở Mỹ bị phá hủy hoàn toàn. Ngày 5-7-1967, biệt động thành tập kích bằng lựu đạn vào Ty Kiến thiết, Ty Điền địa và Đồn Quân cảnh, Cảnh sát diệt 15 tên địch, làm hàng chục tên khác bị thương, trong đó có 3 tên ác ôn khét tiếng.
Trận đánh ác liệt nhất diễn ra từ ngày 4 đến 5-5-1968, khi đội phối hợp với Tiểu đội Trinh sát (Thị đội Hội An) tấn công vào Trung tâm Dân ý vụ (CIA), bị địch phát hiện và bao vây khắp nơi. Đội trưởng liền chỉ huy một tổ khác nổ súng giải vây cho các đồng chí đang kẹt trong chùa Lễ Nghĩa, cuộc chiến đấu không cân sức với 1 chọi 100, nhưng ta đã diệt hơn 100 tên địch, còn phía ta, nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, Đội trưởng và nhiều chiến sỹ khác bị bắt. Không sờn chí, đêm 31-12-1969, một chiến sỹ biệt động cải trang thành người câu cá đặt mìn vào đoàn tàu hải quân ngụy đậu trên sông Bạch Đằng, mìn nổ làm 2 tên sỹ quan chết tại chỗ, 3 tên khác bị thương, tàu chiến bị hư hỏng nặng. Tháng 5-1972, biệt động bí mật đặt mìn vào xe jeep của cảnh sát tại nhà hàng Bảo Anh, khi xe chạy phát nổ làm chết và bị thương 4 tên địch.
Mỹ ngụy tung nhiều sắc lính truy tìm tên “Việt Cộng cỡ bự” mang biệt danh “Báo đen”. Đó là Đinh Văn Lời - Đội trưởng Biệt đội thành Hội An. Trận đầu ra quân trên cương vị phụ trách Đội trưởng vào tháng 2-1967, ông Lời chỉ huy và trực tiếp đặt 2 quả mìn vào đội chiếu phim lưu động của địch, phá hủy 2 xe quân sự, làm bị thương 3 tên địch. Tháng 5 và tháng 9-1967, biệt động thành phối hợp Bộ đội Quảng Đà tấn công doanh trại công binh ngụy, tiêu diệt gần 100 tên địch, đốt cháy 2 kho xăng dầu. Địch bắt ông trong trận đánh tại chùa Lễ Nghĩa (nay là chùa Ngũ Ban) vào ngày 5-5-1968. Chúng cởi áo rồi dùng báng súng, dùi cui, roi điện dúi vào người ông làm máu tràn ra mũi, miệng, tra khảo ông: “Mày cầm đầu Đặc công Việt Cộng phải không”, “Báo đen” là ai?... Chết đi, sống lại nhiều lần, ông Lời vẫn một mực: “Tôi làm tôi nhận, tôi không biết ai hết”.
Ngày 3-7-1968, Tỉnh trưởng Quảng Nam, Trung tá Lê Trí Tín đã ký công văn “tối khẩn - mật” gửi Văn phòng Phủ Thủ tướng, Tòa án Quân sự vùng 1 chiến thuật đề nghị “truy tố bọn cơ sở đặc công Việt Cộng tại Hội An, với tội trạng của 34 “phần tử Việt Cộng”, trong đó, ông Lời được liệt vào “phần tử cộm cán”. Tòa án Quân sự Việt Nam Cộng hòa đã xét xử và tuyên án 14 chiến sỹ với mức từ 5 - 20 năm tù khổ sai, trong đó ông Lời chịu mức 20 năm khổ sai và đưa vào Khám Chí Hòa giam cầm. Tháng 10-1968, địch đày ông Lời ra Côn Đảo, trong tù ông được phân công làm Bí thư Chi bộ, Đội trưởng Thanh niên chống địch đàn áp, vạch trần tội ác của bọn chúa đảo, cai ngục... Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, các tù nhân được trao trả về với cách mạng, nhưng ông Lời vẫn bị địch nhốt rồi đưa vào khu cấm cố hòng thủ tiêu ông. Nhờ sự đấu tranh quyết liệt của anh em tù nhân, ngày 22-2-1974, ông mới được trao trả trong đợt cuối cùng.
“Thôi thì, cá nhân tôi thế nào cũng được. Nhưng còn chiến công lừng lẫy của Đội cần sớm được ghi nhận, được phong tặng AHLLVTND để các thành viên đỡ mủi lòng!” – ông Đinh Văn Lời - Đội trưởng Biệt động thành Hội An, Quảng Nam. |
Xứng đáng danh hiệu anh hùng
Với bề dày thành tích, Đội Biệt động thành Hội An đã được nhiều biên niên lịch sử, nhiều hội thảo lịch sử ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, tại Đề án nhánh cấp Bộ Quốc phòng, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài Lịch sử lực lượng Biệt động Quân Khu 5 trong 30 năm chiến tranh giải phóng quê hương (1945 – 1975) năm 2015, do Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ trì Đề tài, Trung tướng Trần Quang Phương - Chính ủy Quân khu 5 làm Chủ nhiệm Đề tài, đã đánh giá cao thành tích các Đội Biệt động, trong đó có Đội Biệt động thành Hội An. Kiến nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo xem xét đề nghị tuyên dương danh hiệu AHLLVTND cho 5 Đội Biệt động thuộc Quân khu, trong đó có Đội Biệt động thành Hội An. Về cá nhân, Ban Chủ nhiệm Đề tài đề nghị tuyên dương AHLLVTND cho nguyên Đội trưởng Đội Biệt động thành Hội An - Đinh Văn Lời. Đề tài còn kiến nghị đặt bia tưởng niệm cơ sở bí mật của Biệt động thành Hội An tại trại mộc của vợ chồng ông Nguyễn Một và bia tưởng niệm tại chùa Lễ Nghĩa, nơi diễn ra trận đánh ác liệt của lực lượng Biệt động Hội An tiêu diệt hàng trăm tên địch, trong đó có những tên ác ôn khét tiếng.
Về phía địa phương, ngày 11-8-2017, Ban Chỉ huy Quân sự TP Hội An có Công văn số 934/BCH-CT do Thượng tá Trang Hoàng Mỹ - Chính trị viên ký, yêu cầu các địa phương xây dựng, bổ sung thành tích cho các cá nhân có nguyện vọng được xét, đề nghị phong tặng, truy tặng AHLLVTND, trong đó có ông Đinh Văn Lời (trú phường Cẩm Nam, Hội An). Ngày 15-9-2017, UBND phường Cẩm Nam có Tờ trình số 102 do Chủ tịch Phạm Kiêu ký, với nội dung 100% thành viên Hội đồng Thi đua khen thưởng phường bỏ phiếu kín và thống nhất đề nghị phong tặng AHLLVTND cho ông Đinh Văn Lời. Tiếp đó, ngày 27-9-2017, Bí thư Đảng ủy phường Cẩm Nam - Nguyễn Đình Hòa ký Tờ trình số 177, thống nhất đề nghị UBND TP, Hội đồng Thi đua khen thưởng TP Hội An xem xét đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý trên cho ông Lời.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, các chiến sỹ Biệt động thành còn sống cũng như ông Lời vẫn phải chờ đợi kết quả từ các cơ quan chức năng của TP Hội An. Trao đổi với chúng tôi, ông Lời thổ lộ: “Anh em trong Đội Biệt động thành Hội An năm xưa nay chỉ còn gần một nửa, đều đã tuổi cao sức yếu. Những đề xuất, đề nghị phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho Đội đã được gửi đi nhưng lãnh đạo thành phố vẫn chưa có câu trả lời cụ thể cho anh em”.
Theo ý kiến của ông Lời cùng nhiều chiến sỹ Biệt động thành Hội An năm xưa, lãnh đạo TP Hội An cần tổ chức một cuộc hội thảo về quá trình hình thành và hoạt động của Đội Biệt động thành Hội An trong cuộc chống Mỹ cứu nước. Có như vậy mới tỏ tường vụ việc và đúc kết thành tích để xem xét đề nghị phong tặng AHLLVTND cho Đội.
Hồng Thanh