Đôi bờ sông Hàn sẽ là không gian văn hóa – lễ hội đặc sắc

Thứ bảy, 09/01/2016 09:28

(Cadn.com.vn) - Lâu nay, chính quyền, người dân thành phố cũng như du khách khi đến Đà Nẵng cảm thấy hơi tiếc vì thiếu một cú trở mình thực sự để đánh thức sông Hàn với tất cả vẻ đẹp của nó. Nhưng rồi đây, nơi đây có thể sẽ đổi khác khi ngành văn hóa, du lịch quyết tâm xây dựng nên một không gian văn hóa đặc trưng đôi bờ Hàn giang. Lãnh đạo thành phố kỳ vọng vào cái cảnh tấp nập, sôi động để người dân có thể tự hào, hưởng thụ còn du khách thì ao ước đến, nhẩn nha ở lại và có cái mà kể khi rời Đà Nẵng...

Cần đánh thức đôi bờ sông Hàn để có một không gian văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng.

SÔI ĐỘNG VÀO CUỐI TUẦN, LỄ TẾT

Theo Kế hoạch số 9596/KH-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành, trước mắt trong năm 2016, các hoạt động văn hóa - lễ hội sẽ được tổ chức định kỳ vào dịp cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) và dịp lễ, Tết hoặc dịp diễn ra các sự kiện lớn của thành phố. Sở VH-TT&DL cho biết, vào tối thứ bảy hàng tuần, ngoài chương trình Âm nhạc đường phố đã được định hình từ lâu nay trên vỉa hè đường Bạch Đằng, sẽ có thêm chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả xem rồng phun lửa. Ngày chủ nhật sẽ có chương trình biểu diễn thí điểm nhạc hơi vào buổi sáng tại khu vực đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm và chương trình nghệ thuật truyền thống vào buổi tối tại hai đầu cầu Rồng. Hoạt động vui chơi giải trí vào mỗi dịp cuối tuần cũng sẽ có sự tham gia của tuổi trẻ Đà Nẵng với các trò chơi, các cuộc thi vận động, nghệ thuật đường phố như dân vũ, khiêu vũ đường phố, hiphop vào tối chủ nhật tại công viên đối diện khách sạn Novotel, đường Bạch Đằng hoặc trên đường Trần Hưng Đạo, ngay công viên chân cầu Sông Hàn.

Bên cạnh các chương trình được tổ chức định kỳ sẽ là những hoạt động văn hóa, lễ hội trải dài từ tháng 1 đến 9-2016 dọc hai bờ sông Hàn nhân dịp lễ, Tết và các sự kiện lớn của thành phố. Riêng Tết Nguyên đán Bính Thân, sẽ có 2 chương trình nghệ thuật lớn phục vụ người dân và du khách gồm: chương trình nghệ thuật Chào xuân Bính Thân 2016 do Nhà hát Trưng Vương thực hiện vào đêm giao thừa (ngày 7-2) tại công viên phía bắc, bờ đông cầu Sông Hàn. Tiếp đó, tối mồng 6 Tết là chương trình văn nghệ Đà Nẵng vào xuân tại công viên đối diện chợ Hàn, đường Bạch Đằng.

Mới đây, tại cuộc họp bàn về việc xây dựng các hoạt động văn hóa xoay quanh trục sông Hàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, sự kiện đoàn đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race đến Đà Nẵng trong tháng 2 tới là phép thử về năng lực tổ chức và kết nối các hoạt động văn hóa, giải trí của thành phố. Ông Đặng Việt Dũng lưu ý ngành văn hóa, du lịch phải làm sao để tạo ấn tượng với những vị khách quý năm châu bốn biển mà đích thân Đà Nẵng là người đã gửi lời mời họ ghé thăm. Theo Sở VH-TT&DL, ngoài lễ đón đoàn thuyền buồm được tổ chức trang trọng và ấn tượng, trong những ngày thủy thủ đoàn lưu lại Đà Nẵng, đôi bờ sông Hàn sẽ diễn ra các sự kiện hội chợ giao lưu văn hóa, ẩm thực, triển lãm ảnh, giao lưu nghệ thuật giữa các đoàn thuyền. Đây sẽ là cơ hội ghi điểm để tiếng tăm, hình ảnh của Đà Nẵng theo cuộc đua đi đến nhiều nơi khác trên thế giới.

Ngay sau sự kiện này, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố, nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật cũng sẽ diễn ra thường xuyên như ca múa nhạc tại công viên phía đông cầu Rồng, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong tháng 4-2016, sông Hàn sẽ sôi động với ngày hội sách, giải đua thuyền truyền thống tranh Cúp VTV, lướt ván trên sông Hàn, triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật, triển lãm ảnh Đà Nẵng - 30 năm đổi mới. Song song với đó sẽ là các hoạt động chào mừng Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á- ABG5. Lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho hay, tại Q.Hải Châu và Q. Sơn Trà, nơi có trục đường văn hóa, lễ hội là đường Bạch Đằng và đường Trần Hưng Đạo, các hoạt động nghệ thuật quần chúng như biểu diễn múa Chăm, phiên chợ sách cuối tháng, lễ hội đình làng Hải Châu, hội thi thả diều và làm lồng đèn, khiêu vũ thể thao, dân vũ, lễ hội văn hóa tại di tích Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, lễ hội cầu ngư sẽ được tổ chức thường xuyên.

PHẢI ĐÚNG BẢN SẮC CỦA ĐÀ NẴNG

Ông Đặng Việt Dũng thống nhất với phương án do Sở VH-TT&DL đưa ra đồng thời lưu ý về cách thức tổ chức, phân phối và liên kết các hoạt động để đôi bờ sông Hàn trở thành một không gian văn hóa mang đậm bản sắc của Đà Nẵng. Các sự kiện phải tìm cách đưa người dân trở thành trung tâm. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến hình thức biểu diễn nghệ thuật sao cho phong phú, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để thu hút nhiều đối tượng thưởng thức. Đối với các chương trình lần đầu tổ chức thì cần thí điểm một cách nhuần nhuyễn, nếu thành công và nhận được sự hưởng ứng của người xem thì mới nhân rộng thành hoạt động thường xuyên.

Một điều hết sức quan trọng chính là sự liên hoàn, thường xuyên để đường phố, mặt sông sôi động, tấp nập kẻ đến người đi chứ không phải làm theo phong trào, làm cho xong, cho có đầu việc. “Phải phân thời gian, địa điểm để các hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục cho có không khí trên bến dưới thuyền như thành phố cảng. Đừng mạnh ai nấy làm, khi tổ chức thì nhiều hoạt động chồng lên nhau, đến khi hết thì không còn gì nữa. Việc xây dựng trục văn hóa, lễ hội ở khu vực hai bên bờ sông Hàn là để giữ gìn, tôn tạo bản sắc văn hóa của Đà Nẵng, lấy đó làm động lực để phát triển kinh tế chứ không phải đơn thuần là phục vụ du lịch”, ông Dũng chỉ đạo.

Sông Hàn như một báu vật của Đà Nẵng nhưng có vẻ như đã ngủ quên quá lâu mà không được đánh thức, hoặc mới thức dở chừng. Dòng sông giữa lòng thành phố với đôi bờ tuyệt đẹp đang cần một cú hích để dần trở thành không gian văn hóa đặc trưng, không chỉ trở thành không gian hưởng thụ của người dân mà còn tạo ấn tượng mạnh với du khách gần xa như bãi biển thành phố đã làm được.

Công Khanh