Đổi gạo lấy vũ khí

Thứ hai, 08/06/2020 12:45

“Đổi gạo lấy vũ khí”, mô hình mang tính nhân văn, vừa đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch của Bộ Công an về tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động nhân dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vừa góp phần hỗ trợ người dân cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mô hình này được CAH Đức Trọng (Lâm Đồng) xây dựng và bắt đầu thực hiện từ tháng 6-2020. Ý tưởng xây dựng mô hình này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Tập kết gạo để đổi vũ khí từ dân.

Kế hoạch triển khai mô hình “Đổi gạo lấy vũ khí” được CAH Đức Trọng xây dựng trên cơ sở thực tế tại địa phương có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tại nhiều xã vùng sâu của huyện. Tại những nơi này người dân vẫn mang nặng hủ tục tự chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ để săn bắn, đi rừng, đặc biệt là tại 5 xã vùng Loan (Tà Hine, Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng và Đa Quyn). Tại các địa bàn khác tình trạng tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí cũng có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT. Thượng tá Lê Thái- Trưởng CAH Đức Trọng cho rằng: “Khi chúng tôi báo cáo ý tưởng triển khai mô hình “Đổi gạo lấy vũ khí” huyện ủy, UBND huyện rất ủng hộ. Để triển khai hiệu quả mô hình này, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng biện pháp tuyên truyền”.

Theo đó, lực lượng CA 14 xã và 1 thị trấn tổng rà soát, đánh giá thực trạng tồn đọng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại từng thôn, tổ dân phố, lên danh sách các hộ, đối tượng đang lưu giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, sau đó tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân biết được mô hình “Đổi gạo lấy vũ khí”. Để đạt được hiệu quả cao nhất, công tác vận động, tuyên truyền được phổ biến tại các buổi họp dân, phát động toàn dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ kết hợp với tuyên truyền, vận động cá biệt. Ngoài ra còn phối hợp với Đài truyền thanh các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh với tần suất từ 1 đến 3 buổi/tuần. Mục tiêu là để cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hiểu và tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tích cực đấu tranh với tội phạm, đặc biệt là hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Ngoài ra lực lượng CA từ huyện đến cơ sở còn chú trọng tiếp xúc, thăm gặp, tranh thủ đối với người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong các tôn giáo và cộng đồng dân cư nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất. Trao đổi với chúng tối, Trung tá Trần Quốc Toản- Đội trưởng đội Cảnh sát QLHC về TTXH CAH Đức Trọng khẳng định: “Với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân tôi tin mô hình này sẽ phát huy tác dụng. Về kinh phí để thực hiện chúng tôi sẽ thực hiện xã hội hóa, vận động các tổ chức, các Mạnh Thường Quân quyên góp tiền để mua gạo. Dù sao đây cũng là một việc tốt, hỗ trợ đời sống cho nhân dân và địa bàn sẽ được an toàn nên tôi tin người dân sẽ đồng tình ủng hộ”. Theo kế hoạch, với mỗi vũ khí thô sơ (dao lê, mã tấu, kiếm) mang đến giao nộp người dân sẽ nhận được 5kg gạo, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ các loại sẽ nhận được 10kg gạo cho mỗi thứ, và mỗi súng tự chế sẽ đổi lấy 20kg gạo, súng quân dụng đổi 50kg gạo và bom, mìn do chiến tranh để lại sẽ đổi được 100kg gạo cho mỗi thứ.

Trước đó, trong các tháng 4 và 5-2020 thực hiện kế hoạch của BCA về tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động nhân dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ CAH Đức trọng đã tổ chức tuyên truyền tại 4 thôn trọng điểm ở các xã NThol Hạ, Hiệp An và Tân Hội và tuyên truyền rộng khắp trên địa bàn. Qua vận động, người dân đã giao nộp cho cơ quan CA 1 khẩu súng hơi, 10 súng cồn cùng trên 100 dao lê, mã tấu.

Cán bộ CAH Đức Trọng kiểm đếm số vũ khí thu hồi được trong quý 1-2020.

Theo thống kê, địa bàn H. Đức Trọng có 11 cơ sở sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản, ngoài ra còn một số khu vực tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua kiểm tra lực lượng CA đã thu thu hồi 21 gậy điện của các Ban bảo vệ dân phố, Tổ dân phố ở TT Liên Nghĩa qua các thời kỳ. Một nguy cơ tiềm ẩn khác cũng cần được phòng ngừa, đó là nhiều đối tượng lợi dụng cảng hàng không Liên Khương để gửi công cụ hỗ trợ, chất cấm. Chỉ tính riêng trong quý 1-2020 CAH đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 9 vụ với 9 đối tượng và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 111 triệu đồng, tịch thu 3 súng hơi, 1 súng tự chế, 3 bình xịt hơi cay...

Vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Tuy nhiên mô hình “Đổi gạo lấy vũ khí” được xem là sáng tạo, mang tính nhân văn và chắc chắn sẽ được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

ĐỨC HUY