Đòi hỏi cũ, căng thẳng mới

Thứ năm, 28/11/2019 11:17

NATO đang chuẩn bị sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức ở London, Anh vào tuần tới, với trọng tâm đoàn kết các nước thành viên trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến liên minh quân sự này lung lay.

Tuy nhiên, Washington lại như dội một gáo nước lạnh vào những nỗ lực này khi ngày 27-11 tuyên bố sẽ nhấn mạnh tới những tiến triển về chia sẻ gánh nặng, an ninh, hợp tác quốc phòng và sự phát triển tương lai của NATO tại hội nghị sắp tới. Theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ có mặt trong phái đoàn Mỹ do Tổng thống Donald Trump dẫn đầu tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo NATO trong 2 ngày (3 và 4-12).

Chính quyền của ông Trump thời gian qua liên tục phàn nàn về việc các đồng minh NATO sử dụng miễn phí quân đội Mỹ. Nhà lãnh đạo này cáo buộc các đồng minh Châu Âu, đặc biệt là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu là Đức, đã “ngồi không” nhận sự bảo vệ của Mỹ và cho rằng họ cần phải chi nhiều hơn cho quốc phòng. Bên cạnh đó còn có nhiều sự bất đồng trong liên minh này về vấn đề hạt nhân Iran, các chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria và dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Đức và Nga. Nhưng dường như việc đóng góp tiền nong mới là cái mà các bên quan tâm hơn cả.

Các nước NATO đang chốt một thỏa thuận để đóng góp nhiều hơn cho chi phí hoạt động nhằm giảm tỷ lệ tài trợ của Mỹ. Thỏa thuận sẽ đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Donald Trump, mặc dù Pháp đã tuyên bố rõ ràng sẽ không có phần nào trong thỏa thuận, dù các nước y vọng sẽ đạt được trước hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm tại London. Thỏa thuận này có nghĩa là các nước Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada đóng góp nhiều hơn vào ngân sách 2,5 tỷ USD hàng năm cho các hoạt động ở trụ sở của NATO, lực lượng quốc tế và tài sản quân sự dưới sự chỉ huy của NATO.

So với hàng trăm tỷ USD mà các đồng minh chi cho lực lượng vũ trang của họ mỗi năm, đó là một khoản tiền nhỏ. Nhưng có một điều là các nước trong NATO muốn đạt được thỏa thuận này để đập tan những cáo buộc của Tổng thống Trump vào tháng 7-2018 rằng, Mỹ “đã trả quá nhiều, lên đến hàng chục tỷ USD, để trợ cấp cho Châu Âu”.

Nhưng vấn đề nằm ở Pháp, quốc gia đã phản đối mạnh mẽ đề xuất này. Với 30.000 binh sĩ được triển khai và tàu trên khắp thế giới, Paris cho biết họ đã làm nhiều hơn trong kế hoạch chia sẻ công bằng trong phòng thủ, duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao của các lực lượng Pháp và rót hàng tỷ USD vào nghiên cứu quốc phòng. Paris sẽ không chặn đề xuất này, nhưng sẽ bác bỏ. Các dữ liệu cũng cho thấy, chi tiêu quốc phòng của Pháp cao hơn so với Đức theo tỷ lệ phần trăm sản lượng kinh tế.

THANH VĂN