"Đôi mắt" của người khiếm thị

Thứ bảy, 16/03/2019 14:12

Sản phẩm Gậy dò đường thông minh dành cho người già, người khiếm thị của nhóm DUT-AC đến từ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng vừa xuất sắc giành giải nhất vòng chung kết triển lãm EPICS (Engineering Project In Community Service - Dự án Kỹ thuật trong dịch vụ cộng đồng) diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh được các chuyên gia đánh giá có tính ứng dụng rất cao. Sản phẩm này có thể xem là "đôi mắt" cho người khiếm thị, người già thị lực yếu khi tích hợp rất nhiều tính năng thông minh, hiện đại.

Sản phẩm Gậy dò đường thông minh của nhóm DUT-AC xuất sắc giành giải nhất vòng chung kết triển lãm EPICS.

Lê Quốc Tín (trưởng nhóm DUT-AC), hiện đang học lớp 15CDT1, chuyên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử (Khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) chia sẻ, ý tưởng để cả nhóm bắt tay vào thực hiện dự án chính là từ nhiều lần có cơ hội tiếp xúc với những người già, người khiếm thị và nhận thấy họ đi lại, sinh hoạt rất khó khăn, bất tiện. "Chưa kể đến là việc không thể nhìn thấy rõ mọi thứ xung quanh nên họ thường gặp những tai nạn, té ngã. Để giúp những người không may mắn có được cuộc sống tốt hơn, đi lại dễ dàng hơn cả nhóm đặt quyết tâm sẽ chế tạo thành công một "đôi mắt" dành cho những người khiếm thị", Tín cho hay. Nghĩ là làm, sau khi có ý tưởng, 6 thành viên đến từ các ngành Kỹ thuật của nhóm DUT-AC ngày đêm nghiên cứu, mày mò sáng tạo. Sau hơn 4 tháng, sản phẩm Gậy dò đường thông minh cũng ra đời. Tuy nhiên, để sản phẩm hoàn thiện, nhóm phải nhiều lần lui tới các trung tâm nuôi dưỡng người già, Hội người mù các quận trên địa bàn TP Đà Nẵng nhờ người khiếm thị trải nghiệm nhằm phát triển sản phẩm theo hướng hoàn thiện nhất. "Quá trình sáng tạo, điều khó khăn nhất chính là làm sao áp dụng được sự tiên tiến của khoa học công nghệ, đưa các tính năng thông minh, hiện đại vào trong sản phẩm. Bởi, thực tế thì sản phẩm không phải hoàn toàn mới. Trước đó cũng đã có những bạn trẻ có ý tưởng chế tạo sản phẩm tương tự nhưng để sản phẩm của mình khác biệt thì cần phải có điểm nhấn, đó chính là những tính năng thông minh", Tín giải thích.

Sản phẩm gậy dò đường của nhóm DUT-AC sau khi hoàn thiện được các chuyên gia nghiên cứu khoa học đánh giá có tính ứng dụng thực tiễn cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dùng và đối tượng sử dụng cũng rộng lớn. Gậy dò đường thông minh được trang bị nhiều cảm biến đo khoảng cách, góc quét đa dạng, phát hiện được vật cản ở nhiều phía trên lộ trình người sử dụng đang hướng đến. Gậy báo cho chủ nhân của mình thông qua các chế độ rung trên tay cầm. Bên cạnh đó, gậy còn tích hợp các chức năng, tiện ích khác gồm cảnh báo tai nạn, GPS, tự động thông báo về người thân và gia đình khi có sự cố, tai nạn xảy ra. Theo Lê Minh Thuận (sinh viên năm 3, ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, thành viên nhóm DUT-AC), sản phẩm gậy dò đường được thiết kế nhỏ gọn nhất có thể để người già, người khiếm thị tiện sử dụng. Gậy gồm 3 bộ phận chính là: Tay cầm, cảm biến và hộp điều khiển trung tâm. "Hiểu một cách đơn giản nhất, khi sử dụng gậy thông minh này người dùng có thể nhận biết được những nguy hiểm trước mặt như các vật cản thông qua chế độ rung trên tay cầm. Những cảm biến sẽ phát hiện vật cản trong phạm vi từ 2-3m, rồi chuyển tải thông qua tín hiệu rung để người dùng né vật cản nguy hiểm", Thuận cho biết. Cũng theo Thuận, nếu vật cản càng lớn thì chế độ rung càng mạnh và ngược lại. Không những thế, gậy thông minh còn tích hợp các chức năng còi báo, đèn tín hiệu để tạo sự chú ý với những người xung quanh. Đặc biệt, phía trong của gậy còn được lắp đặt một thẻ sim điện thoại có cài đặt sẵn số điện thoại của người thân. Khi người dùng gặp sự cố như té ngã, tai nạn… sim điện thoại này sẽ tự kích hoạt, gọi điện thông báo cho người thân liên tục, khi nào có người nhấc máy thì tính năng này mới ngừng hoạt động.

Tại vòng chung kết triển lãm EPICS, Gậy dò đường thông minh đã xuất sắc vượt qua nhiều sản phẩm khác để giành giải nhất. Các chuyên gia nghiên cứu khoa học cũng cho rằng, sản phẩm này cần sớm được sản xuất quy mô lớn, ứng dụng vào thực tế nhằm hỗ trợ cho người già, người khiếm thị. Giá thành để sản xuất một chiếc gậy thông minh bán ra thị trường theo nhóm DUT-AC cũng tương đối rẻ, chỉ từ 1 triệu đồng/gậy. "Trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục tối ưu hóa các chức năng, phần cứng, cũng như thêm một số chức năng cần thiết khác và tiếp tục thử nghiệm sản phẩm trực tiếp với người dùng, tiếp nhận ý kiến, phản hồi để phát triển sản phẩm", Tín nói.

THÀNH DANH