Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Thứ sáu, 07/07/2023 06:37
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này tại phiên họp thẩm định Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 6-7.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, môn học quốc phòng và an ninh là một bộ phận quan trọng trong chương trình giáo dục quốc dân. Vì vậy, Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch) không chỉ đơn thuần về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, mà còn có ý nghĩa chuyên môn đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh từ sớm, từ xa; góp phần thực hiện các quan điểm, mục tiêu về quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của khâu tổ chức thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch phải đề ra hướng tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật; hình thành cơ chế phối hợp giữa các trung tâm của quân đội và các trường đại học, cao đẳng; khẩn trương xây dựng chương trình khung về giáo dục quốc phòng, an ninh thiết thực, phù hợp với các đối tượng khác nhau theo Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh; có bộ tiêu chí cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ quản lý, giảng viên của các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh…

Với tính chất, tầm quan trọng của hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh thuộc các bộ ngành, địa phương, Quy hoạch phải có sự đánh giá, phản ánh, thể hiện đầy đủ trong bối cảnh, tình hình mới phát sinh, xu thế mới đang hình thành, quan điểm, nhiệm vụ mới; bảo đảm mục tiêu giáo dục cho đối tượng học tập về tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nội dung chương trình giáo dục quốc phòng, an ninh cần có sự đổi mới, cập nhật, phù hợp với các đối tượng khác nhau, trên cơ sở kết hợp truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc và bối cảnh, tình hình mới có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán định, nhằm bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.

Theo báo cáo của Cục Dân quân tự vệ (Bộ Quốc phòng), mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch là xây dựng, phát triển Hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (Hệ thống trung tâm) theo hướng đồng bộ, hiện đại, toàn diện, nhằm nâng cao chất lượng dạy, học môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Dự kiến, đến năm 2030, ngoài 38 trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh hiện có, sẽ thành lập thêm 8 trung tâm mới, bảo đảm 100% sinh viên các trường cao đẳng, đại học được học tập, ăn, ở, sinh hoạt tập trung để rèn luyện theo nếp sống quân sự, môi trường quân đội.

Đáng chú ý, Quy hoạch đặt mục tiêu nâng cao chất lượng chuẩn hoá trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Mục tiêu đến năm 2030, 100% cán bộ quản lý trình độ đại học trở lên, trong đó có 30% trình độ thạc sĩ, 5% trình độ tiến sĩ; 100% giảng viên có trình độ đại học trở lên, trong đó 35% có trình độ thạc sĩ, 5% có trình độ tiến sĩ chuyên ngành.

Tầm nhìn đến năm 2045, Hệ thống trung tâm được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh; tiếp tục nâng cấp hoặc bổ sung quy hoạch thành lập trung tâm mới đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên.

VGP