Đời sống của phụ nữ và trẻ em khiếm thị vẫn rất khó khăn

Thứ sáu, 11/10/2019 14:21

Ngày 10-10, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Hội Người mù Việt Nam tổ chức hội thảo “Công tác phụ nữ và trẻ em - Thực trạng và giải pháp”. Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh nhấn mạnh, phụ nữ và trẻ em khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp Hội quan tâm, tạo điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, công tác chăm lo cho phụ nữ và trẻ em khiếm thị còn gặp nhiều khó khăn như: số lượng chị em tham gia các lớp đào tạo còn hạn chế. Việc tham gia hòa nhập của trẻ em khiếm thị, đặc biệt là ở nông thôn còn nhiều khó khăn. Trình độ, năng lực, điều kiện làm việc của cán bộ làm công tác phụ nữ và trẻ em còn nhiều hạn chế.

Công tác chăm lo cho phụ nữ, trẻ em khiếm thị ngày càng được quan tâm.

Trăn trở lớn nhất của bà Đinh Việt Anh hiện nay là đời sống của phụ nữ và trẻ em khiếm thị vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên phụ nữ cao (17,97%), hơn 1.300 chị khó khăn về nhà ở. Trong thời gian tới, Hội Người mù Việt Nam tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Công tác Phụ nữ và Trẻ em ở những nơi đã có tổ chức Hội để Ban hoạt động hiệu quả, có chiều sâu; tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, cơ cấu cán bộ nữ; thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khiếm thị – đa tật; động viên và tạo điều kiện để chị em học chữ, học nghề, phát triển thêm các nghề mới, hỗ trợ sinh kế; phối hợp với ngành giáo dục khảo sát, phát hiện, giúp trẻ em khiếm thị được tham gia lớp tiền hòa nhập và hòa nhập...

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các tỉnh, thành đã chia sẻ về những kết quả trong công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em khiếm thị tại địa phương; thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.

Đến tháng 7-2019, Hội Người mù Việt Nam có hơn 37.400 hội viên nữ, trong đó có gần 6.000 chị là người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, hội viên phụ nữ trong độ tuổi lao động được quan tâm, tạo điều kiện học chữ, học nghề, tạo việc làm. Theo đó, hơn 2.000 chị đã được đào tạo nghề tại trung tâm của Trung ương Hội, hàng ngàn chị được tham gia các lớp dạy nghề ở địa phương với các ngành nghề như: Tẩm quất, xoa bóp, tin học, làm tăm, bện chổi, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Chị em sau khi học nghề được tạo điều kiện tìm việc làm, có mức thu nhập trung bình hiện nay gần 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gần 5.000 chị em được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển kinh tế. Một số đơn vị còn vận động hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu, hàng hóa phục vụ cho việc làm nghề thủ công, buôn bán nhỏ.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã trích quỹ, vận động các nhà hảo tâm để kịp thời thăm hỏi, trợ cấp, tặng quà, động viên chị em trong dịp Lễ, Tết hoặc khi gặp khó khăn, đau ốm, hoạn nạn. Trong 5 năm (2014 – 2019), Hội đã vận động xây mới 503 ngôi nhà, sửa chữa 249 nhà cho chị em hội viên nghèo.

Công tác chăm sóc, giúp đỡ trẻ em khiếm thị được các cấp Hội quan tâm thực hiện. Hội giúp đỡ cho hơn 3.500 trẻ em, trong đó có 701 trẻ em khiếm thị - đa tật, gần 300 trẻ em khiếm thị đang được nuôi dạy ở các trung tâm của Hội, hàng nghìn trẻ em khiếm thị đang theo học tại các cơ sở giáo dục dành cho người khiếm thị hoặc học hòa nhập tại cộng đồng. Cùng với đó, Trung ương Hội đã vận động Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam và các doanh nghiệp chuyển đổi gần 200 đầu sách, truyện, sách tham khảo về chính sách pháp luật, chăm sóc sức khỏe, giáo dục giới tính, hướng dẫn nấu ăn… sang chữ braille, audio, giúp phụ nữ và trẻ em khiếm thị bổ sung kiến thức, kỹ năng, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Nhờ đó, nhiều phụ nữ và trẻ em khiếm thị đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, học tập và lao động đạt thành tích tốt, xây dựng cuộc sống bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập.

HOÀI THU