Đời sống nhân dân vùng lũ hết sức khó khăn
* Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thị sát tình hình lũ lụt tại Bình Định
(Cadn.com.vn) - Ngày 16-12, tình trạng mưa lớn và thủy điện xả lũ gây ngập lụt nghiêm trọng diễn ra khắp các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Tình trạng này khiến hàng vạn người dân lâm vào tình thế rất khó khăn, nhiều hoàn cảnh thương tâm, bi đát.
Cam kết không để dân đói, rét Chiều 16-12, đoàn công tác của Thành ủy Đà Nẵng do ông Nguyễn Xuân Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã có chuyến kiểm tra thực tế tại H. Hòa Vang, nhằm chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt trên địa bàn. Báo cáo với lãnh đạo TP, lãnh đạo H. Hòa Vang cho biết đã chỉ đạo các ngành thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhật, ban hành các thông báo về tình hình mưa lũ, thông báo xả lũ của các thủy điện Dakmil 4, A Vương, Sông Bung 4 để các địa phương kịp thời chủ động ứng phó; theo dõi mực nước tại các hồ đập. Suốt thời gian kiểm tra thực tế tại những khu vực ngập nặng như thôn Bắc An, Lai Châu (xã Hòa Tiến); thôn Phú Sơn 3 xã Hòa Khương, khu vực đập Bara An Trạch, hồ Hòa Trung đến hơn 18 giờ cùng ngày, lãnh đạo TP Đà Nẵng động viên bà con các địa phương ổn định đời sống ở những nơi tránh lũ, đồng thời chỉ đạo chính quyền huyện phải tập trung hết sức lực cho công tác phòng chống, khắc phục lũ lụt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân. Vùng nào nguy hiểm, phải khẩn trương đưa dân di dời khỏi vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhất là khu vực gần lưu vực sông và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để xử lý, trong đó chú ý về phương tiện vận chuyển dân, nước sạch và lương thực. Với các đập Hòa Trung, đến chiều tối mực nước là 46,60 mét (cao hơn mức bình thường 0,5m), hồ Đồng Nghệ 34,05m (cao hơn mức nước dâng bình thường 0,75m), lãnh đạo thành phố lưu ý các đơn vị chức năng phải theo dõi sát sao, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các sự cố dù là nhỏ nhất. Trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho biết: Thành phố cam đoan, sẽ không để bất kỳ người dân nào chịu đói, chịu rét. Những ngày tới, thành phố cũng liên tục theo dõi, thực tế đến các địa bàn để chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục mưa lũ, hạn chế đến mức thiệt hại. Công Hạnh Lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra tình hình thực tế tại khu vực hồ Đồng Xanh Đồng Nghệ (Hòa Vang). |
Dừng họp HĐND để đi chống lũ
Sáng 16-12, HĐND H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) phải tạm hoãn ngày làm việc thứ hai tại kỳ họp thứ ba để tập trung chỉ đạo công tác ứng cứu tình hình lũ lụt đang xảy ra trên diện rộng. Đến ngày 16-12, tại Hòa Vang có 40 thôn thuộc các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Khương bị ngập từ 0,5 đến 1m. Nhiều tuyến đường vùng trũng thấp như ĐH409 từ Hòa Khương đi Hòa Tiến, ADB5 từ Hòa Tiến đi Hòa Phong, QL14G từ Hòa Phong đi Hòa Phú có nhiều đoạn bị nước lũ băng qua, các ngành chức năng phải bố trí lực lượng thường xuyên túc trực, cảnh báo các phương tiện qua lại.
Lực lượng Dân quân Thường trực xã Hòa Nhơn (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) giúp dân lưu thông qua các điểm ngập sâu. |
Trong khi đó, lưu lượng nước lũ từ thượng nguồn sông Vu Gia (H. Đại Lộc, Quảng Nam) đổ về sông Yên ngày càng nhiều, gây ngập nặng các khu vực hạ lưu. Khu vực ngập nặng nhất là các thôn La Bông, Lệ Sơn 2 (xã Hòa Tiến) do dòng chảy thoát qua đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị chặn lại phần lớn, nên nhiều con đường trong khu dân cư bị ngập sâu hơn 1m... Về thiệt hại sản xuất, gần 650ha diện tích lúa giống đã gieo sạ và đang ngâm ủ bị hư hại; hơn 165ha rau màu ngập úng; nhiều ao hồ nuôi trồng thủy sản ở Trường Định (xã Hòa Liên), An Ngãi Tây 2 (xã Hòa Sơn) bị nước lũ băng bờ...
Trước diễn biến phức tạp mưa lũ, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng có công văn yêu cầu các đơn vị trường học triển khai các phương án bảo quản tài sản, thiết bị khi có lũ, lũ quét và sạt lở xảy ra. Tùy theo tình hình thời tiết, địa hình, các đơn vị, trường học chủ động cho HS nghỉ học, bố trí ngày đi học lại cũng như lịch học bù theo kế hoạch của từng đơn vị.
Đội CSGT CAH Hòa Vang, TP Đà Nẵng túc trực tại các điểm bị nước lũ băng qua trên đường ADB5. Ảnh: Vy Hậu |
Ra sức cứu người và tài sản
Tại Quảng Nam, chỉ trong 2 ngày 14 và 15-12, trên địa bàn tỉnh có 5 người chết và mất tích trong mưa lũ. Trong cơn mưa lũ, lực lượng vũ trang các đơn vị của Quảng Nam đã nhanh chóng triển khai phương tiện cứu người mỗi khi nhận được thông tin. Lúc 12 giờ 30 ngày 16-12, ông Lê Văn Trí (1973, trú P. Điện Dương, TX Điện Bàn) cùng một người dân đang trên đường đưa thuyền đi tránh lũ thì thuyền bị hỏng máy, trôi dạt tự do ra khu vực biển Cửa Đại (TP Hội An) và có nguy cơ bị cuốn trôi ra xa. Nhận được thông tin, Hải đội 2, BĐBP tỉnh Quảng Nam đã điều ca nô lai dắt thành công thuyền cá cùng hai ngư dân vào bờ an toàn.
Cũng trong sáng cùng ngày, CAH Đại Lộc nhận được tin báo từ CAX Đại An có sản phụ Vũ Thị Việt Trinh (23 tuổi) khi được chuyển đến Trạm Y tế xã Đại An thì gặp nước lũ quá lớn. Tại đây chỉ có ghe nhỏ không thể chuyển sản phụ đến Bệnh viện Đa khoa phía Bắc Quảng Nam (TT Ái Nghĩa) để sinh nên nhờ lực lượng CAH Đại Lộc hỗ trợ. Nhận được tin báo, lãnh đạo CAH Đại Lộc đã huy động lực lượng CBCS đang ứng trực lũ lụt điều khiển ca nô đến xã Đại An để giúp và đã đưa được sản phụ và người nhà đến bệnh viện an toàn để sinh.
Lũ lớn ngập đến nửa nhà của một hộ dân tại TT Nam Phước (H. Duy Xuyên, Quảng Nam). Ảnh: Trần Tân |
Trưa 16-12, khu vực ngã ba Nam Phước và khu đô thị mới Nam Phước bị ngập nặng. Đường độc đạo lên Thánh địa Mỹ Sơn và các xã vùng tây H. Duy Xuyên bị ngập sâu, có nơi gần 1m. QL1A (cũ) khu vực này cũng ngập cục bộ. Người dân từ Điện Bàn muốn di chuyển qua Duy Xuyên phải dùng ghe. Tại trung tâm TX Điện Bàn, có nơi mực nước cũng lên cao hơn 0,5m gây khó khăn cho các phương tiện qua lại.
Người dân TT Nam Phước (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) lưu thông trên tuyến QL1A (cũ). Ảnh: Trần Tân |
Đặc biệt, tại khu vực Làng Hồi (TT Khâm Đức, H. Phước Sơn) 19 giờ ngày 15-12, mưa lớn đã gây đổ cột ăng-ten phát sóng di động và sạt lở nghiêm trọng đoạn đường Hồ Chí Minh qua khu vực này. Vị trí sạt lở với chiều dài 200m, khối lượng đất đá đổ xuống đường lớn khiến cho việc khắc phục khó khăn. Đến chiều 16-12, hàng trăm phương tiện xe ô-tô các loại bị ách tắc trên đoạn đường dài gần 2km.
Chiến sĩ CA bế cháu bé qua đoạn đường ngập lũ. Ảnh chụp tại QL1A đoạn qua H. Phú Lộc, TT-Huế, ngày 16-12. |
TT-Huế thiệt hại nặng nề
Ngày 16-12, lực lượng cứu hộ và gia đình đã tìm thấy thi thể em Hoàng Thế Ái (trú P.Hương Chữ, TX Hương Trà)- học sinh lớp 7 Trường THCS Lê Quang Tiến do bị nước lũ cuốn trôi. Chiều 15-12, em Ái đi chơi với 2 bạn cùng xóm trên đường trở về nhà băng qua bờ tràn Cừa, P. Hương Chữ (TX Hương Trà) bị trượt ngã nước lũ cuốn trôi mất tích. Cũng trong chiều 15-12, Nguyễn Thị Thúy H. (ở xã Thủy Thanh, TX Hương Thủy), sinh viên Trường cao đẳng Y tế Huế, trên đường đi học về không may bị nước lũ cuốn xuống sông Như Ý. Vào thời điểm trên, nạn nhân đã được ông Nguyễn Thanh Phước, 73 tuổi ở cùng làng kịp thời phát hiện và đã lao xuống dòng nước chảy xiết cứu nạn nhân lên bờ an toàn. Trước đó, ngày 14-12, ông Phạm Minh Trí (trú xã Hồng Tiến, TX Hương Trà) trên đường đi chăn trâu trở về nhà ngang qua suối Khe Trái thì bị nước lũ cuốn trôi thiệt mạng.
Trong ngày 16-12, một đoạn đường sắt Bắc - Nam đoạn phía Bắc TP Huế đang bị nước lũ chảy tràn qua khiến một số đoàn tàu phải di chuyển chậm. Lúc 12 giờ hơn, 1 tàu hàng “kẹt lại” tại gác chắn do phải dò đường bị ngập. Một số đoạn đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu vực Ga Văn Xá (TX Hương Trà, TT-Huế) cũng đang ngấp nghé nước. Tính đến cuối giờ chiều 16-12, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.500 hộ dân ở các huyện: Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền và TX Hương Trà bị ngập. Đến chiều 16-12, trên địa bàn tỉnh vẫn có mưa lớn liên tục, kết hợp lũ dâng ở mức cao, đồng thời các hồ chứa trên địa bàn đã đạt mức nên sẽ tiếp tục vận hành xả lũ. Theo Ban PCLB & TKCN tỉnh, đợt lũ này ngoài 2 người thiệt mạng thì hàng trăm héc-ta hoa màu trên địa bàn tỉnh bị hư hại, ngập chìm trong lũ.
* Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu Đoàn công tác trực tiếp thị sát tình hình phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt tại Bình Định. Phó Thủ tướng có cuộc làm việc chớp nhoáng với lãnh đạo UBND tỉnh, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động mọi nguồn lực ứng phó mưa lũ, cứu trợ ngay lương thực cho những vùng ngập sâu, cô lập, không để dân bị đói, khát.
Nhóm P.V Thời sư