Đổi thay A Xan

Thứ năm, 16/06/2016 11:16

(Cadn.com.vn) - Trong cái nắng rát bỏng và ngọn gió Lào hanh khô, chúng tôi vượt qua những cung đường hiểm trở đến với xã miền núi A Xan, huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam. Những mái nhà bằng tranh, tre, nứa, lá đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố. Những ngôi trường được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Công trình phục vụ dân sinh như điện chiếu sáng, nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng đều được xây dựng tại các thôn, bản… Tất cả như muốn nói lên một điều, cuộc sống ấm no, đủ đầy đang hiện diện ở vùng biên giới này.

Học sinh đồng bào dân tộc thiểu số xã biên giới A Xan được học tập trong điều kiện tốt hơn. 

Diện mạo mới 

Hơn 10 năm trước, xã biên giới A Xan là một trong những vùng rừng núi hoang sơ nhất ở phía tây tỉnh Quảng Nam. Địa hình nơi đây quá hiểm trở lại chưa có đường ô-tô vào xã nên vùng đất này gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. "Thời gian đó, mọi công văn, chỉ thị của cấp trên hay thư từ liên lạc để vào tận xã nhanh nhất cũng phải nửa tháng trời. Cuộc sống người dân muôn đời vẫn dựa vào sự ưu ái của thiên nhiên, từ cái ăn đến thuốc chữa bệnh đều thu nhặt từ những sản vật của núi rừng. Người dân A Xan quen với lối sống tự cung tự cấp, cái nghèo cái đói đeo bám họ từ đời này qua đời khác", thầy Nguyễn Viết Trường - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng, người có hơn 10 năm công tác tại đây, kể lại.

Thế mà, sau gần 10 năm trở lại vùng đất biên giới xa xôi này, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi A Xan khoác trên mình một diện mạo mới. Con đường bê-tông dẫn vào xã đã được hoàn thiện. Nhờ đó, sự giao lưu của bà con với bên ngoài được mở rộng. Kinh tế địa phương ngày càng phát triển, đời sống tinh thần của bà con cũng được nâng lên đáng kể.

"Cuộc sống người dân đang ngày một khởi sắc, hiển hiện trên những bản làng xanh mướt lúa, ngô, trên những vườn cây trĩu quả, những đàn gia súc ngày một nhiều. Từ chỗ chỉ biết chọc lỗ trồng lúa nương rẫy, bà con nơi đây đã có cả hệ thống thủy lợi dẫn nước phục vụ trồng lúa nước 2 vụ mỗi năm. Nhờ sự thay đổi trong cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng như thói quen lao động sản xuất mà đời sống bà con được cải thiện đáng kể. Trước đây, mỗi năm phải ăn sắn, ăn bắp 9 đến 10 tháng thì hiện nay bà con đã chủ động được nguồn lúa gạo khoảng 8 tháng", Thiếu tá Bùi Đức Hạnh - Chính trị viên Đồn biên phòng A Xan, vui mừng thông báo.

Bữa cơm tươm tất của học trò Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS A Xan.

Niềm vui từ con chữ

Cũng như nhiều xã miền núi khác trong cả nước, với địa hình hiểm trở lại bị sông núi chia cắt nên sự nghiệp phát triển giáo dục ở A Xan gặp vô vàn khó khăn. Bởi vậy, thật không sai khi lại dùng hình ảnh "cõng chữ lên non" để diễn tả nỗi vất vả, nhọc nhằn của những giáo viên công tác tại vùng núi xã biên giới này.

Thầy Nguyễn Viết Trường - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS A Xan, chia sẻ: "Có lẽ điều khác biệt nhất của trường so với các trường vùng núi khác là tỉ lệ giáo viên người đồng bào dân tộc chiếm số lượng cao. Trong tổng số 24 CBGV của toàn trường thì phần đông giáo viên có gốc là người bản địa. Vì vậy, việc phân công giáo viên cắm tại các điểm trường lẻ gặp nhiều thuận lợi. Công tác vận động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số hằng năm luôn thực hiện tốt. Chương trình tăng cường dạy tiếng Việt cũng được triển khai có hiệu quả. Vì thế, chênh lệch về chất lượng học sinh của trường so với các trường vùng xuôi được thu hẹp".

Sau khi tuyến đường từ trung tâm xã đến trung tâm H. Tây Giang hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc nơi đây theo đuổi ước mơ học chữ. Thầy Trường cho hay: Những năm trước đây, số lượng học sinh sau khi hoàn thành chương trình tiểu học tiếp tục theo học tại trường phổ thông dân tộc nội trú huyện rất hạn chế. Một phần vì đường sá đi lại cách trở, gặp nhiều khó khăn; phần vì cuộc sống bà con nơi đây quá nghèo buộc học sinh phải bỏ học giữa chừng. So với trước kia, giờ đây phong trào học tập ở xã miền núi này đã phát triển rõ rệt. Hầu hết con em các bản đều đến trường đúng độ tuổi và hầu như tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng không còn. Số lượng học sinh giỏi, học sinh tiên tiến hằng năm đều tăng.

Thiếu tá Bùi Đức Hạnh phấn khởi nói: Những kết quả của sự nghiệp giáo dục ở vùng biên giới nơi đây là kết quả từ nỗ lực của chính quyền, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh. Cùng với đó là sự chung tay vào cuộc của lực lượng cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong cuộc chiến chống giặc đói, giặc dốt trong thời gian qua.

Khải Minh