Đổi thay trên vùng đất "đi đầu diệt Mỹ"

Thứ hai, 23/03/2020 18:00

Thời chiến, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam được phong tặng danh hiệu: "Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ". Đến nay, chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, trên vùng đất đầy nắng gió này, Quảng Nam từ một tỉnh nghèo vươn lên trở thành địa phương phát triển khá ở khu vực miền Trung.

Một góc TP Tam Kỳ (Quảng Nam) ngày nay.

Ngược dòng lịch sử

Ngày 17-5-1965, một đại đội lính Mỹ từ căn cứ Chu Lai lên phía tây Quốc lộ 1, chốt điểm ở Núi Thành để bảo vệ phía Tây căn cứ Chu Lai. Đêm 25 rạng ngày 26-5-1965, đại đội lính Mỹ này đã bị Đại đội 2 của Tiểu đoàn 70 Quảng Nam được tăng cường 12 chiến sĩ của Đại đội Đặc công 16 tiêu diệt sau 30 phút chiến đấu. Lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược" tung bay trên đỉnh Núi Thành.

Chiến thắng Núi Thành tuy là trận đánh nhỏ, số lượng quân Mỹ bị tiêu diệt không nhiều, song có ý nghĩa lịch sử, nói lên tinh thần cách mạng tiến công, sự mưu trí, linh hoạt và dũng cảm của quân ta hoàn toàn có khả năng diệt quân Mỹ, dù chúng có ưu thế về trang bị và hỏa lực. Đại đội 2 Tiểu đoàn 70 được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cờ "Lập công đầu, diệt gọn từng đơn vị chiến đấu Mỹ".

Phát huy tinh thần "Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược", quân và dân Quảng Nam đã thực hiện sáng tạo và linh hoạt phương châm "2 chân, ba mũi giáp công", từng bước đánh bại hai chiến dịch mùa khô năm 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ- ngụy. Chiến thắng Núi Thành lịch sử và nhiều chiến công vang dội khác, sáng tạo "Vành đai diệt Mỹ", với việc tìm tòi cách đánh Mỹ, đấu tranh chính trị, binh vận với quân Mỹ, sáng tạo phương châm "3 bám" (Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch), kịp thời rút kinh nghiệm báo cáo lên cấp trên để chỉ đạo chung. Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam đã góp phần vào kinh nghiệm đánh Mỹ của nhân dân miền Nam và cả nước.

Với những thành tích tiêu biểu đó, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, ngày 17-9-1967, với sự tham dự của đại biểu các tỉnh, thành và các Quân khu, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên dương Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam danh hiệu: "Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ".

Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng, là một trong những điểm son tô thắm thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời là niềm vinh dự, tự hào to lớn, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà phát huy truyền thống cách mạng, liên tục tấn công tiêu diệt địch. Và với khí thế tấn công thần tốc, ngày 24-3-1975, thị xã Tam Kỳ được giải phóng, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ngành cơ khí ô-tô đang đóng góp một phần quan trọng vào nền kinh tế của Quảng Nam.

Người cắm cờ trên Tỉnh đường Quảng Tín

Nhớ lại mốc son lịch sử ngày 24-3-1975 của Quảng Nam, ông Trần Đăng Phục (1946, P. Tân Thạnh, TP Tam Kỳ) không thể nào quên. Bởi ông chính là người đã cắm lá cờ cách mạng trên nóc Tỉnh đường Quảng Tín trưa 24-3 năm ấy. Nói về cuộc đời cách mạng của mình, ông Phục cho biết, sau nhiều năm theo cách mạng và bị địch giam cầm khắp các nhà lao, như: Nhà lao Con Gà (Đà Nẵng), Quảng Tín, Non Nước, Phú Quốc, Côn Đảo... Đến năm 1973, toàn bộ tù cách mạng ở Côn Đảo được trao trả theo Hiệp định Paris, ông Phục về làm nhiệm vụ ở tỉnh Tây Ninh, rồi được Quân khu 5 đón về lại đơn vị cũ, bấy giờ đã là Đại đội V18. Sau, ông được điều qua Đội công tác phường 4 khu 1, tiếp tục nhiệm vụ bám cơ sở, đi vào nội thị để xây dựng lực lượng chuẩn bị cho ngày giải phóng.

Đêm 23 rạng sáng 24-3-1975, ông Phục đang nấu cơm dưới bếp thì được đồng chí Phan Bá Cung (đội trưởng) gọi lên giao nhiệm vụ một cách bất ngờ. "Lúc đó, tôi được giao một lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, 2 miếng lương khô và súng để làm nhiệm vụ dẫn đầu một đội vượt sông Trường Cửu. Đến 5 giờ sáng 24-3, cả đội tiến thẳng vào tỉnh đường Quảng Tín, cùng lúc đó có một đội xe tăng tiến từ Kỳ Thạnh ra. Đến 10 giờ 30 phút, tôi đã treo lá cờ của cách mạng lên nóc tỉnh đường, quân ta chính thức làm chủ tỉnh đường Quảng Tín, tiếp tục giải phóng toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Lúc đó niềm phấn khởi làm sao mà diễn tả hết, nước mắt rơm rớm, lòng rạo rực phấn chấn không biết nói gì"- người chiến sĩ cách mạng Trần Đăng Phục nhớ lại.

Rũ bỏ đau thương, vươn mình phát triển

Gần nửa thế kỷ đã qua, quê hương "Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ" năm xưa đã rũ bỏ những đau thương chiến tranh để vươn mình lên tầm cao mới. Cùng với TP Đà Nẵng anh em, Quảng Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục, đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Hiện, Quảng Nam đã tạo ra được thế và lực mới, một sức bật mới cho chặng đường phát triển ở giai đoạn mới. Từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Cụ thể, quy mô kinh tế tăng hơn 30 lần, trong đó, công nghiệp - dịch vụ chiếm hơn 88% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 160 lần. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 53 triệu đồng, vượt mức bình quân cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được mở rộng...

Có thể nói, dù ở thời điểm nào, mảnh đất kiên trung này vẫn luôn mang sức sống kỳ diệu. Ngày nay, cái tên Chu Lai đã nổi tiếng cả nước với sự phát triển mạnh mẽ, bứt phá của Khu kinh tế mở Chu Lai. Vùng cát trắng năm xưa nay đã được thay thế bởi nhà máy, khu công nghiệp hiện đại. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nối với cảng biển Chu Lai chạy dọc qua khu ô-tô Trường Hải như một con rồng lớn đang vươn ra biển Đông. Những thành quả đã đạt được minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, quyết liệt, ý chí không cam chịu đói nghèo, tụt hậu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam.

TRẦN TÂN