Đối tượng chém trọng thương Chủ tịch phường ở Huế đối diện với mức án nào?
Theo điều tra ban đầu, đối tượng Võ Trọng Tối có quan hệ họ hàng với nạn nhân là ông Võ Đức D.(SN 1964, trú tại phường Thủy Châu, hiện đang là Chủ tịch UBND phường Thủy Châu).
Do có mâu thuẫn cá nhân nên vào khoảng 6 giờ 30 – 7 giờ ngày 15-5, Võ Trọng Tối đem theo dao mang, từ nhà đi xe máy đến nhà ông D. đợi sẵn trước cổng. Khi thấy nạn nhân đi bộ thể dục về, đối tượng đến gần giả vờ hỏi chuyện rồi dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào bụng nạn nhân. Sau khi gây án, đối tượng Võ Trọng Tối điều khiển xe máy bỏ trốn khỏi hiện trường.
Nhận được tin báo của người dân, Công an thị xã Hương Thủy phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an phường Thủy Châu và các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai các chốt chặn trên địa bàn toàn tỉnh và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, vây bắt đối tượng. Đến khoảng 8 giờ 50 phút cùng ngày, tổ công tác của Công an thị xã Hương Thủy phát hiện đối tượng đang chạy xe trên đường cao tốc La Sơn - Túy Loan ra hướng phía Bắc nên đã nhanh chóng đuổi theo và bắt giữ thành công đối tượng. Được biết, đối tượng Võ Trọng Tối đã có tiền án về tội “Giết người” vào năm 1993.
Việc đối tượng Võ Trọng Tối lấy dao đâm nhiều nhát với Chủ tịch phường Thủy Châu sẽ đối diện với mức án nào?
Chia sẻ Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, Luật sư Nguyễn Viết Hưng – Công ty Luật TNHH MTV AMI (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết, thứ nhất, xét về tính chất, mức độ thì hành vi của đối tượng là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Trong vụ việc này, đối tượng Võ Trọng Tối đã lợi dụng tình trạng không phòng bị của nạn nhân và sử dụng hung khísử dụng hung khí để tấn công bằng việc đâm liên tiếp nhiều nhát vào vùng bụng. Về vị trí tấn công vùng bụng là vùng trọng yếu của cơ thể bởi lẻ khu vực này có nhiều cơ quan, nội tạng, nếu con người bị tổn thương ở vùng này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Không những vậy, hành vi đâm nhiều nhát liên tục thể hiện sự tàn bạo, mang tính quyết liệt, qua đó có thể thấy rằng mục đích của đối tượng không chỉ dừng ở việc xâm hại sức khỏe mà còn là muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Việc nạn nhân được đưa đi cấp cứu kịp thời nằm ngoài ý chí chủ quan của đối tượng.
Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ khả năng nhận thức của đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội. Nếu cơ quan điều tra có cơ sở để xác định đối tượng hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là có thể tước đoạt tính mạng nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi thì đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội giết người theo quy định tại Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với tội này có thể lên đến chung thân hoặc tử hình.
Trong trường hợp, có căn cứ xác định đối tượng đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hầu Tỷ