Đội tuyển người tị nạn ở Olympic Rio 2016
(Cadn.com.vn) - Olympic Rio 2016 có tất cả 203 quốc gia gửi VĐV tới tranh tài. Ngoài ra, kỳ Olympic lần này còn chứng kiến một đội tuyển đặc biệt nữa, đó là Đội tuyển người tị nạn thi đấu dưới lá cờ của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Ở những kỳ Olympic trước, những VĐV tị nạn không đủ quyền để đại diện quốc gia thi đấu nên đành ở lại... trại tị nạn. IOC đã lựa chọn từ 43 VĐV ở các trại tị nạn để chọn ra 10 người ưu tú nhất. Trong số đó, nữ VĐV bơi lội người Syria, Yusra Mardini là người có hành trình chông gai nhất.
Yusra Mardini - cô gái 18 tuổi bảo rằng sau "chuyến bơi" cho cuộc đời thì đây là lần bơi cho niềm vui cuộc sống. Mardini và người chị ruột Sarah buộc phải rời khỏi nhà ở Damascus vì bị phá hủy. Hai chị em băng bộ qua các trại tị nạn ở Lebanon, và cũng giống như hàng nghìn người Syria khác, họ quyết định tìm cuộc sống mới ở Châu Âu bằng cách vượt biển trên con thuyền cũ kỹ, thiếu dụng cụ để tới Hy Lạp. Con thuyền mà Mardini đi chở 20 người vượt biển là con số quá tải nên nửa chừng bị chìm dần. Trong số 20 người trên thuyền chỉ có 4 người biết bơi. Mardini kể lại cô phải một tay giữ chặt dây để cứu thuyền trong suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ cùng với chị Sarah và 2 người còn lại để đẩy thuyền vào đảo Lesbos của Hy Lạp. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên, không thể diễn tả được nhưng thực sự cho thấy khát vọng sống và hòa bình của người tị nạn.
Yusra Mardini sẽ tham gia tranh tài tại Olympic Rio với tư cách là thành viên của đội tuyển người tị nạn. |
Yusra Mardini từng thi đấu cho đội tuyển Syria tại giải VĐTG năm 2012. Ngay sau khi tới Berlin, cô gái Syria này nhận được thư mời gia nhập đội tuyển của IOC. Chưa đầy một năm sau khi phải rời quê hương, Mardini thừa nhận "giấc mơ dự Olympic đã trở thành sự thật". Điều Mardini muốn thể hiện nhất ở Rio không phải là năng lực thi đấu mà cô muốn cùng với đồng đội cho thế giới thấy được "người tị nạn" không phải là một từ xấu. Những người từng cùng chiếc thuyền vượt biển này đều hết lòng ủng hộ Mardini thi đấu ở nội dung 100m tự do và 100m bướm. "Tất cả họ đều biết tôi góp mặt ở Olympic Rio 2016 và từng nói với tôi rằng bạn xứng đáng được như thế", Mardini nói.
Cô gái người Syria nói rằng: Vị nam tước người Pháp Baron Pierre de Coubertin sáng lập ra Olympic hiện đại cùng với phương châm "Điều quan trọng trong cuộc sống không phải là chiến thắng mà là cuộc tranh đấu". Với cô, thông điệp cho Olympic ở thế kỷ XXI đơn giản chỉ là "Đừng bao giờ bỏ cuộc".
Hạnh Thuần