Đội tuyển Việt Nam đấu Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc: Như một "bảng đấu" vòng loại World Cup!
3 trận đấu giao hữu của thầy trò HLV Troussier đều nhằm vào các đối thủ trên cơ: Hàn Quốc (hạng 26 thế giới, thứ 3 châu Á), Uzbekistan (75 thế giới, 10 châu Á) và Trung Quốc (80 thế giới, 11 châu Á). Đây cũng có thể xem tương tự là một "bảng đấu" chất lượng cao ở vòng loại World Cup, để HLV Troussier có những màn "tổng duyệt" trước khi bước vào World Cup 2026.
Ngoại trừ đẳng cấp, Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc cũng là những đại diện tiêu biểu cho các trường phái bóng đá Đông Á và Tây Á, từ hình thể cho đến lối chơi, là những "bản sao" của các đối thủ mà đội tuyển Việt Nam phải đối mặt ở ASIAN Cup 2024, vòng loại thứ 2 hoặc xa hơn là World Cup 2026 khu vực châu Á.
Với việc được cọ xát cùng những đội tuyển chất lượng, HLV Troussier có những toan tính nào?
Thông qua các giải đấu từ U23 Đông Nam Á, VCK U23 châu Á và mới nhất là ASIAD 19, có thể nhận ra bóng đá Việt Nam được quy về một quỹ đạo chung: ưu tiên cho đội tuyển quốc gia. Nhìn vào 33 cái tên được HLV Troussier triệu tập, cầu thủ trong độ tuổi U23 chiếm gần một nửa, đều là những gương mặt đã trải qua quá trình dài làm việc và đáp ứng những yêu cầu về chuyên môn của nhà cầm quân người Pháp. Việc tiếp tục trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ góp mặt tại đội tuyển quốc gia không chỉ giúp đảm bảo tính liên tục trong quá trình phát triển của họ mà còn duy trì sự cạnh tranh tích cực trong đội hình đội tuyển cũng như tạo sự ổn định về lực lượng để hướng tới các mục tiêu trọng điểm trong những năm tiếp theo. Điều này cũng được thể hiện rõ nét qua sự phân bổ đồng đều các cầu thủ trẻ lứa U23 tại các tuyến, trong đó có thể kể đến Nguyễn Văn Việt ở vị trí thủ môn; Lương Duy Cương, Phan Tuấn Tài, Hồ Văn Cường, Võ Minh Trọng ở hàng phòng ngự; Khuất Văn Khang, Hoàng Văn Toản, Giáp Tuấn Dương, Lê Văn Đô, Nguyễn Đức Phú, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Đình Bắc ở hàng tiền vệ; Nguyễn Văn Tùng, Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Thanh Nhàn ở hàng tiền đạo.
Tất nhiên lực lượng chủ lực ở cấp đội tuyển quốc gia vẫn sẽ là những "chiến binh" đã thành danh, dày dạn kinh nghiệm như Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Hồ Tấn Tài, Đoàn Văn Hậu, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Tuấn Anh, Phạm Tuấn Hải, Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Văn Toàn…
Hành trình hướng đến World Cup 2026 là một chặng đường dài nên tuổi tác, phong độ của các trụ cột sẽ là gánh nặng khiến họ không chắc chắn sẽ tiếp tục trụ vững cho đến cuối hành trình. Vì thế, nhiệm vụ của HLV Troussier là sẵn sàng các phương án dự phòng, để khi "bất trắc" xảy ra sẽ có phương án thay thế một cách chủ động cũng như tìm kiếm gương mặt mới cho đội tuyển.
Không nơi nào khác, những trận giao hữu với Trung Quốc, Hàn Quốc hay Uzbekistan là dịp rất tốt để trui rèn về chuyên môn cũng như bản lĩnh và kinh nghiệm quốc tế cho lực lượng kế cận, y như cách HLV Troussier từng làm trong 3 trận giao hữu với Hồng Kông (Trung Quốc), Syria và Palestine. Ngược lại, các đàn anh cũng phải chứng tỏ kinh nghiệm, bản lĩnh, thái độ trong tập luyện, thi đấu để cạnh tranh vị trí một cách công bằng lứa trẻ, xây dựng niềm tin từ HLV Troussier, góp phần cùng ông xây dựng lối chơi, tìm bộ khung chính của đội tuyển cho 2 trận đấu chính thức vào tháng 11 tới với Philippines và Iraq.
Kết quả thắng thua ở 3 trận giao hữu có thể rất quan trọng, nhưng có thể không. Mục tiêu mà HLV Troussier lẫn VFF đang kiên định theo đuổi là xây dựng một đội tuyển giàu chất tấn công hơn. 3 trận giao hữu là 3 cơ hội để HLV Troussier và các học trò tiếp tục hoàn thiện và vận hành thuần thục hơn ý đồ chiến thuật, lối chơi và đặc biệt rèn khả năng phòng ngự, phương án tấn công ở áp lực và cường độ cực cao. Tuyển thủ nào vượt qua những thử thách này sẽ là ưu tiên trong danh sách cuối cùng của HLV Troussier.
S.T