Đón các anh về...
Sau 15 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng quân sự H. Phước Sơn (Quảng Nam) cùng các ngành chức năng và thân nhân các liệt sĩ đã tìm thấy hố chôn 17 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 404 (Quân khu V), hy sinh trong trận đánh vào căn cứ Mỹ tại sân bay Khâm Đức cách đây 50 năm (sáng 5-8-1970). Việc tìm thấy hài cốt 17 liệt sĩ đã kết thúc hành trình hơn 20 năm miệt mài tìm kiếm của đồng đội, gia đình cùng các ngành chức năng.
Lực lượng chức năng cùng gia đình tìm kiếm, phát hiện 17 hài cốt liệt sĩ đặc công chôn chung một hố. |
"Cứ nghĩ chỉ có trong mơ"
Ngày 4-6, thông tin về phát hiện trên, Thượng tá Phan Anh Hải - Chính trị viên Cơ quan quân sự H. Phước Sơn cho biết, với sự thống nhất của chính quyền huyện, từ ngày 16-5, việc tìm kiếm mộ chung của các liệt sĩ được tiến hành. Cuộc tìm kiếm lần này có sự hỗ trợ tích cực từ các cựu binh Mỹ trong việc xác định vị trí. Sau khi so sánh với các hình ảnh tư liệu đã cho thấy, vị trí tương đối chuẩn xác tại khu vực sân bay Khâm Đức. Tuy nhiên, việc tìm kiếm lần này cũng hết sức khó khăn, có những thời điểm lực lượng tìm kiếm nản lòng. Nhưng nhìn thấy sự mong mỏi, khấn nguyện mong tìm được cha, anh, chú, cậu... của thân nhân các liệt sĩ và các cựu chiến binh hàng ngày túc trực tại hiện trường theo dõi tìm kiếm đồng đội đã thôi thúc lực lượng tìm kiếm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi mở rộng vị trí tìm kiếm, đến chiều ngày 1-6, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện một số mảnh xương ống và nhiều mẫu vật như dây lưng quần, dây dù... trùng khớp với hình ảnh video tư liệu do những cựu binh Mỹ cung cấp. Sau 2 ngày tiếp tục lựa từng mẫu vật dù là nhỏ nhất, việc tìm kiếm đã cơ bản hoàn tất. Hài cốt đầu tiên được phát hiện khi đào xuống 3 mét, hài cốt sâu nhất gần 5 mét. Việc tìm thấy hố chôn tập thể 17 chiến sĩ đặc công hy sinh tại trận địa Khâm Đức lần này được xem là kỳ tích. Bởi hơn 20 năm qua, thân nhân các gia đình liệt sĩ và các cựu chiến binh đồng đội năm xưa đã tiến hành hàng chục cuộc tìm kiếm, hàng ngàn khối đất đá tại khu vực sân bay Khâm Đức được xới tung lên vẫn không tìm thấy.
Cựu chiến binh Phạm Công Hưởng, là người luôn có mặt trong những lần tìm kiếm đồng đội mình, nhưng vì lý do sức khỏe, lần tìm kiếm này ông chỉ tham gia hơn 10 ngày đầu rồi ra Hà Nội dưỡng bệnh. Khi nghe tin đã tìm thấy đồng đội mình, ông đã chia sẻ trên facebook: "Một câu chuyện có thật, nhưng vẫn cứ nghĩ chỉ có trong mơ. 17 bộ đội đặc công ra đi đến nay tròn 50 năm. Hơn 20 năm qua, những người ở lại - các CCB đồng đội của họ, với sự phối hợp của CCB Mỹ, gác lại quá khứ, cùng nhau giải quyết tồn đọng chiến tranh. Kết quả thành công đã đến, niềm vui trong nước mắt - nước mắt của hạnh phúc".
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND H. Phước Sơn cho biết, việc tìm kiếm ngôi mộ tập thể của 17 chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 404 đã kết thúc tốt đẹp. Huyện Phước Sơn đã thông báo cho thân nhân gia đình các liệt sĩ được biết. Theo nguyện vọng của gia đình các liệt sĩ và các cựu chiến binh Tiểu đoàn 404, mong muốn các liệt sĩ được an táng chung trong một ngôi mộ. Hiện nay, hài cốt các liệt sĩ được đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện để làm lễ truy điệu theo quy định. Dự kiến lễ truy điệu sẽ diễn ra vào sáng nay (5-6).
Lực lượng chức năng và người thân đưa hài cốt các liệt sĩ lên khỏi hố chôn. |
Lịch sử hào hùng
Nói về trận đánh ác liệt trên, ông Phạm Công Hưởng - chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 404 nhớ lại: Tháng 7-1970, tại Khâm Đức, Mỹ đã đổ xuống một Lữ đoàn 196, một tiểu đoàn pháo binh và một số đơn vị quân ngụy. Chúng bố trí 4 khẩu đại bác 105 ly, hầm chứa đạn, máy phát điện và Trung tâm điều khiển hỏa lực. Ngoài quân lính pháo binh ra, chúng còn bố trí 2 đại đội thuộc Lữ đoàn 196, Sư đoàn Americal, lục quân Mỹ. Địch thường xuyên tung quân xuống các vùng xung quanh để khống chế toàn bộ khu vực, lấy Khâm Đức làm trung tâm.
Quyết tâm đánh địch bảo vệ vùng giải phóng Khâm Đức và giữ vững huyết mạch giao thông tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Khu 5, Tây Nguyên và hạ Lào, đồng chí Đàm Quang Hà - Tiểu đoàn trưởng 404 nhận mệnh lệnh từ đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5: Theo chủ trương của Trung ương và Bộ Chính trị, chiến trường miền Nam chia sẻ cho hậu phương miền Bắc, tìm và đánh quân Mỹ vào đúng dịp ngày 5-8 (sự kiện Vịnh Bắc bộ 5-8-1964 - Mỹ vi phạm lãnh thổ Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc).
Chấp hành mệnh lệnh của Quân khu giao, Tiểu đoàn Đặc công 404 chia thành 2 cánh: Một cánh gồm có C1, C2 và phân đội cối 82 vòng về phía Sông Thanh và Sông nước Tẻo. Bộ phận hỏa lực gồm có cối 82, 60 đặt trên các điểm cao để bắn chi viện yểm trợ cho mũi chủ yếu, tập kích cối vào các cao điểm và đánh vào sân bay Khâm Đức từ hướng Tây Bắc. Cánh khác có nhiệm vụ tập kích đánh thẳng vào trận địa pháo tại sân bay, đây là mũi chủ yếu của ta, mũi được chia thành 2 tổ. Trang bị vũ khí cho bộ đội ở mỗi tổ gồm có bộc phá dài, thủ pháo, lựu đạn, bộc phá, súng B40, súng tiểu liên AK47 và kéo cắt hàng rào dây thép gai. Để phối hợp và hỗ trợ cho mũi chủ yếu còn có các bộ phận cảnh giới bảo vệ, tổ dự bị khuyếch trương, dương công làm nhiệm vụ đánh nghi binh thu hút hỏa lực của địch.
Xác định đây là trận đánh vô cùng quan trọng, quả cảm, quyết tử để hoàn thành nhiệm vụ của Tiểu đoàn, lực lượng nòng cốt của mũi chủ yếu lấy từ CBCS đại đội 3. Các CBCS được chọn cử đi đánh trận này đều phải được chọn từ những cán bộ, đảng viên, đoàn viên ưu tú, là đối tượng cảm tình Đảng, đều có tinh thần dũng cảm, mưu trí, có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu. Do tính phức tạp và ý nghĩa vinh quang, đồng thời nhiệm vụ rất nặng nề của trận đánh, nên trước khi ra trận có làm lễ ra quân giao nhiệm vụ, tuyên thề, xác định cảm tử trước khi xung trận.
Đưa các anh vào nghĩa trang liệt sĩ H. Phước Sơn để chuẩn bị cho lễ truy điệu. |
Đêm ngày 4-8-1970, khắc phục chướng ngại vật để tiếp cận mục tiêu. Đến 4 giờ ngày 5-8-1970, hàng loạt tiếng bộc phá, B40, thủ pháo nổ của ta đồng loạt, dồn dập vang trời của cả trận chiến; quá trình giao tranh, giành giật vô cùng ác liệt. Đến những phút cuối được lệnh rút quân qua cửa mở, nhưng các anh bị 2 máy bay trực thăng Mỹ từ trên cao bắn đạn 12 ly và phóng pháo xối xả xuống cửa mở bịt lối rút quân của ta. Cả 17 CBCS của Tiểu đoàn đã giao chiến quả cảm đến phút cuối cùng và đã anh dũng hy sinh trong đồn địch, ta không lấy được tử thi. Trong trận này có 2 đồng chí thoát hiểm ra bên ngoài và về được hậu cứ nơi đóng quân của đơn vị.
"Đúng như dự đoán, 20 ngày sau trận đánh địch phải rút chạy khỏi Khâm Đức. Khi chúng tôi vào tiếp cận chốt ở sân bay với tâm niệm tìm được thi hài của 17 đồng chí đã hy sinh nhưng không tìm được. Nghe phản ánh của một nguồn tin là sau trận đánh, địch dùng máy ủi, ủi xác 17 đồng chí xuống một hố bom gần đó. Vì trong lúc chiến tranh, chúng tôi phải tiếp tục tập trung cho chiến đấu, trả thù cho đồng đội đã hy sinh, nên đành phải tạm gác lại công việc tìm kiếm. Trong trận này, ta tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ và phá hủy nhiều vũ khí, hỏa lực của địch. Do bị thiệt hại nặng, lo sợ, hoảng hốt, sau 20 ngày địch phải bốc quân tháo chạy khỏi cứ điểm Khâm Đức. Từ ngày 26-8-1970 trở đi, trên quê hương Khâm Đức hoàn toàn không còn bóng tên xâm lược Mỹ - ngụy"- ông Phạm Công Hưởng kể lại.
TRẦN TÂN
>> Long trọng tổ chức Lễ Truy điệu và an táng 17 liệt sĩ đặc công
>> Tìm thấy hố chôn 17 liệt sĩ đặc công ở khu vực sân bay Khâm Đức