Đón đầu chuyển đổi số, Đại học Đà Nẵng mở thêm ngành mới

Thứ tư, 07/04/2021 13:00

Bên cạnh những ngành truyền thống, trong kỳ tuyển sinh năm 2021, ĐH Đà Nẵng mở thêm các ngành nghề mới theo hướng chuyển đổi số. Những ngành nghề này sẽ là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực quan trọng, đón đầu giai đoạn chuyển đổi số của cả nước và bắt kịp thời đại.

 

Mở thêm các ngành chuyển đổi số

Ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho hay, năm 2021, trường sẽ mở thêm các ngành theo hình thức chuyển đổi số. Đây là những ngành được kết hợp giữa ngành truyền thống với công nghệ thông tin, nhằm thích ứng với thời đại số. Các ngành mới gồm: Công nghệ kỹ thuật kiến trúc; Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị e-logistics); Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số); Công nghệ thông tin (chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo); Công nghệ thông tin (chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số).

Theo ông Lê Quang Sơn, đây là bước đón đầu chuẩn bị đội ngũ nhân sự cho thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập vào thế giới số. Những ngành này ở Việt Nam là mới, nhưng ở nhiều nước trên thế giới đã có từ cách đây khoảng 5 năm. Học sinh sau khi đào tạo các ngành này sẽ có thể dễ dàng tìm công việc tốt, phù hợp với chuyên ngành. Đại học Đà Nẵng xác định những ngành nghề chuyển đổi số là ngành nghề đào tạo then chốt, đón đầu thời đại.

Điểm mới trong tuyển sinh

Ông Lê Quang Sơn cho hay, ĐH Đà Nẵng sẽ giữ ổn định phương thức tuyển sinh, có một số điều chỉnh mang tính kỹ thuật theo định hướng của Bộ GD-ĐT. Công tác tuyển sinh năm 2021 của ĐH Đà Nẵng có những điểm mới. Về đăng ký xét tuyển đối với phương thức xét tuyển theo học bạ và theo kết quả thi Đánh giá năng lực, thí sinh đăng ký hoàn toàn trực tuyến. Thời gian đăng ký dự kiến từ 15-4.

Một số trường thành viên mở rộng đối tượng xét tuyển theo phương thức tuyển thẳng, cụ thể như sau: Trường ĐH Bách khoa sẽ xét tuyển thêm 2 nhóm: Thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba tại kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thí sinh có chứng chỉ quốc tế tại kỳ thi SAT: từ 550 (điểm mỗi phần); ACT: từ 24 (thang điểm 36). Trường ĐH Ngoại ngữ: bổ sung xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ Vstep đối với ngành sư phạm tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh và các ngành còn lại trong tổ hợp xét tuyển có môn Tiếng Anh (Chấp nhận Chứng chỉ Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng tổ chức). Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh sẽ xét đối với thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các cuộc thi Khoa học Kỹ thuật khối THPT cấp tỉnh.

Về ngành đào tạo, ĐH Đà Nẵng tiếp tục tuyển sinh và đào tạo các ngành đặc thù thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin và Du lịch tại các trường ĐH Bách khoa, ĐH kinh tế, ĐH Sư Phạm, ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn. Sinh viên tham gia các chương trình đặc thù sẽ được đào tạo thực tế một phần thời gian tại doanh nghiệp.

Phương thức xét tuyển

Về phương thức xét tuyển 2021, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng có 4 phương thức tuyển sinh gồm: xét điểm thi THPT, Học bạ (điểm trung bình lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12), sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực (từ năm 2020) do ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức và tuyển sinh riêng. Phân bố chỉ tiêu cho từng phương thức tùy thuộc vào đặc điểm từng ngành, từng trường. Ngoài các phương thức nói trên, các trường tuyển thẳng, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ. Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng tổ chức thi một số môn năng khiếu để xét tuyển vào một số ngành: ngành Kiến trúc (DDK), công nghệ kỹ thuật kiến trúc (DSK), Sư phạm âm nhạc (DDS), Giáo dục mầm non (DDS), Giáo dục thể chất (DDS). Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 của ĐH Đà Nẵng dự kiến là hơn 14.000 chỉ tiêu cho 136 ngành ĐH hệ chính quy.

ĐH Đà Nẵng là một trong 3 đại học vùng trong cả nước, hiện có 9 cơ sở đào tạo thành viên có tuyển sinh đào tạo trình độ đại học gồm: ĐH Bách khoa (DDK), ĐH Kinh tế (DDQ), ĐH Sư phạm (DDS), ĐH Ngoại ngữ (DDS), ĐH Sư phạm Kỹ thuật (DSK), ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn (VKU), Viện Nghiên cứu đào tạo Việt - Anh (DDV), Khoa Y Dược (DDY) và phân hiệu tại Kon Tum (DDP).

 V.Dũng